Trang tin Hoa ngữ Đa Chiều ngày 5/3 đưa tin: Pew Research Center (Trung tâm Nghiên cứu Pew), một tổ chức tư vấn ở Washington, ngày 4/3 đã công bố một cuộc thăm dò mới, cho thấy gần 90% (89%) người Mỹ xem Trung Quốc là "đối thủ cạnh tranh" hoặc "kẻ thù" chứ không phải là "đối tác".
Cụ thể, 55% số người Mỹ được hỏi coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh, 34% coi Trung Quốc là kẻ thù và chỉ 9% coi Trung Quốc là đối tác. Cuộc thăm dò cho thấy 70% số người được phỏng vấn nói rằng Washington nên đối đầu với Bắc Kinh về vấn đề hồ sơ nhân quyền, ngay cả khi điều này sẽ gây tổn hại cho mối quan hệ kinh tế Trung-Mỹ. Chỉ 26% cho rằng quan hệ kinh tế và thương mại với Trung Quốc nên được ưu tiên hàng đầu.
Trung tâm Pew đã phỏng vấn 2.596 người Mỹ trưởng thành từ ngày 1 - 7/2 năm nay. Những người trả lời được lựa chọn dựa ngẫu nhiên trên khắp nước Mỹ, bao gồm người trưởng thành ở mọi nhóm tuổi, giới tính, khuynh hướng đảng phái và chủng tộc. Cuộc khảo sát cho thấy 67% người được hỏi có "cảm giác lạnh nhạt" với Trung Quốc, tăng hơn 20% so với số liệu năm 2018. Trong số đó, số người bày tỏ "cảm giác rất lạnh nhạt" đối với Trung Quốc đã tăng gấp đôi so với hai năm trước, lên tới 47%.
Kết quả thăm dò của Pew cho thấy số người Mỹ không có thiện cảm với Trung Quốc đang gia tăng (Ảnh: Dwnews). |
Xu hướng này cũng phù hợp với cuộc thăm dò gần đây của Viện Gallup. Các cuộc thăm dò của Gallup cho thấy cảm tình của người Mỹ đối với Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp kỷ lục 20%, mức thấp nhất kể từ năm 1979, thậm chí còn thấp hơn số liệu năm 1989 (34%).
Hôm thứ Tư (3/3), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân khi được các phóng viên hỏi về phản ứng của ông đối với cuộc thăm dò của Gallup đã nói: “Chính quyền khóa trước của Mỹ và các lực lượng chống Trung Quốc ở Mỹ đã hành động vì thành kiến ý thức hệ và lợi ích chính trị riêng tư, ra sức bêu xấu và làm mất uy tín của Trung Quốc, cố ý kích động đối đầu và chia rẽ, phát tán vi rút chính trị và đầu độc nghiêm trọng bầu không khí dư luận ở hai nước”.
Cuộc thăm dò của Trung tâm Pew cũng cho thấy 64% người được hỏi tin rằng mối quan hệ kinh tế Mỹ - Trung “có phần tồi tệ” hoặc “rất tồi tệ”.
Về cách xử lý mối quan hệ kinh tế Mỹ - Trung, 52% người Mỹ ủng hộ áp dụng chính sách kinh tế cứng rắn hơn đối với Trung Quốc chứ không phải tăng cường mối quan hệ kinh tế giữa hai nước.
Các cuộc thăm dò cho thấy người dân Mỹ có thái độ bất đồng về vấn đề thuế quan. 44% số người được phỏng vấn cho rằng việc tăng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu sẽ gây bất lợi cho nền kinh tế Mỹ, 33% cho rằng “có lợi” và 23% cho rằng “không ảnh hưởng gì”.
Các cuộc thăm dò cho thấy mặc dù đại đa số (80%) người Mỹ hoan nghênh sinh viên quốc tế, nhưng hơn một nửa (55%) số người được hỏi ủng hộ các hạn chế đối với sinh viên Trung Quốc.
Ngày càng có nhiều người Mỹ lo ngại về tình hình nhân quyền ở Trung Quốc (Ảnh: Dwnews). |
Laura Silver, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Pew, cho biết so với cuộc thăm dò tương tự vào năm 2018, ngày càng nhiều người Mỹ ủng hộ việc kiềm chế sức mạnh và ảnh hưởng của Trung Quốc.
Silver chỉ ra rằng "48% người được hỏi cho rằng việc kiềm chế sức mạnh và ảnh hưởng của Trung Quốc nên là ưu tiên cao nhất trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Năm 2018, con số này chỉ là 32%".
Đối với Tổng thống mới được bổ nhiệm Joe Biden, 53% người Mỹ tin rằng ông có thể đối phó hiệu quả với Trung Quốc, nhưng đồng thời, chính sách với Trung Quốc đã trở thành vấn đề người Mỹ tin tưởng ông Biden thấp nhất trong tất cả các vấn đề ngoại giao.
Ngoài ra, niềm tin của người Mỹ đối với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng còn giảm hơn nữa. Hơn 82% người Mỹ bày tỏ "rất ít tự tin" hoặc "không tin tưởng" vào cách xử lý đúng đắn các vấn đề quốc tế của ông Tập Cận Bình và chỉ 15% người Mỹ tin rằng ông có thể giải quyết các vấn đề quốc tế một cách đúng đắn.
Ngày 3/3, Ngoại trưởng Antony Blinken lần đầu tiên phát biểu về chính sách đối ngoại, coi Trung Quốc là thách thức lớn nhất của Mỹ (Ảnh: Reuters). |
Qua thăm dò thấy có sự khác biệt trong quan điểm với Trung Quốc giữa những người ủng hộ đảng Cộng hòa và Dân chủ. Trung Quốc có phải là kẻ thù của Mỹ? Đây là một trong những vấn đề phản ánh sự khác biệt đảng phái nhiều nhất trong cuộc thăm dò này.
Về tổng thể, 55% người Mỹ coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh, 34% coi Trung Quốc là kẻ thù và chỉ 9% coi Trung Quốc là đối tác. Trong số đó, hơn một nửa (53%) những người đảng viên và ủng hộ đảng Đảng Cộng hòa coi Trung Quốc là kẻ thù, trong khi những người theo đảng Dân chủ chỉ chiếm 20%; đa số (65%) người của Đảng Dân chủ coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh, tỷ lệ số người này ở phe Cộng hòa là 43%.
Ngoài ra, về câu hỏi "liệu việc kiềm chế sức mạnh và ảnh hưởng của Trung Quốc có phải là ưu tiên hàng đầu hay không", có khoảng cách chênh nhau 27% giữa hai đảng Cộng hòa và Dân chủ. Đảng Cộng hòa có xu hướng nghĩ rằng đây là ưu tiên hàng đầu.
Liệu có tin rằng ông Biden có thể xử lý hiệu quả các mối quan hệ với Trung Quốc? Đây cũng đã trở thành một trong những vấn đề bất đồng mang tính đảng phái lớn.
83% đảng viên Dân chủ tin tưởng vào phản ứng hiệu quả của Biden đối với Trung Quốc, nhưng chỉ 19% đảng viên Cộng hòa giữ thái độ tương tự, với khoảng cách là 64 điểm phần trăm.
Vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc là vấn đề duy nhất trong các cuộc thăm dò hầu như không có sự khác biệt về đảng phái, cho dù là ủng hộ thúc đẩy nhân quyền ở Trung Quốc hay thừa nhận rằng đây là một vấn đề rất nghiêm trọng đối với Mỹ. Đối với cái đầu tiên, tỷ lệ tán thành của đảng viên Dân chủ/người ủng hộ đảng Dân chủ là 69% và của đảng viên Cộng hòa/người ủng hộ đảng Cộng hòa là 72%; đối với cái sau, tỷ lệ tán thành lần lượt là 54% và 49%.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Ngoại trưởng Antony Blinken gần đây đã liên tiếp bày tỏ quan điểm về vấn đề chính sách với Trung Quốc. Tổng thống Joe Biden ngày 4/2 đã có bài phát biểu đầu tiên về chính sách đối ngoại sau khi nhậm chức tại Bộ Ngoại giao Mỹ. Ông Biden cho rằng Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh gay gắt nhất” của Mỹ, nhưng Mỹ sẵn sàng hợp tác với Trung Quốc trong những lĩnh vực phù hợp lợi ích quốc gia của Mỹ.
Ngoại trưởng Antony Blinken ngày 3/3 đã có bài phát biểu đầu tiên về chính sách đối ngoại, đưa ra 8 ưu tiên trong chính sách ngoại giao của Mỹ, nói rằng “cạnh tranh ngày càng gia tăng với Trung Quốc” là thách thức chính mà Mỹ phải đối mặt. Trung Quốc là “thách thức lớn nhất mà Hoa Kỳ phải đối mặt”; Trung Quốc là “khảo nghiệm địa chính trị lớn nhất” của Mỹ trong thế kỷ 21.
Ngày 10/2, Tổng thống Joe Biden tuyên bố thành lập Nhóm công tác Trung Quốc của Bộ Quốc phòng để đối phó với Bắc Kinh (Ảnh: Reuters). |
Ông Hồ Tích Tiến, Tổng biên tập Thời báo Hoàn cầu, cơ quan truyền thông chính thức của Trung Quốc cho rằng, thái độ trên đây của chính quyền Joe Biden phản ánh ba thông tin:
Thứ nhất, sau cuộc chuyển giao quyền lực này, Washington đã hoàn thành củng cố cuộc vận động lớn trong nước Mỹ xác định Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh chiến lược” được bắt đầu từ Tổng thống Donald Trump.
Thứ hai, chính quyền Biden nhận thấy việc đánh sụp Trung Quốc là không thực tế và Mỹ cần một cách ứng xử với Trung Quốc lâu dài trên thế mạnh.
Thứ ba, chính quyền Washington khóa này chú trọng nhiều hơn vào việc xây dựng sức mạnh của Mỹ, trong đó có việc củng cố hệ thống liên minh như một bộ phận chủ chốt của sức mạnh này.
Về bài phát biểu về chính sách đối ngoại của ông Blinken về “Những thách thức của Trung Quốc”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân trong cuộc họp báo thường kỳ vào ngày 4/3, đã đáp trả, nói rằng Trung Quốc và Mỹ không giống nhau về lịch sử, văn hóa và chế độ. không thể tránh khỏi có bất đồng trên một số vấn đề, điều cốt yếu là tôn trọng lẫn nhau, đối xử bình đẳng, quản lý hợp lý và xử lý các bất đồng một cách ổn thỏa, mang tính xây dựng. Đối thoại tốt hơn đối lập và hợp tác tốt hơn đối đối tháng. Lịch sử và thực tế đã chỉ ra rằng miễn là hai bên tôn trọng lẫn nhau và coi nhau như bình đẳng, thì Trung Quốc và Mỹ có thể tìm ra cách giải quyết và quản lý những khác biệt, thực hiện hai bên cùng thắng, cùng có lợi.