Thoả thuận trần nợ sẽ ảnh hưởng ra sao tới chi tiêu của chính phủ và nền kinh tế Mỹ?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Thoả thuận trần nợ nếu được phê duyệt sẽ giúp đảo ngược nguy cơ vỡ nợ của chính phủ Mỹ, nhưng tác động rất ít tới viễn cảnh kinh tế vĩ mô.

Thoả thuận trần nợ sẽ giúp xoa dịu tình trạng bất trắc của nền kinh tế Mỹ (Ảnh: Getty)
Thoả thuận trần nợ sẽ giúp xoa dịu tình trạng bất trắc của nền kinh tế Mỹ (Ảnh: Getty)

Thoả thuận nâng trần nợ công liên bang của Mỹ sẽ không có tác động đáng kể đến việc làm dịu nền kinh tế Mỹ hay giảm lạm phát, vốn đang ở mức cao, do nó không giảm đáng kể các khoản chi tiêu của chính phủ, mà thực tế đang tăng nhanh sau thời kỳ COVID, theo các chuyên gia kinh tế nhận định.

Thoả thuận giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy, đạt được vào cuối tuần trước, nhằm nâng trần nợ công, đã mở ra một con đường để tránh nguy cơ vỡ nợ - một tình huống mà các nhà kinh tế tin rằng có thể gây ra khủng hoảng tài chính toàn cầu. Thoả thuận này sẽ kéo dài cho đến tháng 1/2025 và cần sự phê chuẩn từ cả Hạ viện và Thượng viện.

5.png
Chi tiêu của chính phủ liên bang Mỹ (Ảnh: WSJ)

Theo các điều khoản của thoả thuận, chi tiêu phi quân sự của Mỹ sẽ được duy trì ở mức ổn định trong năm tài chính 2024, bắt đầu từ tháng 10 năm nay, và đặt ra mức trần 1% đối với tăng chi tiêu trong năm tài khoá 2025.

Chi tiêu quân sự sẽ tăng khoảng 3% trong năm tài khoá 2024. Các mục khác quy định cắt giảm ngân sách của Sở Thuế vụ, thắt chặt một số điều kiện làm việc đối với Chương trình Hỗ trợ dinh dưỡng Bổ sung (SNAP) và tăng tốc cấp phép các dự án năng lượng.

Các nhà kinh tế học đến từ JPMorgan Chase ước tính rằng thoả thuận này sẽ giảm chi tiêu khoảng 0,2% GDP mỗi năm, trong vòng 2 năm thoả thuận có hiệu lực, so với các dự báo trước đó.

“Nếu thoả thuận này được phê duyệt thành luật, mức giảm chi tiêu sẽ không gây tác động lớn đối với viễn cảnh kinh tế vĩ mô”, Michael Feroli, kinh tế trưởng khu vực Mỹ đến từ JPMorgan Chase, nhận định.

Các vòng đàm phán dẫn đến thoả thuận này đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường tài chính và khiến nhiều nước đồng minh của Mỹ quan ngại. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen nói rằng Mỹ có thể không đủ khả năng thanh toán kịp thời nếu như Quốc hội không nâng trần nợ công vào ngày 5/6.

Các nhà kinh tế học cho rằng thế bế tắc khiến chính phủ liên bang không đủ khả năng thanh toán lãi cho các khoản nợ đúng hạn sẽ khiến cho các thị trường chứng khoán và trái phiếu lao dốc, hàng triệu việc làm bị mất, và có thể gây ra một cuộc suy thoái với quy mô ít nhất là tương tự như đợt 2007-2009.

Một thoả thuận, nếu được phê duyệt, sẽ giúp xoa dịu sự ngờ vực về một nền kinh tế đang phải đối mặt với những “làn gió ngược” do lạm phát tăng cao và chiến dịch kiềm chế đà tăng của Fed bằng các đợt nâng lãi suất với nhịp độ chóng mặt.

4.png
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ (Anh: WSJ)

Tuy nhiên, bất chấp những dự báo về một cuộc suy thoái sâu rộng, nền kinh tế Mỹ trong năm nay vẫn rất "khoẻ mạnh", nhờ người tiêu dùng sẵn sàng chi tiêu và doanh nghiệp tăng cường tuyển dụng người lao động.

Dữ liệu mà chính phủ Mỹ công bố trong tuần trước cho thấy chi tiêu tiêu dùng đã tăng tốc trong tháng 4 vừa qua, và các nhà kinh tế học kỳ vọng sẽ chứng kiến đà tăng trưởng việc làm cùng tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất lịch sử trong bản báo cáo tháng 5 mà bộ Lao động Mỹ sẽ công bố trong hôm thứ Sáu tuần này.

Thoả thuận trần nợ sẽ gần như không làm thay đổi viễn cảnh đó. “Chúng tôi không cho rằng thoả thuận về trần nợ sẽ kìm hãm được chi tiêu thực có thể đẩy nền kinh tế vào chỗ suy thoái”, Joseph Brusuelas, kinh tế trưởng đến từ RSM US. nói.

Một phần của thoả thuận trần nợ có thể tác động tới nền kinh tế bắt đầu từ mùa Thu năm nay, theo các chuyên gia kinh tế. Việc khởi động lại các khoản thanh toán nợ sinh viên và lãi tích luỹ, được trì hoãn từ năm 2020, sẽ diễn ra vào cuối tháng 8.

Thoả thuận mới sẽ hệ thống hoá những thứ mà chính quyền đã lên kế hoạch thực hiện liên quan tới tái khởi động thanh toán nợ, đợi đến khi Toà án Tối cao đưa ra phán quyết về kế hoạch xoá nợ diện rộng và cho phép khoảng thời gian 60 ngày chuẩn bị để nối lại việc thanh toán.

“Việc khởi động lại các khoản thanh toán nợ sẽ làm giảm thu nhập tự do khoảng 60 tỉ USD mỗi năm, tương đương mức giảm 0,2% đối với đà tăng trưởng”, Andrew Hollenhorst, kinh tế trưởng khu vực Mỹ tại Citigroup, cho hay./.

Theo Wall Street Journal