Nhận lời mời của Chính phủ Hoa Kỳ, đêm 5/7, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã rời Hà Nội đi thăm chính thức Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lên đường thăm chính thức Hoa Kỳ |
Tham gia Đoàn còn có các đồng chí: Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội; Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; Trần Quốc Vượng, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương; Phạm Bình Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; Hoàng Bình Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương; Bùi Quang Vinh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Vũ Huy Hoàng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công thương; Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
Hồ Mẫu Ngoạt, Ủy viên Trung ương Đảng, Trợ lý Tổng Bí thư, Phụ trách Văn phòng Tổng Bí thư; Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Tô Lâm, Ủy viên Trung ương Đảng, Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Công an; Phạm Quang Vinh, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam tại Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ; Nguyễn Phương Nga, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc.
Ngoài ra, tháp tùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn có một số đại diện cựu chiến binh, chức sắc tôn giáo, nhân sĩ, trí thức, kiều bào và doanh nghiệp.
Các cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam nói gì?
Các cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam đều mong chuyến thăm tuần này của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Hoa Kỳ sẽ thành công.
Đại sứ đầu tiên tại VN Pete Peterson:
- Ông nhận định thế nào về ý nghĩa của chuyến thăm đối với quan hệ song phương Việt Nam - Hoa Kỳ?
Tôi nghĩ chuyến thăm này mang tính lịch sử. Vì ở Mỹ chúng tôi có Tổng thống, không có vị trí tương đương với người đứng đầu đảng là Tổng bí thư ở VN. Phía Mỹ luôn gặp khó khăn với sự khác biệt đó, chúng tôi thực tình không trao đổi với các chính đảng mà chỉ trao đổi với các quan chức chính phủ.
Ông Pete Peterson |
Nhưng đã có sự thay đổi và đó là sự khởi đầu. Tôi nghĩ chuyến thăm của Tổng bí thư sẽ giúp người dân và lãnh đạo Mỹ hiểu rằng Đảng Cộng sản đóng vai trò quan trọng ở VN. Và rằng, nếu nước Mỹ muốn tiếp tục làm việc với VN để có sự tiến bộ và tiềm năng trong tương lai, nước Mỹ phải thích nghi với sự khác biệt về hệ thống chính trị.
- Vậy khi còn là Đại sứ đầu tiên của Mỹ ở VN, đối mặt với nhiều khó khăn từ sự nghi ngại của cả hai bên, ông có từng nghĩ đến khả năng một ngày người đứng đầu Đảng Cộng sản VN sang Mỹ hội đàm với Tổng thống Mỹ không?
Thực ra là tôi đã nghĩ đến. Tôi quen biết nhiều với Tổng bí thư Đỗ Mười. Chúng tôi có điểm chung là đều từng ở trong nhà tù Hỏa Lò, ông ấy bị người Pháp bắt, tôi bị người VN bắt. Tôi và ông đã nói với nhau chuyện này khá nhiều.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton ngày 2/7 tại Hà Nội. Ảnh:TTXVN |
Khi ấy tôi đã nhìn thấy tiềm năng nhưng phải đến cách đây 5 năm tôi mới thực sự mong đợi nó. Nhưng tôi nghĩ VN thận trọng và muốn chắc chắn rằng quan hệ đã đủ mạnh mẽ, hai bên hiểu nhau nhiều hơn, chấp nhận sự khác biệt về hệ thống chính trị.
Tôi nghĩ bây giờ là đúng lúc, và tôi mong chuyến thăm sẽ thành công. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa có kinh nghiệm trong QH và trong Đảng, tôi tin ông sẽ tận dụng cơ hội này để giao tiếp tốt hơn với cả Chính phủ và nhân dân Mỹ.
Cựu Đại sứ Michael Michalak:
- Là một cựu Đại sứ của Mỹ ở VN, ông nhìn nhận thế nào về ý nghĩa của chuyến thăm của người đứng đầu Đảng Cộng sản VN đến Mỹ?
Là người đã quan sát VN trong nhiều năm qua, tôi thấy đây là một bước tiến nữa trong sự tôn trọng lẫn nhau và hợp tác với nhau giữa hai nước. Quan hệ Đối tác toàn diện đòi hỏi hai bên tôn trọng hệ thống chính trị của nhau, và chuyến thăm này chính là việc thực thi tuyên bố đó, thể hiện rằng trên thực tế hai bên thực sự tôn trọng hệ thống chính trị của nhau.
Ông Michael Michalak |
Vì vậy, hãy ngừng nói về khía cạnh đó trong quan hệ hai nước mà nói nhiều hơn về việc hai nước có thể làm gì để trở thành những đối tác tốt hơn trong rất nhiều lĩnh vực và vấn đề khác nhau đang ảnh hưởng đến cả hai bên trong tiến trình hướng đến tương lai.
Tôi hy vọng chuyến thăm này sẽ giúp cho quan hệ hai nước trở nên sâu sắc hơn.
- Với rất nhiều hoạt động kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ trong năm nay, có ý kiến cho rằng dường như VN đang xích lại gần Mỹ, và có thể khiến TQ khó chịu. Ông nghĩ sao?
Nếu TQ thấy khó chịu về quan hệ trở nên mạnh mẽ hơn giữa VN và Mỹ, đó sẽ là một chuyện rất thú vị. Nhưng tôi nghĩ chuyện này không khiến ai khó chịu cả, vì VN không chỉ đang tăng cường hợp tác với Mỹ mà còn tích cực đàm phán FTA với châu Âu, chủ động hơn trong ASEAN... Mỹ chỉ là một trong nhiều hướng đối ngoại của VN.
Chúng ta nhìn thấy có nhiều tiềm năng hợp tác nên cũng là tự nhiên thôi khi chúng ta cùng nỗ lực để tăng cường hợp tác. Mỹ không phải là một quốc gia hay ngại ngùng, mà VN cũng không được nhìn nhận là ngại ngùng. Lẽ tự nhiên là giữa hai quốc gia năng động sẽ có mối quan hệ năng động.
- Vậy ông có hào hứng trước thông tin từ Đại sứ Ted Osius rằng Tổng thống Obama có thể đến thăm VN trong năm nay?
Tôi sẽ vô cùng hào hứng, nếu Đại sứ đã nói thế, tôi hy vọng việc đó sẽ xảy ra.
GS. Carl Thayer (Học viện Quốc phòng Australia):Chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho thấy Mỹ đã công nhận vai trò của Đảng Cộng sản VN trong hệ thống chính trị của VN. Hơn thế, vì quan hệ song phương đã có khuôn khổ là Hiệp định Đối tác toàn diện năm 2013, chuyến thăm này sẽ nâng quan hệ lên mức cao hơn. Đó là tiền lệ cho tương lai. Chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng quan trọng ở chỗ nó tăng cường vị thế của VN trong quan hệ với TQ, cũng như chuyến thăm trước đó của ông đến TQ tăng cường vị thế của VN trong quan hệ với Mỹ. Vì VN đang chuẩn bị các văn kiện chính sách quan trọng cho ĐH Đảng lần 12, để nắm quyền trong 5-10 năm tới, việc cần làm là tất cả các lãnh đạo hàng đầu của VN phải nhìn nhận đúng đắn các chính sách và ý định của các nước lớn, trong đó có TQ và Mỹ, trong rất nhiều vấn đề, bao gồm các quan hệ chính trị - ngoại giao, kinh tế, an ninh và quốc phòng. |
Theo VOV/VNN