Nhóm bạn trẻ này đã bỏ ra 36 giờ để giải quyết rắc rối Facebook đang mắc phải

Vừa qua, một nhóm sinh viên đã dành 36 giở để tạo ra ứng dụng giúp phân loại tin tức trên Facebook.
CEO Facebook Mark Zuckerberg
CEO Facebook Mark Zuckerberg

Facebook hiện đang phải đối mặt với các chỉ trích về vai trò của họ trong vấn đề thông tin sai lệch trên mạng xã hội lớn nhất thế giới này, nhất là vào dịp bầu chọn Tổng thống Mỹ vừa qua. Việc các đầu báo không chính thống lan truyền thông tin tệ hại tới mức Tổng thống Mỹ, ông Barack Obama, đã nói Facebook là "một mớ hỗn độn vô nghĩa".

Phóng viên đầu báo Business Insider đã liên hệ với CEO Facebook để bình luận về sự việc, và Mark Zuckerberg đã cho rằng các tin tức sai lệch chiếm một phần rất nhỏ trên Facebook nên không thể nào gây tác động lớn được. Đồng thời Facebook cũng hứa sẽ cải thiện tình hình trên.

Như vậy, việc nhận biết tin tức không chính thống và tin chính thống có khó không?

Đối với một nhóm bạn trẻ từ đại học Princeton, câu trả lời sẽ là không.

Trong sự kiện hackathon của đại học Princeton, nhóm 4 bạn sinh viên (Nabanita De, thạc sĩ năm thứ hai ngành khoa học máy tính tại UMass Amherst; Anant Goel, tân sinh viên tại Đại học Purdue; Mark Craft, học năm thứ hai tại Đại học Illinois và Catherine Craft, sinh viên năm hai tại UIUC) đã tạo ra một ứng dụng mở rộng cho trình duyệt Chrome trong 36 giờ, giúp người dùng nhận biết tin tức có chính thống và đáng tin cậy hay không, dự án này của các bạn có tên "FiB: Stop living a lie".

Họ cho biết về ứng dụng trên:

"Bằng cách sử dụng trí thông minh nhân tạo, nó sẽ phân loại mỗi bài đăng, ví dụ như ảnh chụp từ Twitter, hình ảnh khiêu dâm, link giả mạo, link malware và tin tức giả mạo/không chính thống. Với mỗi link, chúng tôi sẽ phân tích các yếu tố như độ tin cậy của website, kiểm tra malware, tìm kiếm nó trên Google/Bing. Với mỗi ảnh chụp (screenshot) Twitter, chúng tôi sẽ chuyển thành ký tự, tìm tên người dùng trên Twitter và xem nó có thực sự đăng bởi người dùng đó không".

Ứng dụng mở rộng cho trình duyệt này sẽ gắn thêm một nhãn lên mỗi bài đăng, cho người dùng biết tin tức đó có tin cậy không không. Ví dụ như bài đăng cần sa sẽ chữa ung thư dưới đây được gắn nhãn "not verified" (chưa chứng thực).

Được biết, các sinh viên đã ra mắt ứng dụng trên theo dạng mã nguồn mở nên các nhà phát triển các có thể điều chỉnh ứng dụng tùy theo ý muốn. Dẫu vậy, đây không phải là giải pháp hữu hiệu cho bản thân Facebook vì họ sẽ xóa hẳn tin tức sai lệch hoàn toàn khỏi hệ thống, chứ họ không gắn một chiếc nhãn kế bên bài đăng. Nhưng nhóm sinh viên đã chứng minh được Facebook có thể tự xây dựng một thuật toán phân biệt tin tức một cách dễ dàng.

Một điều thú vị là Facebook đã tài trợ cho sự hiện hackathon trên.

Theo Trí thức trẻ