Theo trang tin Hồng Kông Đông Phương (Dongfang) ngày 8/3, trang web Nikkei Asian Review của Nhật Bản ngày 7/3 đã đăng bài phân tích của Đô đốc Mỹ về hưu James Stavridis, tập trung vào tầm nhìn của quân đội Mỹ trong việc chống Trung Quốc ở Thái Bình Dương trong tương lai.
Ông James Stavridis cho rằng, quân đội Mỹ đang chuẩn bị sử dụng các máy bay không người lái có vũ trang, các cuộc tấn công mạng và lực lượng đặc nhiệm để tiến hành “chiến tranh du kích trên biển” công nghệ cao, thu hút thêm nhiều đồng minh tham gia tự do hàng hải trên Biển Đông, đồng thời phân tán bố trí nhiều máy bay ném bom chiến lược và máy bay chiến đấu tới châu Á để ứng phó với cuộc xung đột quân sự Trung - Mỹ trong tương lai.
Ông James Stavridis cho rằng, trong cuộc đối đầu quân sự Trung - Mỹ, vai trò của Thủy quân lục chiến Mỹ sẽ được nâng cao. Khi xung đột quân sự xảy ra, Thủy quân lục chiến Mỹ sẽ tập trung sức mạnh trên biển, tiến vào Biển Đông và chuỗi đảo phòng thủ của Trung Quốc, sử dụng các loại vũ khí như máy bay không người lái có vũ trang, khả năng tấn công mạng, lực lượng đặc biệt, tên lửa phòng không và tên lửa chống hạm tấn công hải quân và các căn cứ trên đất liền của PLA; các đảo và đá ngầm Trung mà Quốc mở rộng ở Biển Đông sẽ trở thành mục tiêu, trở thành cuộc chiến tranh du kích trên biển.
Tàu chiến Mỹ thực hiện "tự do hàng hải" trên Biển Đông (Ảnh: Đông Phương). |
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhiều lần nhắc lại sau khi nhậm chức rằng phải đoàn kết với các đồng minh của các nền dân chủ phương Tây và cùng nhau chống lại những thách thức của Trung Quốc. Ông James Stavridis cũng chỉ ra rằng Hải quân Mỹ đã cùng với các tàu chiến của Anh, Pháp và các đồng minh trong Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) khác tiến hành tự do hàng hải ở Biển Đông. Trong tương lai, lực lượng này dự kiến sẽ có thêm các nước New Zealand, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước khác tham gia trong nỗ lực thiết lập một liên minh trên biển để kiềm chế PLA và sẽ triển khai thêm nhiều máy bay ném bom và máy bay chiến đấu tới các căn cứ ở Châu Á.
Một chuyên gia quân sự nói với truyền thông nhà nước Trung Quốc Thời báo Hoàn cầu rằng phân tích của ông James Stavridis về bản chất chính là phương pháp thông thường Mỹ vẫn sử dụng để kiềm chế Trung Quốc. Nó chỉ khác ở chỗ biến các hành động đơn độc trong quá khứ của Mỹ thành một hành động chung của nhiều nước và biến “ngăn chặn tĩnh” thành “bố trí linh hoạt”. Tuy nhiên, kế hoạch của ông ta chỉ “điều trị ngọn mà không điều trị gốc”, sẽ chỉ có lợi cho các doanh nghiệp quân sự của Mỹ mà thôi.
Quân đội Đức tuyên bố tháng 8 tới sẽ đưa chiến hạm tới Biển Đông để thực hiện "tự do hàng hải" (Ảnh: Sina). |
Trang Sina của Trung Quốc ngày 8/3 đăng bài “Thủy quân lục chiến Mỹ sẽ bắt đầu một cuộc chiến tranh du kích trên biển? Các chuyên gia Mỹ hình dung về Chiến tranh Thái Bình Dương chống lại Trung Quốc”. Bài báo cho biết, Đô đốc James Stavridis không chỉ từng là Tư lệnh tối cao thứ 16 của Liên minh NATO mà còn từng là Giám đốc Học viện Luật và Ngoại giao Fletcher thuộc Đại học Tổng hợp Tufts bang Massachusetts và Chủ tịch Hội đồng Học viện Hải quân Mỹ. Ông là một trong số ít tướng lĩnh trong quân đội Mỹ có học vị Tiến sĩ. Đặc biệt quan trọng là phần lớn cuộc đời binh nghiệp của ông ta đều ở khu vực Thái Bình Dương.
Theo bài báo của Sina, “ông Stavridis cho rằng quân đội Mỹ chuẩn bị tác chiến đối phó Trung Quốc ở Thái Bình Dương chủ yếu là để phát huy ưu thế của các quân chủng, tăng cường sự hiện diện phía trước và khả năng chiến đấu của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương theo cách có tính đối đầu để chuẩn bị sẵn sàng cho xung đột quân sự Mỹ - Trung trong mấy chục năm tới.
Thứ nhất, trong bối cảnh đối đầu chiến lược Mỹ - Trung, vai trò của Thủy quân lục chiến Mỹ sẽ được nâng cao. Lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ sẽ sử dụng sức mạnh trên biển làm cơ sở để tiến vào Biển Đông và chuỗi đảo phòng thủ của Trung Quốc. Khi tiến vào khu vực liên quan, Thủy quân lục chiến Mỹ sẽ sử dụng máy bay không người lái có vũ trang, năng lực tấn công mạng, lực lượng đặc biệt, tên lửa phòng không, tên lửa chống hạm và các vũ khí khác để tấn công Hải quân Trung Quốc và các căn cứ tác chiến trên bộ. “Các đảo và đá ngầm mà Trung Quốc mở rộng ở Biển Đông sẽ trở thành mục tiêu hấp dẫn. Về bản chất, Thủy quân lục chiến Mỹ sẽ gây ra một cuộc chiến tranh du kích trên biển”.
Thứ hai, Hải quân Mỹ sẽ tiến hành “tự do hàng hải” tích cực hơn trong vùng biển gần của Trung Quốc và từng bước lôi kéo các tàu chiến của Anh, Pháp và các đồng minh NATO khác tham gia các cuộc tuần tra. Theo thời gian, Mỹ cũng hy vọng sẽ thuyết phục được Australia, New Zealand, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Việt Nam tham gia đối phó với Trung Quốc. Tổng thể thế trận chiến lược trên biển của Mỹ là thiết lập một liên minh trên biển toàn cầu để kiềm chế lực lượng tinh nhuệ của PLA.
Thủy quân lục chiến Mỹ diễn tập đổ bộ đánh chiếm đảo (Ảnh: zhihu). |
Đồng thời, Không quân Mỹ sẽ điều động thêm nhiều máy bay ném bom tầm xa và máy bay chiến đấu tới các căn cứ ở Thái Bình Dương. Chúng sẽ được phân bố rộng khắp đến các căn cứ ở châu Á, kể cả một số đảo nhỏ rất xa. Các chuỗi tấn công này sẽ được hỗ trợ bởi các căn cứ ở Guam, Nhật Bản, Australia và Hàn Quốc. Mô thức “triển khai tác chiến nhanh” này sẽ tăng cường tính cơ động của các máy bay quân đội Mỹ ở khu vực Thái Bình Dương.
Ngoài ra, Lục quân Mỹ sẽ tập trung trọng điểm sẵn sàng chiến đấu vào việc nâng cao sức chiến đấu và khả năng cơ động; chú trọng tăng cường triển khai phía trước các lực lượng Mỹ ở Hàn Quốc, Nhật Bản và các căn cứ xa xôi khác ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, để hỗ trợ "lằn ranh đỏ" quân sự đối phó Trung Quốc. Ngoài ra, Bộ Tư lệnh Không gian Mỹ cần tăng cường hoạt động tình báo và trinh sát chiến trường, Bộ Tư lệnh Tác chiến mạng Mỹ cũng sẽ phối hợp với Cơ quan An ninh Quốc gia để tăng cường xây dựng mạng mang tính tấn công”.
Sina cũng dẫn lời “một chuyên gia quân sự” nói cách làm của Mỹ không có gì mới, chỉ là biến hành động một mình của Mỹ thành hành động tập thể và biến “ngăn chặn tĩnh” thành “bố trí linh hoạt”, sẽ không thể thành công.