Minh Tuấn
Minh Tuấn

Nhà giáo

"Đi học là phải cãi thầy!"

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Câu chuyện là một kỷ niệm với người thầy đáng kính của tôi nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, nhắc về tinh thần phản biện và phản biện khoa học như là một phẩm chất quan trọng nhất mà thầy đã dạy cho.

LTS: Ngoài việc quán triệt những phương châm "tôn sư trọng đạo", "tiên học lễ hậu học văn", "không thầy đố mày làm nên"..., thì việc người học đặt câu hỏi với thầy mình cho đến kỳ cùng, thẳng thắn đối thoại, trung thực phản biện quan điểm của thầy, cũng là một lối học đạt hiệu quả cao, theo tinh thần của giáo dục hiện đại. Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, VietTimes trân trọng giới thiệu hồi ức của nhà giáo Minh Tuấn về một người thầy khả kính của ông, với lối dạy học khuyến khích học viên phản biện thầy, hỏi khó thầy, "cãi thầy" !

Năm 2010 là lần đầu tiên tôi được gặp thầy, trong lớp cao học. Thầy từ Sài Gòn ra để dạy chúng tôi hai chuyên đề là Âm vị học và Lịch sử ngữ âm tiếng Việt. Đối với tất cả những người học chuyên ngành Ngữ văn thì đây là những món...ám ảnh nhất.

Hình ảnh thầy in đậm trong trí nhớ chúng tôi là một người đàn ông nhỏ con với mái đầu đã bạc ở tuổi 50 luôn xuất hiện cùng chiếc ba lô to tướng đeo lệch một bên vai, bước đi thoăn thoắt. Trước đó chúng tôi đã được nghe kể về thầy với những lời “đe dọa” rằng sinh viên rớt như sung!

Không giống với âm thanh ôn tồn, trìu mến, dịu dàng mà chúng tôi vẫn được nghe từ giọng nói của những người thầy giáo vốn đã trở nên quen thuộc trước nay, giọng thầy đanh tới nỗi làm chúng tôi sợ.

Điều bất ngờ khiến chúng tôi lúng túng không phải là trả lời những câu hỏi hóc búa của ông thầy, mà là phải đặt câu hỏi. Chúng tôi phải đặt câu hỏi. “Đi học mà không có gì để hỏi thì đi làm gì,” thầy luôn nhắc lại như thế. Thế là từ tâm thế tìm kiếm câu trả lời như trước nay, chúng tôi phải vắt óc để tìm câu hỏi. Thầy nói, “không hỏi thì ngồi chơi hoặc về.” Cái cảm giác ấy đến giờ còn nguyên trong tôi mặc dù đã trở thành kỷ niệm: vừa bối rối vừa sợ.

Thầy nói, một ông thầy có mặt là bởi vì những thắc mắc của người học, chứ không phải cái tật thích nói của ông ta. Nếu các em không có bất kỳ sự tò mò, trăn trở nào thì thầy có nói bao nhiêu cũng vô ích. Chỉ có động cơ của lòng hiếu tri mới đẩy con người ta bước lên con đường tìm kiếm sự thật. Nếu các em đến đây mà không mang theo một thắc mắc nào đó thì chắc chắn các em chưa hề tìm hiểu hoặc không hề muốn biết. Thầy có thể rót nổi thứ gì đó vào một cái bình đang đóng nút kín mít không?

Thế là sau vài buổi học đầu tiên ngỡ ngàng và choáng váng, chúng tôi bò ra đọc, ghi chép, soạn ra những câu hỏi để hôm sau làm “bảo bối phòng thân” khi đối diện với thầy. Thầy nghe rất chăm chú, đầu cứ khẽ gật gật, rồi vẫn cái giọng đanh như gỗ lim ấy thầy trả lời chúng tôi. Rồi khi chúng tôi tai đang căng ra và tay thì tốc ký lia lịa, thầy bất giác dừng lại quay qua hỏi, “đúng không?”. Tất cả ngơ ngác.

“Đi học là phải cãi thầy. Nếu không cãi thì đó chưa phải là học, và chưa phải một học trò tốt; thầy nói gì cũng dạ dạ vâng vâng thì hỏng rồi.” Thế là chúng tôi phải có thêm một nhiệm vụ nữa: cãi thầy.

Vốn là những học trò ngoan ngoãn suốt từ những năm học phổ thông cho tới đại học, chúng tôi luôn được khen vì cái phẩm chất ấy thì bất ngờ, bây giờ nó bị phê bình, bị chê trách, thậm chí bị coi thường. Chúng tôi phải “cãi thầy” như một “nghĩa vụ đạo đức” quan trọng nhất của người học.

“Nếu hôm nay các em không cãi tôi thì cùng lắm sau này cũng chỉ trở thành những người thợ giỏi chứ không thể trở nên một nhà giáo hay nhà khoa học được. Nếu chỉ biết nghe lời thì đó không bao giờ là một trí thức. Người trí thức là phải biết phản biện. Thầy đáng quý nhưng chân lý còn đáng quý hơn, Plato nói thế.”

Thế là chúng tôi lại phải thêm một nhiệm vụ nữa bên cạnh việc “chất vấn” thầy, là cãi thầy. Chúng tôi vừa phải vượt qua trở ngại tâm lý vốn đã sâu gốc bền rễ suốt hàng chục năm qua của tiêu chuẩn của “con ngoan trò giỏi” vừa phải vắt óc để “tấn công” ông thầy mình.

Rồi cũng quen dần với phong cách ấy, chúng tôi bắt đầu trở nên tự tin hơn, chủ động hơn, mạnh dạn và cởi mở. Có một cái gì không rõ đã xuất hiện từ khi nào trong chúng tôi: tư thế của một người trưởng thành. Chúng tôi đến gần thầy hơn, và phát hiện ra ông thầy khó tính ấy thật ấm áp và tình cảm. Chúng tôi ngồi café với thầy ngày chủ nhật mà không thể nào nhận ra được đây là ông thầy “phát xít” của mình ngày hôm qua trên lớp học. Thầy nói những chuyện đời thường, rồi những chuyện về Hoàng Sa, Trường Sa, về Bô-xít, về việc người Trung Quốc núp bóng người Việt mua đất khắp nơi, thầy nói về đất nước và dân tộc mình bằng một giọng nói khác hẳn trên lớp, trầm buồn và âu lo… Khi ra về, thầy dứt khoát không cho chúng tôi trả tiền café, “các em đang đi học làm gì có tiền…".

Đến bây giờ, khi đã trở thành một thầy giáo, tuy không làm công việc nghiên cứu chuyên sâu về âm vị học nhưng những bài học về giáo dục, về mối quan hệ giữa thầy và trò, về lao động và nghiên cứu khoa học, về phẩm chất trí thức… đã trở thành một phần máu thịt trong cách hành xử của chúng tôi đối với học trò mình và với cuộc đời. Thầy đã mang tới cho chúng tôi cái ý niệm về thế nào là bình đẳng, là dân chủ trong giáo dục.

Chúng tôi hiểu ra rằng chỉ có nhân cách của người thầy mới có sức mạnh lớn nhất trong việc giáo dục học trò, nó sâu sắc hơn bất kỳ lời rao giảng đạo đức nào.