Tuyên truyền phi pháp cho Trung Quốc: Chỉ “sơ suất” để lọt?
Mấy ngày qua, không chỉ là chuyện để “lọt lưới” trong khâu “kiểm duyệt” khiến cho bộ phim tuyên truyền phi pháp cho chủ quyền biển đảo của Trung Quốc chiếu công khai trong rạp Việt.
Nhưng đáng sợ nhất là tư duy trốn tránh trách nhiệm, thờ ơ “sống chết mặc bay” theo kiểu như một cựu quan chức ngành Điện ảnh nhận định: “Hình ảnh đường lưỡi bò có mấy giây, mọi người cứ làm quá lên”.
Ngành Điện ảnh từ lâu đã bộc lộ quá nhiều vấn đề bất cập, nay “thất thủ” luôn với “cây kéo” có tên là “kiểm duyệt”.
Trong một diễn biến khác, ngay khi đoàn làm phim của đạo diễn Trần Thanh Huy và HK Film mang "chuông" “Ròm” với những điểm trần trụi, khốc liệt của đời sống đường phố đi "đánh xứ người" ở LHP Busan, thu được giải thưởng danh giá nhất dành cho hạng mục “Những trào lưu mới”, họ không phải không biết trước những hậu quả nặng nề sẽ buộc phải nhận khi về nước.
Ở đây, cụ thể là quyết định số 110/QĐ-XPVPHC xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần sản xuất phim Hoan Khuê (HK Film) - đơn vị sản xuất bộ phim “Ròm” của Thanh tra Bộ VHTT&DL.
Quyết định do ông Phạm Cao Thái - Chánh Thanh tra Bộ VHTT&DL - ký, xử phạt HK Film vì hành vi phát hành phim khi chưa được phép phổ biến.
Cảnh trong phim độc lập "Ròm" vừa giành giải cao nhất ở LHP Busan
|
Phản ứng mạnh mẽ trước quyết định này, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, người cũng từng lâm cảnh tương tự khi mang “Đập cánh giữa không trung” ra nước ngoài nhớ lại: “Năm 2014, “Đập cánh giữa không trung” được LHP quốc tế Venice xác nhận dự tranh chính thức tại Tuần lễ phê bình trước khi phim có bản hòa âm. Thậm chí trước khi tôi lock bản director cut. Tôi còn khoảng 2 tuần để gửi DCP sang Venice theo quy định. Lúc ấy, tình thế giống "Ròm" hôm nay. Mong manh ở ranh giới phim đi thi trước khi có cấp phép. Tôi ngày ấy muốn đúng luật”.
“Nhưng điểm cốt tử là, tôi trong cuộc gặp với đại diện của Hội đồng duyệt, tôi được nghe chính xác 5 điểm cần thay đổi, chỉnh sửa. Và được phản biện rằng có sửa hay không. Còn năm nay 2019, Huy và anh Hoan muốn đúng luật, nhưng điều mà họ nhận được là yêu cầu hãy rút phim về, không đi thi và ký cam kết sẽ thực hiện tất cả những điều trên?” – Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp so sánh.
Phim Việt đoạt giải cao nước ngoài thì phạt?
“HK Film ký cam kết, Busan cũng ký, nhưng là ký vào chứng nhận giải thưởng quan trọng nhất cho “Ròm”. Chúng ta cũng ký, lại là ký vào quyết định phạt hành chính 40 triệu đồng và yêu cầu tiêu hủy tang vật… “Ròm”?!” – Nguyễn Hoàng Điệp trăn trở đặt vấn đề.
Mặc dù Chánh thanh tra Bộ VHTT&DL giải thích rằng chỉ tiêu hủy bản phim gửi đi Busan, chứ không phải tiêu hủy bộ phim, nhưng lý luận này khó thuyết phục giới chuyên môn trong thời kỹ thuật số như hiện nay.
Đạo diễn “Đập cánh giữa không trung” tin rằng: “Cục điện ảnh chắc chắn có lí do để chần chừ trong cấp phép cho “Ròm”, dù như đã nói trong thư ngỏ, tôi rất ngạc nhiên về bất cứ lí do nào. Nhưng đến lúc này, tất cả các bên đều thấy rằng sự chần chừ của cơ quan đầu ngành sẽ rất… khó thuyết phục và chấp nhận”.
“Sự chần chừ trong việc cấp phép đã lấy đi cơ hội đường hoàng để điện ảnh Việt Nam – với tư cách vùng lãnh thổ mà nói - được hân hoan tại sân chơi chính thống. Và cái hay là chả mất xu nào, vì phim độc lập, tự nhà làm phim bươn bả hoàn thành, về phía nhà nước điều tuyệt nhất là một khích lệ, một ghi nhận, một cú hích (xin nhắc lại) không mất xu nào. Xin nói ngay, điều này hiếm ạ. Phim hay chúng ta ít, phim hay đi theo đường đến các liên hoan phim càng ít. Ít không phải vì chúng ta kém tài, ít vì… quá khó để phim được làm ra” – Nguyễn Hoàng Điệp đưa ý kiến.
“Không chỉ thiếu những hướng dẫn cơ bản nhất để có thể nhanh chóng cấp phép cho phim, Cục đưa ra tín hiệu cho thấy sẽ không có bất cứ hỗ trợ nào, thậm chí là cân nhắc lại trước thành công của “Ròm”. Mà thay vào đó là văn bản phạt (không thể không ra). Trong khi văn bản hướng dẫn cụ thể, chỉ rõ phim cần sửa gì, cắt gì, thay thế cái gì thì vẫn chưa thấy?” – Đạo diễn đặt câu hỏi.
Dòng phim độc lập với với 100% là thiết bị, máy móc, nhân sự, bạc tiền từ chính nhà mình, phim nào cũng phải tìm đủ đường hợp tác với quốc tế vì không có “cửa” trong rạp quốc nội.
Cho nên việc viện dẫn yếu tố nước ngoài tham gia vào “Ròm” bị giới chuyên môn cho rằng chỉ vì muốn né việc phải ra một văn bản cụ thể rằng cần cắt đâu, sai gì, cấm hay phân loại thế nào?
“Ròm” theo quan sát của người trong tổ sản xuất từ khi thành hình ý tưởng, đến khi phim có bản dựng gần hoàn chỉnh, nhân sự 100% người Việt, mãi đến lúc làm nhạc thì có Việt kiều, lúc gửi phim đi thì có Việt kiều. Và Việt kiều là ai? là Tôn Thất An, là Bảo Nguyễn, là Trần Anh Hùng, những nhà làm phim, những nghệ sĩ uy tín.
Sau "Ròm", nhà làm phim độc lập nào sẽ rút ra bài học cho năm sau?
|
“Thỉnh thoảng tôi được tham gia một số hội thảo, tôi biết rằng chúng ta luôn đau đáu tìm mọi cách hỗ trợ điện ảnh, nhà làm phim. Chúng ta so sánh với nước này nước khác. Chúng ta kể rằng chúng ta đã đưa đi học, đi công tác, mời chuyên gia từ nước ngoài về… Chúng ta rất hay nhắc đến phim độc lập và các nhà làm phim trẻ. Nhưng dù không dám phủ nhận sạch trơn, tôi vẫn tịnh chưa tìm được mối liên kết nào giữa những điều chúng ta đau đáu trong hội thảo và những điều chúng ta làm đau điện ảnh ở bên ngoài”- Nguyễn Hoàng Điệp nói.
“Thật lòng tiếc vì “tư lệnh ngành” đã để mất một cơ hội ghi điểm vô cùng trong trẻo và lành mạnh. Năm tới, một loạt phim độc lập bung ra, sau “Ròm”, ai sẽ rút ra bài học để đi xa an toàn? – Nguyễn Hoàng Điệp đặt vấn đề.