Minh Tuấn
Minh Tuấn

Nhà giáo

"Giáo dục khai phóng", để làm gì?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
“Giáo dục khai phóng” là tên gọi đang rất thời thượng ở Việt Nam ta, tất nhiên không phải đến bây giờ tên gọi này mới được du nhập hay xướng lên. Mặc dù vậy, hiểu nó, nhất là hiểu bản chất, vẫn còn là một đòi hỏi bức thiết.

Trong bài viết Cần theo đuổi lối học "thực dụng", chúng tôi đã trình bày một nửa của vấn đề nhằm nhấn mạnh, đề cao phương diện thực tiễn của sự học; và để tránh đi những hiểu lầm không đáng có, xin được giới thiệu phần còn lại của vấn đề – "giáo dục khai phóng". Nếu coi "thực dụng" là mặt đất vững chắc của con diều học tập, thì "giáo dục khai phóng" chính là đôi cánh của con diều ấy.

Gõ cụm từ “giáo dục khai phóng”, chỉ trong 0.73 giây Google đã cho ra 164.000.000 (một trăm sáu mươi tư triệu) kết quả. Con số này đủ cho thấy từ tổ này đã trở nên phổ biến tới mức nào trong diễn ngôn của người Việt hiện nay. Tuy nhiên, điều ấy chưa chắc đã phản ánh đầy đủ cái cách mà người Việt chúng ta hiểu về khái niệm này.

Như chúng tôi biết, ở Việt Nam mới chỉ có duy nhất một cuốn sách hoàn chỉnh về chủ đề này được xuất bản hồi tháng 6/2021 mới đây, cuốn “Biện hộ cho một nền giáo dục khai phóng” của nhà báo lừng lẫy Fareed Zakaria. Nói như thế để thấy người Việt đã tìm kiếm nhiều thế nào đối với một vấn đề mà họ khao khát nắm bắt nhưng trớ trêu thay, lại không có nhiều tư liệu như chúng ta tưởng!

Giáo dục khai phóng là gì? Câu trả lời thường không đơn giản, có lẽ ta nên bắt đầu từ vài ví dụ quen thuộc. Ngay trên tay bạn, khi bạn đang đọc bài viết này bằng chiếc điện thoại iPhone của mình, hãy nhớ đến cha đẻ của nó: Steve Jobs. Như chính ông từng chia sẻ, những lớp học thư pháp ban đêm sau khi ông bỏ học cao đẳng đã góp phần quan trọng tạo nên đế chế công công nghệ Apple sau này. Thư pháp, chính là thư pháp chứ không phải chỉ là những thuật toán, đã giúp tạo ra những sản phẩm công nghệ đẹp nhất hành tinh làm mê đắm hàng tỉ người trên trái đất này.

Nếu bạn đang đọc bài viết này trên Facebook, cũng xin hãy nhớ ngay đến Mark Zuckerberg, anh ta đã học chuyên tiếng Hy Lạp cổ đại ở phổ thông và học chuyên khoa tâm lý học khi vào đại học. Như chính Mark đã chia sẻ, tâm lý học đóng một vai trò quan trọng vô bờ trong việc làm nên thương hiệu cho mạng xã hội lớn nhất hành tinh này.

Vấn đề không phải chỉ đơn thuần là thư pháp, cổ ngữ hay tâm lý học đã thêm vào công nghệ để giúp công nghệ trở nên lớn mạnh, mà là sự kết hợp, ở đây thật khó để phân định yếu tố nào đã đóng vai trò quyết định cho sự thành công.

Nghệ thuật, văn chương, khoa học về con người (tâm lý học), sử học, triết học v.v. chính là các môn học khai phóng (tất nhiên học thế nào để nó trở thành khai phóng thì lại là một chuyện khác). Theo đuổi một chuyên ngành thôi chưa đủ để làm ra con người hoàn thiện.

Trong cuốn “Thế giới như tôi thấy”, Einstein đã viết một điều hết sức “nghiệt ngã”: sẽ là một sự thiếu sót nếu chỉ dạy cho con người một ngành chuyên môn. Bằng cách đó anh ta sẽ trở thành một loại máy có thể sử dụng được. Nhưng quan trọng là anh ta phải có một cảm giác sinh động về cái gì đáng giá để phấn đấu. Anh ta phải có một cảm giác sinh động về cái gì đẹp và tốt về mặt đạo lý. Nếu không anh ta với kiến thức chuyên môn hoá sẽ giống như một con chó được huấn luyện tốt, hơn là một con người phát triển hài hoà."

Những tỉ phú nổi tiếng của nhân loại mà chúng ta biết đến như Jobs, Zuckerberg, Jack Ma, v.v. luôn thể hiện một cái nhìn độc lập, đầy cá tính và sáng tạo. Họ không phải chỉ là những nhà sáng chế, còn hơn thế, họ là những người có đầu óc sáng tạo và tư duy đột phá. Những kỹ sư giỏi nhất thế giới sẽ làm việc cho họ với tư cách là những những nhân viên làm thuê cho ông chủ, việc của họ (ông chủ) không phải là ngồi gắn những con chip.

Vậy là, như chúng ta đang thấy, những môn học “vô bổ” kia đã làm thay đổi thế giới và giúp cho họ kiếm được nhiều tiền đến mức mà một kỹ sư giỏi nhất cũng không bao giờ có thể tưởng tượng được.

Giáo dục khai phóng, để làm gì? Để kiếm được nhiều tiền hơn! Tất nhiên là không phải chỉ có thế, nói như Einstein là "để có được một thái độ đúng với người đồng loại và với cộng đồng.”

“Bỏ học” không phải là bí quyết của thành công như cách nhiều người đang lấy các nhân vật vừa kể trên cộng thêm Bill Gates nữa để làm hình mẫu! Con người không chịu được các khuôn khổ chật hẹp bên ngoài sau khi đã đào sâu vào thế giới bên trong mình, từ đó đi đến quyết định bỏ học để tìm một chân trời mới rộng lớn hơn, phù hợp với sức vóc nghĩ tưởng của họ hơn.

Trước nay, nhiều người hay gọi giáo dục đại học của Việt Nam là “Trung học phổ thông cấp 4”, nhưng có lẽ, dưới góc nhìn của giáo dục khai phóng thì nó sẽ mang thêm một tên gọi nữa: “các đại học nghề”. Giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học không thể chỉ dạy cho người ta một cái nghề để kiếm sống hay kiếm tiền. Giáo dục phải được tổ chức như là cách thức tối ưu để giúp giải phóng con người.

Chúng ta có thể tự hào về kết quả kiểm tra PISA khi mà Việt Nam đã vượt qua cả Mỹ, chúng ta cũng có thể tự hào về những tấm huy chương qua các kỳ Olympic quốc tế vang dội của mình; tuy nhiên chúng ta rất khó để khẳng định từ những thành tích thi cử hay xếp hạng đó đã vươn tới được những thành tựu thực tế vượt trội nào đó.

Giáo dục khai phóng có cốt lõi là bồi đắp năng lực tư duy, nó dạy cho con người trở thành những cá tính và biết độc lập suy nghĩ. Nó chống lại những giáo điều và thói quen cũ kỹ, nó kêu mời con người đứng dậy phản biện để kiến lập cái mới. Nói tóm lại, giáo dục khai phóng là lối giáo dục hướng vào con người, vì con người và cho con người, nó lấy con người làm điểm xuất phát đồng thời làm đích đến; lấy hạnh phúc của con người (cá nhân) làm mục tiêu và lấy tinh thần công lợi làm lý tưởng.

Giáo dục khai phóng “nhằm giải phóng tinh thần khỏi sự bó buộc vào thói quen và lề lối, tạo ra những con người có thể hành động với sự nhạy cảm và cảnh giác như những công dân thế giới,” như trong cuốn "Biện hộ cho một nền giáo dục khai phóng" đã nêu. “Cơ bản của một nền giáo dục khai phóng là 'không dạy cái đặc thù của bất cứ nghề nghiệp nào' mà là đặt nền móng chung cho tất cả mọi nghề nghiệp.”

Giáo dục Việt Nam đang gặp trục trặc ở cả hai “cấp” học, nếu phổ thông nặng về giáo điều thì đại học và trên đại học chủ yếu là học nghề. Với tình trạng này, tiềm năng con người – nguồn tài nguyên vô tận và vô giá nhất – về cơ bản đang bị bỏ hoang. Đây là một sự lãng phí chưa từng có, và chúng ta không thể cho phép điều ấy được tiếp diễn, bởi vì nó là nguyên nhân của lạc hậu, nghèo đói, và các vấn nạn xã hội.

“Giáo dục khai phóng”, đúng thế, cần phải được “biện hộ”; bởi đó chính là sự biện hộ cho con người, biện hộ cho tương lai của đất nước. Chỉ có giải phóng con người bằng một đường lối giáo dục hướng tới tư duy độc lập, với phản biện không giới hạn, đối lập với thứ giáo dục làm theo, giáo dục nghe lời, thì của cải mới theo về, an sinh mới được dựng lập và thịnh vượng mới hiện hữu.