Đạo luật về trần nợ được ký duyệt, Mỹ chính thức đảo ngược nguy cơ vỡ nợ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Đạo luật mới được thông qua sẽ trì hoãn trần nợ đến ngày 1/1/2025, chính thức giúp nước Mỹ tránh được nguy cơ vỡ nợ.

im-793875.jpg
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Phòng Bầu dục (Ảnh: WSJ)

Kịch bản được dự báo

Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa ký thông qua luật về trần nợ công, đình chỉ trần nợ 31,4 nghìn tỉ USD, giúp nước Mỹ tránh khỏi nguy cơ vỡ nợ trong gang tấc – viễn cảnh có thể đẩy nền kinh tế lớn nhất thế giới vào một cuộc suy thoái và kích hoạt một cuộc khủng hoảng tài chính.

Tổng thống Biden đã ký ban hành luật về trần nợ vào chiều ngày 3/6 (giờ Mỹ), chỉ 2 ngày trước khi chính phủ được cho là cạn tiền để thanh toán các hoá đơn, theo ước tính của Bộ Tài chính.

Đạo luật này được thông qua đã kết thúc nhiều tuần đàm phán trong căng thẳng giữa Nhà trắng và các nghị sĩ đảng Cộng Hoà tại Hạ viện, do các nhà lập pháp phe Cộng hoà yêu cầu cắt giảm chi tiêu để đổi lấy việc nâng trần nợ công.

Đạo luật Trách nhiệm Tài chính sẽ trì hoãn trần nợ cho đến ngày 1/1/2025, tức đẩy vấn đề này đến sau kỳ bầu cử tổng thống năm 2024, để đổi lấy việc cắt giảm ngân sách đối với một số chương trình nội địa chưa xác định và mức trần 3% tăng chi tiêu quốc phòng trong năm tài khoá 2024.

Đạo luật cũng cung cấp 45 tỉ USD cho một chương trình vừa được khởi động mới đây nhằm mở rộng phạm vi bảo hiểm cho những cựu binh tiếp xúc với các hố bỏng độc hại, chính thức chấm dứt giai đoạn 3 năm đóng băng thanh toán nợ sinh viên, xúc tiến các dự án năng lượng và cơ sở hạ tầng quy mô lớn, và nâng độ tuổi của người trưởng thành thu nhập thấp không có người phụ thuộc cần phải làm việc mới được hưởng trợ cấp thực phẩm lên 54.

“Không phải ai cũng có được mọi thứ họ muốn, nhưng người dân Mỹ đã có được thứ họ cần”, ông Biden phát biểu tại Phòng Bầu dục trong chiều ngày 3/6. “Chúng tôi đã đảo ngược một cuộc khủng hoảng kinh tế, một cú sập kinh tế”.

Trước đó, đạo luật này đã vượt qua lưỡng viện Quốc hội nhờ vào sự ủng hộ của các thành viên đến từ hai đảng, bất chấp sự phản đối từ nhóm nghị sĩ bảo thủ rằng đạo luật này chưa đủ mạnh để kiểm soát chi tiêu, và cả sự phản đối từ nhóm nghị sĩ tự do về các quy định làm việc mới.

Tổng thống Biden, tại Phòng Bầu dục, đưa ra cảnh báo rằng nếu bị vỡ nợ, nền kinh tế Mỹ sẽ “bị ném vào một cuộc suy thoái”, tài khoản lương hưu của hàng triệu người dân Mỹ sẽ bị “xoá sổ” và ước tính có 8 triệu người lao động Mỹ bị mất việc.

Ông cũng ngợi khen Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy và đội ngũ lãnh đạo đảng Cộng hoà, cũng như các cố vấn của tổng thống vì “thẳng thắn với nhau, hoàn toàn trung thực với nhau” trong quá trình đàm phán khó khăn.

“Cả hai bên đều giữ đúng lời hứa của họ”, ông nói.

Đây cũng là bài phát biểu lớn đầu tiên mà ông Biden phát đi từ Phòng Bầu dục. Thông thường, nhà lãnh đạo Mỹ muốn đưa ra phát biểu ở những địa điểm khác bên trong Nhà Trắng, như Phòng phía Đông. Tuy nhiên, thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho rằng ông Biden, thường lựa chọn phát biểu trước toàn quốc sau Chiếc bàn Kiên định của tổng thống, đã lựa chọn Phòng Bầu dục “do tầm quan trọng của tình huống”.

1.png
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy (Ảnh: NYPost)

Vượt chặng đường thách thức

Mặc dù đạo luật về trần nợ vấp phải sự phản ứng từ một số thành viên tự do trong đảng Dân chủ, nhưng ông Biden nhấn mạnh rằng cả hai cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện và Thượng viện đã phản ánh sự ủng hộ từ cả lưỡng đảng, ông cho rằng điều này mang ý nghĩa “lưỡng đảng hơn bất cứ ai có thể nghĩ”.

Một số đảng viên Dân chủ đã nêu quan ngại về các điều khoản tăng chi tiêu quốc phòng và hỗ trợ các chính sách năng lượng, vốn bị các nhà hoạt động môi trường phản đối. Tuy nhiên, ông Biden và các lãnh đạo đảng này cho rằng điều đó phản ánh sự thoả hiệp.

Đằng sau hậu trường, giới chức Nhà Trắng nói rằng ông Biden giờ sẽ có lộ trình rõ ràng để thúc đẩy thông điệp kinh tế của ông trên khắp cả nước, tập trung vào những cơ hội dành cho người lao động có thu nhập trung bình và tái thiết ngành sản xuất của Mỹ.

Trong bài phát biểu của mình, ông Biden cam kết đưa ra các bước đi tiếp theo nhằm giảm thâm hụt thương mại và kiểm soát chi tiêu. Ông cũng nhắc lại quyết tâm tăng thuế đối với những người giàu nhất tại Mỹ.

"Đảng Cộng hoà có thể không đồng ý với điều này, nhưng tôi cam đoan rằng người giàu phải đóng góp công bằng", ông Biden nói.

Đảng Dân chủ nhấn mạnh rằng đạo luật mới đã giữ được nhiều phần quan trọng trong chương trình nghị sự của Tổng thống Biden, bao gồm Đạo luật Giảm Lạm phát và những quy định bảo vệ nhóm người được hỗ trợ bởi chương trình An sinh Xã hội và Medicare.

“Chúng tôi đã cứu đất nước từ chỗ nguy cơ vỡ nợ”, Thủ lĩnh nhóm đa số Thượng viện, Chuck Schumer, tuyên bố.

Trong khi đó, ông McCarthy viết trên Twitter rằng đạo luật mới “đã chấm dứt tranh cãi và giúp Washington phải trở lại làm việc!” bởi nó sẽ dọn đường cho Quốc hội xem xét các dự luật ngân sách riêng rẽ thay vì cả một gói lớn vào cuối năm.

Theo Wall Street Journal