Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016, không giống như bất kỳ cuộc bầu cử nào từng diễn ra, được truyền tải rất nhiều trên mạng xã hội. Và giờ đây, Facebook đang phải giải quyết với làn sóng giận dữ của các cử tri, những người đổ lỗi cho các tin tức giả mạo lan rộng trên Facebook. Nhưng dù tin đó là giả hay thật, theo quan điểm của tạp chí Technology Review của MIT, mạng xã hội cần phải giải quyết vấn đề này.
Những người chỉ trích nói rằng bằng cách tung ra những thông tin giả mạo và gây nhầm lẫn, Facebook đã tẩy não các cử tri bầu Donald Trump làm Tổng thống. Có một điều chắc chắn trong cuộc bầu cử này, đó là ông Trump đã hưởng lợi từ cuộc đua vào Nhà Trắng, nhờ mạng xã hội. "Ông Trump có thể phát ra những thông điệp của ông theo cách gây ảnh hưởng rất lớn, mà không hề có sự kiểm chứng thông thường trước khi những thông điệp đó đến với đại chúng", Ed Wasserman, Hiệu trưởng trường báo Graduate School of Journalism ở ĐH UC Berkeley (California), nói. "Mọi người bị ảnh hưởng của truyền thông không thực sự có thẩm quyền. Và tiếng nói của truyền thông có thẩm quyền… lại không thực sự có ảnh hưởng".
Ông Trump thậm chí còn giải thích rằng mạng xã hội rất quan trọng trong chiến dịch tranh cử của ông."Thực tế là tôi đã có được quyền lực đó nhờ Facebook, Twitter, Instagram…. Tôi nghĩ mạng xã hội đã giúp tôi chiến thắng tất cả các cuộc đua này, trong khi đối thủ chi còn nhiều tiền hơn cả tôi", ông nói trong cuộc phỏng vấn với chương trình 60 Minutes của hãng tin CBS.
Vấn đề nghiêm trọng hơn là những tin tức hư cấu đó có vai trò gì khi "đánh đu" với cuộc bầu cử, theo cách có lợi cho Trump. Những câu chuyện như Hillary Clinton dính líu đến các chỉ đạo bán vũ khí, hay Donald Trump được Đức Giáo hoàng thừa nhận, hoàn toàn là bịa đặt. Nhưng như trang Wired đưa tin, mọi người đã đọc những câu chuyện bịa đặt này. Và chắc chắn, nhiều người tin đó là sự thật.
Tuy vậy, Mark Zuckerburg, CEO Facebook vẫn cứng rắn nói rằng họ không quyết định cuộc bầu cử. Tuần trước, Mark tuyên bố "ý tưởng cho rằng các tin tức giả mạo trên Facebook đã gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử là hoàn toàn điên rồ", và cuối tuần qua, Mark lại đăng tải một bài viết dài, giải thích rằng "tất cả các nội dung trên Facebook, hơn 99% là sự thực".
Vấn đề là những tin tức như thế sẽ có ảnh hưởng dù mặt này hay mặt khác đến các bình luận. Tạp chí New York tuyên bố Trump thắng cử vì những tin tức giả mạo trên Facebook. Còn trang Recode nói "nếu bạn đổ lỗi cho Facebook về kết quả bầu cử, bạn là một kẻ ngốc".
Theo quan điểm của trang Technology Review, chẳng có tuyên bố nào của hai tờ báo nói trên là đúng cả.
Không thể phủ nhận những câu chuyện trên sẽ hình thành nên một số suy nghĩ, ý kiến. Đó cũng là trường hợp mà mọi người "tiêu hóa" truyền thông từ những nguồn ngoài Facebook. Sự thật là, riêng Facebook không thể mang lại chiến thắng cho Trump.
Tuy nhiên, các tranh cãi đã mang lại một điều rõ rệt: Facebook cần giải quyết ngay nạn tin vịt của họ. Những phản đối của Mark Zuckerberg rằng Facebook không và sẽ không phải là một công ty truyền thông, dường như khó chấp nhận hơn khi họ tiếp tục công khai phân phối các thông tin giả mạo như vậy.
Đúng như trang The Intercept đã viết: "Bạn có thể đổ lỗi cho Facebook về chiến thắng của Trump, hoặc không. Nhưng ít nhất, chúng ta nên yêu cầu Facebook phải có một trách nhiệm nào đó về vai trò của họ trong việc phát tán biển thông tin sai lệch và những lộn xộn như vậy".
Tờ New York Times gợi ý một số lãnh đạo cao cấp của Facebook nên lo lắng về ảnh hưởng của công ty. Mark Zuckerburg đã tuyên bố một cách mơ hồ rằng mạng xã hội "sẽ tiếp tục làm việc" để chặn các tin tức giả mạo, nhưng phải "thật thận trọng" vì "nhận ra đâu là sự thật là điều rất phức tạp".
Tất nhiên, Mark nói đúng. Nhưng khi bạn là người quản lý của một trong những đường ống lớn mà qua đó hơn 1 tỷ người sẽ nhận được các loại thông tin, mọi thứ không thể đơn giản được. Đã đến lúc phải lập lại trật tự, Mark.
Theo Báo Diễn Đàn Đầu Tư