Đạo diễn Đỗ Minh Tuấn: Phim truyền hình phải tạo ra sự cuốn hút để khán giả luôn chờ đợi

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes –  Ngày nay, món ăn tinh thần của đông đảo công chúng là phim truyền hình vì có thể xem tại nhà hàng ngày mà không cần tới rạp. Làm phim truyền hình cũng có đặc thù riêng do làm theo yêu cầu của "nhà đài".
Đạo diễn điện ảnh Đỗ Minh Tuấn
Đạo diễn điện ảnh Đỗ Minh Tuấn

Để tìm hiểu về vấn đề sản xuất phim truyền hình, VietTimes đã có cuộc trao đổi với đạo diễn Đỗ Minh Tuấn - một trong những bậc thầy của "làng phim " Việt Nam.

PV: Ông có thể cho biết khi làm phim, thì yêu cầu về phim truyền hình khác với phim chiếu rạp ở chỗ nào?

Đạo diễn Đỗ Minh Tuấn: Ai cũng thấy là phim truyền hình khác với phim điện ảnh, hay còn gọi là phim chiếu rạp, là rất nhiều tập. Mà càng nhiều tập thì càng phải lôi cuốn người xem để thu hút quảng cáo. Phim truyền hình có thể kéo dài 4-5 tập và cũng có thể vài chục, thậm chí vài trăm tập. Nó cũng giống như ... cái kẹo kéo, muốn kéo dài ra bao nhiêu cũng được.

Phim truyền hình thường được thực hiện theo yêu cầu của các “nhà đài” và được chiếu miễn phí phục vụ khán giả. Trong khi đó, phim chiếu rạp là phải thu hút được khán giả đến rạp để có doanh thu. Phim truyền hình thường phải gắn liền với quảng cáo để có doanh thu và chi trả cho khâu sản xuất. Phim truyền hình phải đáp ứng cho một lượng khán giả rất lớn, tới hàng chục triệu người chứ không mang tính chọn lọc khán giả như phim chiếu rạp.

Đương nhiên, phim truyền hình cũng phải có những đặc thù riêng và không khắt khe như phim chiếu rạp, mà mang tính giải trí nhiều hơn. Nếu như phim chiếu rạp không có tính giải trí thì vẫn có thể hút khách và vẫn có những giải thưởng lớn như Oscar. Nhưng phim truyền hình nếu không có tính giải trí thì coi như vứt đi. Với phim truyền hình, sức hút với khán giả là một chỉ số phải đặt ra. Cho nên, phim truyền hình khi làm ra thì cần có sự lôi cuốn, kịch tính, sự gần gũi với đời sống… và tất cả những yếu tố đó tạo nên những yêu cầu, đặc thù riêng của điện ảnh trên truyền hình.

Một cảnh trong bộ phim "Hướng dương ngược nắng" đang được VTV3 phát sóng rất thu hút đông đảo khán giả truyền hình cả nước.

Một cảnh trong bộ phim "Hướng dương ngược nắng" đang được VTV3 phát sóng rất thu hút đông đảo khán giả truyền hình cả nước.

Về yếu tố kịch bản, phim truyền hình phải tạo ra sự cuốn hút mà điển hình là bắt khán giả phải chờ đợi những diễn biến tiếp theo. Nhưng với phim chiếu rạp thì không yêu cầu phải có những kịch tính như thế. Vì thế, tiêu chí đánh giá chất lượng giữa phim truyền hình và phim chiếu rạp là hoàn toàn khác nhau. Một bên, phim chiếu rạp làm ra vì chính nó để truyền cảm hứng nghệ thuật tới khán giả thông qua những hình ảnh đắt giá. Trong khi đó, phim truyền hình phải thu hút được số lượng khán giả lớn hơn và phải dài tập theo yêu cầu của “nhà đài”.

Phim truyền hình chỉ nói lại những vấn đề khán giả đã biết và giống như một cô vợ đã cưới về nhà rồi. Nhưng vấn đề là người chồng phải làm cho cô vợ đó vui và hạnh phúc. Còn phim chiếu rạp là phải mới mẻ, tạo nên sức hút với khán giả để đi đến những đỉnh cao của nghệ thuật. Yêu cầu về cái mới trong phim chiếu rạp cũng vì thế mà phải cao hơn. Trong khi đó, với phim truyền hình thì nhiều khi cái mới lại phản tác dụng vì không được đại đa số khán giả bình dân cảm nhận và chia sẻ.

PV: Vậy xin ông cho biết, kịch bản phim truyền hình có đặc thù khác biệt gì so với phim điện ảnh?

Đạo diễn Đỗ Minh Tuấn: Trước hết, vì phim truyền hình kéo dài rất nhiều tập nên lời thoại phải nhiều hơn so với phim điện ảnh. Ví dụ như trong phim chiếu rạp nếu một nhân vật dùng dao đâm người khác thì chỉ cần hành động để diễn tả chứ không nhất thiết cần đến lời thoại. Nhưng với phim truyền hình thì nhiều khi lại phải có những câu như: “Tôi đi lấy con dao đây”. Lý do là với phim truyền hình thì khán giả không dán mắt vào màn ảnh mà có thể có những lúc vừa theo dõi phim vừa làm việc riêng ở trong buồng hay trong bếp, nên phải cần lời thoại để dẫn dắt cho họ theo dõi câu chuyện bằng tai.

Vì thế, khi giảng dạy ở Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, tôi nói rất nhiều về sự đi lại và lời nói của nhân vật trong phim. Và tuy lời thoại trong phim truyền hình có nhiều hơn phim chiếu rạp, nhưng cũng không được thừa thãi vì khi đó sẽ làm mất kịch tính. Cùng là một việc cầm dao để giết người mà chỉ nói một câu là đi giết một ai đó thì những người làm phim có thể “ăn cắp” của khán giả cả một đoạn dài. Để có đủ thời lượng thì trong phim còn phải có những diễn biến cản trở câu chuyện gây them kịch tính và hồi hộp, như có người can ngăn hay đòi nhân vật phải có them hành động vượt rào cản, tăng thêm quyết tâm cùng những bằng chứng…Sự cản trở hành động của nhân vật vừa đảm bảo logic cuộc sống, vừa phơi bày chiều sâu động cơ, tâm lý và cảm xúc. Các phim sơ lươc, công thức thường bỏ qua những tình huống cản trở, nên đơn điệu, hời hợt và nhàm chán.

Logic hình ảnh của phim là để khán giả thẩm thấu cuộc sống qua những hình ảnh của phim và có cảm xúc. Còn ngôn ngữ trong phim chỉ là một yếu tố nhỏ, thứ yếu.

PV: Có một thực tế với không ít phim truyền hình là đã lên sóng trong khi chưa thực hiện xong. Xin ông cho biết, căn cứ vào đánh giá của khán giả thì liệu đạo diễn có thể “đo nhiệt” và điều chỉnh các tập tiếp theo như thế nào?

Đạo diễn Đỗ Minh Tuấn: Việc chưa làm xong phim đã phát sóng cũng là một thực tế tất yếu của điều kiện sản xuất phim truyền hình không chỉ với riêng Việt Nam. Việc đưa phim lên sóng lúc nào hoàn toàn do “nhà đài” quyết định. Hoặc là “nhà đài” cũng có thể yêu cầu đoàn làm phim phải điều chỉnh lại kịch bản, v.v…

Đương nhiên, người ta cũng có thể tin tưởng vào các đạo diễn cứng cựa để yên tâm phát sóng và chờ đợi các tập phim còn lại vẫn hoàn thành đúng tiến độ. Cụ thể, có những tình huống ở tập này, tập khác và chỉ cần đạo diễn cho hiệu chỉnh lại ở những tập sắp phát sóng là đảm bảo tiến độ. Tính năng động của phim truyền hình và “nhà đài” là ở chỗ đó.

PV: Phim truyền hình bị rất nhiều yếu tố chi phối và mỗi tập phim chỉ được thực hiện trong vài ngày. Trong sức ép đó thì đoàn làm phim phải làm gì để đảm bảo chất lượng, thưa ông?

Đạo diễn Đỗ Minh Tuấn: Đó là thực tế của phim truyền hình ở Việt Nam và các đoàn làm phim đã phải quen với cách làm đó cho kịp tiến độ. Còn ở nước ngoài, mỗi tập phim có thể có thời gian quay dài hơn vì diễn viên của họ có cát-sê rất cao so với ở ta. Tuy nhiên, trong một tổng thể chung thì một tập phim truyền hình là không thể kéo dài thời gian thực hiện và đạo diễn phải quyết định cách làm phù hợp.

PV: Khi làm phim truyền hình, có không ít diễn viên kịch cũng tham gia. Xin ông cho biết, diễn viên kịch có ưu điểm và nhược điểm như thế nào khi tham gia phim truyền hình?

Đạo diễn Đỗ Minh Tuấn: Diễn viên kịch tham gia phim truyền hình thì cũng có nhiều loại. Có những người tham gia rất tốt vì họ thoát khỏi sự xơ cứng của diễn tấu sân khấu. Trên sân khấu đòi hỏi việc diễn xuất phải cường điệu, phải nói to. Tại sao phải nói to? Vì điều kiện thu âm của sân khấu những năm trước còn hạn chế, chưa có micro gắn trên ve áo như bây giờ. Và cả những điều kiện thậm chí không có thu âm như diễn trong rừng, diễn ở nông thôn… Còn với phim truyền hình ngày nay thì điều kiện về âm thanh rất tốt. Thậm chí công nghệ cho phép cả việc thu tiếng trực tiếp nên không cần phải lồng tiếng hậu kỳ nữa.

Cố NSND Hoàng Dũng và NSƯ T Trung Anh là những diễn viên kịch tham gia đóng phim truyền hình "Người phán xử".

Cố NSND Hoàng Dũng và NSƯ T Trung Anh là những diễn viên kịch tham gia đóng phim truyền hình "Người phán xử".

Tôi cũng xin nói thêm là không chỉ diễn viên sân khấu mà cả đạo diễn sân khấu cũng có thể chuyển sang làm đạo diễn phim truyền hình. Đương nhiên, họ phải học hỏi về công nghệ làm phim truyền hình và họ có ưu điểm là hiểu về diễn viên sân khấu để đưa ra các yêu cầu điều chỉnh khi các diễn viên này tham gia đóng phim.

Còn nói về nhược điểm của diễn viên sân khấu khi tham gia đóng phim thì chúng ta có thể xem lại những bộ phim cũ để thấy nó có tính sân khấu khá nhiều. Trước hết về kỹ thuật lồng tiếng còn hạn chế và lời thoại cũng mang tính cường điệu, không tự nhiên. Tuy nhiên, ngày nay diễn viên sân khấu tham gia lồng tiếng thường rất giỏi.

PV: Xin cám ơn ông!