Ông là đại sứ đầu tiên của Việt Nam tại Hoa Kỳ, một trong những người khai mở cho mối quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ những tháng ngày khó khăn nhất.
Ông ngồi thư thả uống trà ngoài vườn. Phía hiên nhà, những giò hoa phong lan đang nở trong thời tiết khắc nghiệt của mùa hè. Một không gian thư thái, an nhàn của tuổi già. Thế nhưng, trên bàn làm việc của ông vẫn là những cuốn sách, những bài báo về các vấn đề ngoại giao trong và ngoài nước. Nghỉ hưu từ năm 2010, vợ chồng ông chuyển về Sơn Tây sống, một ngôi nhà bình yên, có chim, có hoa, có ao cá, có tất cả những thú vui dân dã của một người ra đi từ quê.
Tuổi 60, ông Bàng tự học đánh máy, tự học lái xe để có thể chủ động công việc và dịch chuyển của mình. Ông nói với tôi rằng, tư tưởng ngoại giao của ông không có gì quá cao siêu, nó đi từ những điều bình dị, từ đời sống của người nghèo khổ, từ những vất vả nhọc nhằn của người nông dân thế hệ ông. Ở ông có sự chân tình, cởi mở, gần gụi của một chính khách khi đã rời bỏ mọi danh vọng và quyền lực. Mà hình như với ông, cái chất mộc mạc, giản dị đó chưa bao giờ rời xa. Hay vì ông là một nhà ngoại giao?
Tôi hỏi, vì sao ông lựa chọn về một nơi xa trung tâm thành phố như thế này để sống, khi con cái và mọi hoạt động vẫn ở trong nội thành. Ông cười, ông thích cảm giác thư thái khi mỗi sớm mai thức dậy, được hít thở không khí trong lành từ đất mẹ. Ông thích sự tĩnh lặng để chiêm nghiệm những vấn đề của thời cuộc. Dù xa trung tâm, nhưng mọi hoạt động ngoại giao trong và ngoài nước ông đều quan tâm, cập nhật, thậm chí lúc nào cũng sẵn sàng vào cuộc làm việc nếu được tham vấn. Ông chưa bao giờ ở ẩn.
Trong những ngày này, khi chuyến đi lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sang thăm Mỹ, đánh dấu 20 năm bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ, cái tên Lê Văn Bàng càng được nhắc đến nhiều trên các phương tiện truyền thông trong và ngoài nước. Bởi ông chính là vị đại sứ đầu tiên góp phần đặt nền tảng cho mối quan hệ Việt - Mỹ. Có thể nói, ông hiểu nước Mỹ, hiểu người Mỹ, thông thuộc văn hóa của họ. Đó cũng chính là cầu nối giúp ông hoàn thành tốt sứ mệnh của mình trong thời điểm cam go của lịch sử.
Nhưng có một điều tôi cảm nhận được ở ông, dù sau này thành danh, đi khắp nơi trên thế giới, làm đại sứ của hòa bình, thì ông vẫn không bao giờ quên những ngày gian khổ của mình ở quê nhà. Ông gọi tư tưởng ngoại giao của ông là “ngoại giao chân đất”. Bởi ông sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở Ninh Bình. Từ nhỏ, nhà nghèo, có những giai đoạn ông phải bỏ học ra bờ sông ngồi câu cá kiếm sống. Nhưng cuối cùng, ông vẫn học xong lớp 10. Lê Văn Bàng gia nhập vào đoàn thanh niên xung phong, đi vào Quảng Trị khói lửa năm 1967. Nhưng chỉ một năm, ông có giấy gọi trở ra đi học. Ước mơ của cậu bé Bàng ngày đó là trở thành một kỹ sư xây dựng. Nhưng ông được cử sang Cu Ba học tiếng Anh.
Về nước, ông vào công tác ở Bộ Ngoại giao - bởi vì ông là người thông thuộc tiếng Anh. Từ bỏ giấc mơ kỹ sư, Lê Văn Bàng đi theo nghề ngoại giao. Vốn kiến văn và nghiệp vụ, ông đều tự học, tự đào tạo cho chính mình. Và may mắn, ông được làm việc cạnh những nhà ngoại giao lớn như Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch.
Có thể nói, trong tiến trình bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ trong gần 4 thập kỷ qua, Lê Văn Bàng là người chứng kiến và tham gia các mức độ khác nhau nhưng gần như từ đầu tới cuối. Ông từ một chuyên viên theo dõi tình hình thực hiện Hiệp định Paris, theo dõi báo chí và dư luận Mỹ để báo cáo Bộ Ngoại giao và Bộ Chính trị đến vị trí phụ trách Vụ Âu Mỹ. Từ một cán bộ chạy ra sân bay tiếp đón khách, rồi trưởng phòng liên lạc, thành đại diện lâm thời và đại sứ đầu tiên của Việt Nam tại Mỹ và sau này là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao. Đó là một hành trình của sự nỗ lực không ngừng của ông trong giai đoạn khó khăn của đất nước.
Thời gian đã trôi qua, những còn, những mất. Nhưng trong ký ức của nhà ngoại giao ấy vẫn không bao giờ quên những câu chuyện của quá khứ. Đối với ông, quá khứ như một gia tài để giúp một con người sống và trưởng thành. Và với một dân tộc, quá khứ cũng là bệ đỡ cho dân tộc đó đi xa trên trường quốc tế.
Năm 1995, khi Chủ tịch nước Lê Đức Anh sang dự họp tại trụ sở Liên Hiệp Quốc, trong một buổi gặp gỡ bên lề, Chủ tịch nước có nói rằng nếu người Mỹ không vượt qua được quá khứ của mình thì không phải là một nước lớn. Đó là thông điệp Chủ tịch nước muốn gửi tới Mỹ: “Khép lại quá khứ, hướng tới tương lai”. Tuy nhiên, hành trình đó không hề đơn giản.
Ông Lê Văn Bàng nói: “Cái khó cho việc bình thường hóa quan hệ Việt Mỹ là làm thế nào để hai kẻ thù này bắt tay với nhau mà gác lại quá khứ, đè nén quá khứ xuống để đẩy vấn đề chiến lược lên. Những người như ông Đỗ Mười, ông Lê Đức Anh nhìn xa trông rộng, thấy được các vấn đề chiến lược. Còn những cựu binh mất tay, mất chân, mất nhà, mất cửa, mất con thì không nhìn đến chuyện đấy. Họ chỉ nghĩ đến sự mất mát của họ. Ngay cả chính tôi, một người đã từng đi qua cuộc chiến, cũng không dễ dàng xóa bỏ những rào cản đó”.
Phải mất 20 năm, để bắt đầu cho một mối quan hệ. Dù lúc đó, không khí chống Việt Nam rất căng thẳng. Ông kể: “Tôi nhớ việc tìm kiếm người mất tích mà phải đưa lên báo, phải nhờ bác Đỗ Mười, Lê Đức Anh để chứng minh với Hoa Kì là chúng tôi không giữ gì cả. Vượt qua hội chứng chiến tranh là cực kì khó khăn, ngoài cựu chiến binh, ngoài quan chức chính trị còn có cộng đồng người Việt sang bên đấy. Để hóa giải điều này chúng ta đã mất 20 năm. Đó là hội chứng chiến tranh”.
Theo cựu đại sứ Lê Văn Bàng, Hội chứng chiến tranh là vấn đề sâu xa do lịch sử để lại. Nhiều người từ miền Bắc vào Nam năm 1954; nhiều người từ miền Nam Việt Nam sang Mỹ sau năm 1975 mang theo cái hận mất đất, mất họ hàng... Hóa giải hội chứng chiến tranh là một vấn đề nan giải và mất thời gian vì nó đã ăn sâu vào tiềm thức của con người trong mấy chục năm qua, đặc biệt là trong lòng các cựu chiến binh, gia đình liệt sĩ, thương binh của hai nước. “Đó là vấn đề của giai cấp, của dân tộc. Chúng ta đã nỗ lực kéo họ lên, đặt họ ngang hàng với mình, xóa bỏ mọi hố sâu ngăn cách về giai cấp, chính trị, xã hội. Đánh thức trong họ tình cảm gắn bó với quê hương, tạo điều kiện cho họ về thăm quê…”.
Ông, với vai trò là đại sứ đã đi tới hơn 40 bang nước Mỹ, mang theo thông điệp về hòa bình mà đất nước Việt Nam nhỏ bé mong muốn: “Chúng tôi không muốn chiến tranh, chúng tôi yêu chuộng hòa bình”. Có những bang như California hay New York, ông tới hàng chục lần với nỗ lực giúp hàn gắn vết thương chiến tranh, để kết nối người Việt, hướng họ về đất nước. Có lần ông đi với 9 đại sứ của các nước, đến lượt ông đăng đàn thì hàng loạt gạch đá, tờ rơi về Việt Nam bị xé vụn và ném lên.
Cũng trong 9 năm ở Mỹ, ông đã chứng kiến rất nhiều cuộc biểu tình của người Việt tại Mỹ. Tháng 8/1995, ông đã đến quận Cam, tiểu bang California, nói chuyện công khai về quan hệ Việt - Mỹ cho người Mỹ nghe. “Nhiều người bạn tại quận Cam khuyên tôi không nên đi để đảm bảo an toàn, chuyến đi đó rất khó khăn, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng, đã có nhiều Việt Kiều bị bắn chết. Nhưng tôi vẫn quyết đi. Và thực tế là, trong buổi nói chuyện đó tôi luôn bị quấy rối khiến cảnh sát phải can thiệp”.
Ông kể cho tôi nghe về một ngày lịch sử, đó là khi lá cờ Việt Nam bay trên nóc tòa nhà đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ. Đó là ngày 5/8/1995. “Lúc đấy chúng tôi rất tự hào. Nhưng ngay cả giây phút đó, chúng tôi cũng phải đối diện với những nguy cơ. Tôi nhận được tin là bọn phản động sẽ đến vào lúc mình hát Quốc ca, chúng sẽ kéo 500-1.000 người, ném đá, ném đất vào sứ quán. Tôi họp mọi người, phải làm thế nào, chúng ta vẫn kéo cờ, hát Quốc ca mà không bị phá. Cuối cùng thì chúng tôi đã làm trước buổi tiệc mà không công bố, bắt đầu từ 8 giờ, chứ không phải 9 giờ như thông báo. Sáng hôm sau 7 giờ, chúng tôi thông báo với khách mời là buổi lễ sẽ diễn ra trước nửa tiếng, bọn chống đối không kịp trở tay. Đó là câu chuyện tôi nhớ mãi”.
20 năm đi qua, mối quan hệ Việt - Mỹ đã đẩy lên một tầm cao mới, trong đó có vai trò quan trọng của những người khai mở như ông Bàng. Ông tin vào thế hệ trẻ, họ sẽ là những “đại sứ” bắc nhịp cầu đưa Việt Nam ra thế giới, tiếp nối tinh thần vì độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, để tất cả những người dân Việt ở khắp nơi trên thế giới đều chung tay hướng về đất nước.
Theo ANTG