Thỏa thuận trần nợ "vượt ải" Hạ viện, tiếp tục được chuyển đến Thượng viện

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Dự luật mới trì hoãn trần nợ cho tới tháng 1/2025 đã được Hạ viện Mỹ thông qua, và giờ sẽ được chuyển tới Thượng viện.

Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy trên đường tới Hạ viện để tham gia cuộc bỏ phiếu dự luật trần nợ (Ảnh: Getty)
Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy trên đường tới Hạ viện để tham gia cuộc bỏ phiếu dự luật trần nợ (Ảnh: Getty)

Hạ viện Mỹ đã thông qua một dự luật cho phép đình chỉ trần nợ 31,4 nghìn tỉ USD của Chính phủ, sau khi Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy đạt được một thỏa thuận với Tổng thống Joe Biden nhằm đảo ngược nguy cơ vỡ nợ của chính phủ Mỹ.

Cuộc bỏ phiếu với kết quả 314 thuận/117 chống dựa trên sự ủng hộ của cả đảng Cộng hòa và Dân chủ. Sau khi "qua ải" Hạ viện, dự luật này sẽ được chuyển đến Thượng viện, nơi mà các nhà lãnh đạo hứa hẹn sẽ hành động một cách nhanh chóng, và ông Biden cho hay ông rất mong chờ được ký để nó thành luật.

Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen trước đó nói rằng chính phủ Mỹ có thể hết tiền mặt vào ngày 5/6 để thanh toán kịp thời và cảnh báo rằng viễn cảnh đó có thể gây ra những tổn thất to lớn về mặt kinh tế, cùng sự gián đoạn trên các thị trường, trừ khi Quốc hội hành động nhanh chóng.

Cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện đánh dấu cột mốc quan trọng của một cuộc tranh luận gay gắt, trong đó các thành viên của đảng Cộng hòa dự định sử dụng trần nợ như đòn bẩy để tiếp tục yêu cầu cắt giảm chi tiêu và loại bỏ nhiều sáng kiến của ông Biden – nhưng cuối cùng vẫn phải chấp nhận những thay đổi khiêm tốn hơn.

Hiện tại, kết quả của cuộc tranh luận đó cho thấy ông McCarthy có quyền lực thực thi các thỏa thuận với phe Dân chủ trong khi vẫn duy trì công việc của mình. Sự việc cũng củng cố thêm uy tín của ông Biden với tư cách là một nhà kiến thiết thỏa thuận, sẵn sàng tìm kiếm một điểm trung gian với phe Cộng hòa.

Dự luật mới được Hạ viện thông qua sẽ trì hoãn trần nợ cho đến ngày 1/1/2025, như vậy sẽ dời cuộc tranh luận về trần nợ này cho đến sau kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ. Dự luật cắt giảm một số khoản chi tiêu trong năm tài khóa tiếp theo và áp dụng mức trần chi tiêu 1% đối với năm tài khóa 2025, tuy nhiên lại không đụng chạm đến những phần lớn hơn của ngân sách như An sinh xã hội và chương trình Medicare. Ngoài ra, dự luật cũng bao gồm các điều khoản nhằm thúc đẩy các dự án năng lượng và áp dụng quy định mới về hỗ trợ thực phẩm.

Dự luật này sẽ giảm thâm hụt của chính phủ khoảng 1,5 nghìn tỉ USD trong vòng một thập kỷ tới, so với dự báo cơ bản, theo Văn phòng Ngân sách Chính phủ.

Vị trí Chủ tịch Hạ viện của ông McCarthy sẽ chịu sức ép lớn nếu như ông không đủ khả năng lấy được sự ủng hộ của đảng Cộng hòa. Tuy nhiên, thực tế cho thấy ông đã thể hiện khả năng kết nối các đảng viên Cộng hòa tại Hạ viện trong các cuộc họp kín. Một số nhà lập pháp đảng Cộng hòa đã đưa ra những yêu cầu đặc biệt để ủng hộ dự luật trần nợ.

"Việc tiếp tục sự lãng phí chi tiêu của Washington là không đúng và thiếu trách nhiệm," ông McCarthy tuyên bố trước khi bỏ phiếu. "Lần đầu tiên, chúng ta đang thực hiện những thay đổi." Ông mô tả đợt cắt giảm chi tiêu này là lớn nhất trong lịch sử của nước Mỹ và thêm rằng: "Tôi không muốn đứng về phía sai trong lịch sử."

Theo thỏa thuận mà ông đạt được với những người không ủng hộ mình trong cuộc bầu cử Chủ tịch Hạ viện hồi tháng 1 năm nay, ông McCarthy đã đồng ý thay đổi các quy định của Hạ viện, cho phép bất cứ thành viên nào cũng có thể kêu gọi một cuộc bỏ phiếu để lật đổ Chủ tịch đương nhiệm và thay thế bằng một lãnh đạo mới.

Một số thành viên bảo thủ của phe Cộng hòa phàn nàn rằng đợt cắt giảm này chỉ là “cái bóng” của các biện pháp cắt giảm được đưa ra trong dự luật hồi tháng 4 của họ trong cuộc đàm phán về trần nợ. Họ cũng đánh tín hiệu sẽ tìm cách lật đổ ông McCarthy vì những sự nhân nhượng của ông này trước phe Dân chủ.

Các thành viên cấp tiến của đảng Dân chủ, trong khi đó, lại phàn nàn về những điều khoản liên quan tới cấp phép các dự án năng lượng và yêu cầu làm việc của các chương trình xã hội. Ông Biden đã phải trấn an nhóm này rằng thỏa thuận mới không đụng chạm tới chương trình chăm sóc y tế công cộng và hầu hết Đạo luật giảm lạm phát và luật thuế của ông. Tuy nhiên, dự luật này lại rút hàng tỉ USD ngân sách dành cho Sở Thuế vụ.

Thất bại trong việc nâng trần nợ công có thể làm chậm các khoản thanh toán của chính phủ đối với người già đang hưởng phúc lợi từ chương trình An sinh xã hội, các nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu kho bạc, và công chức chính phủ, ngoài ra còn nhiều người khác. Một số nhà lập pháp cho hay họ muốn bỏ phiếu thuận bởi nhiều cử tri lo lắng rằng họ sẽ không nhận được tấm séc nào./.

Theo Wall Street Journal