Cuộc khủng hoảng nợ của Sri Lanka gia tăng, các khoản vay Trung Quốc gây tranh cãi

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Một cuộc khủng hoảng nợ ngày càng gay gắt đã khiến Sri Lanka phải khốn khổ thanh toán các hóa đơn hàng hóa nhập khẩu, làm dấy lên cuộc tranh cãi chính trị về các khoản vay từ Trung Quốc.
Cảng Hambantota được chính phủ Sri Lanka cho một công ty Trung Quốc thuê 99 năm để gán nợ (Ảnh: Toutiao).
Cảng Hambantota được chính phủ Sri Lanka cho một công ty Trung Quốc thuê 99 năm để gán nợ (Ảnh: Toutiao).

Vay tiền Trung Quốc là một phần của các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng ở Sri Lanka nằm trong Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Cuộc khủng hoảng nợ của Sri Lanka cũng đã mở ra cơ hội cho Ấn Độ chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương. Tuần trước Ấn Độ đã cung cấp viện trợ tài chính cho Sri Lanka ngay trước khi một trái phiếu trị giá 500 triệu USD đáo hạn.

Thống đốc ngân hàng trung ương Sri Lanka Ajith Nivard Cabraal đã viết trên tài khoản Twitter chính thức của ông rằng Sri Lanka đã hoàn trả các trái phiếu đến hạn hôm thứ Ba (11/1). Đây là khoản thanh toán lớn đầu tiên trong số 4,5 tỷ USD nợ chính phủ đáo hạn của nước này năm 2022.

Tuy nhiên, do khoảng 2/3 thu nhập của chính phủ Sri Lanka đã được sử dụng để trả lãi vay, Tổng thống Gotabaya Rajapaksa đã cảnh báo trong một bài phát biểu trước quốc hội rằng nếu không tăng dự trữ ngoại hối, Sri Lanka sẽ không thể thanh toán hóa đơn cho các hàng hóa nhập khẩu.

Tổng thống Gotabaya Rajapaksa tiếp Ngoại trưởng Vương Nghị tới thăm Sri Lanka hôm 8/1 (Ảnh: Sina).

Tổng thống Gotabaya Rajapaksa tiếp Ngoại trưởng Vương Nghị tới thăm Sri Lanka hôm 8/1 (Ảnh: Sina).

Tuần trước, ông Gotabaya Rajapaksa đã kêu gọi Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị khi đến thăm, yêu cầu chính phủ Trung Quốc tái cơ cấu nợ, đưa ra các điều khoản thương mại ưu đãi và dỡ bỏ các hạn chế phòng dịch đối với du khách Trung Quốc đến Sri Lanka.

Trước đó đã xuất hiện những chỉ trích bất thường bên trong đảng cầm quyền của Sri Lanka về các khoản vay của Trung Quốc cho một loạt dự án cơ sở hạ tầng lớn, bao gồm một trung tâm kinh doanh ven sông trị giá 13 tỷ USD ở thủ đô Colombo và dự án xây dựng cảng cùng sân bay ở khu vực bầu cử Hambantota thành phố lớn quê hương của gia đình Tổng thống Rajapaksa.

Đầu tháng này, ông Wijeyadasa Rajapakshe, nghị sĩ thuộc đảng cầm quyền đã viết một bức thư dài 6 trang gửi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cáo buộc chính phủ Trung Quốc đẩy Sri Lanka vào bẫy nợ, dùng đó như một cách để mở rộng phạm vi ảnh hưởng chính trị của Trung Quốc.

Ông Rajapakshe viết trong thư: "Rõ ràng và dễ dàng nhận thấy tình bạn của các ngài với chúng tôi không còn chân thành và thẳng thắn nữa; thay vào đó, các ngài đã sử dụng mối quan hệ giữa hai nước chúng ta để đạt được tham vọng trở thành một cường quốc toàn cầu và đặt cuộc sống của những người dân vô tội của đất nước chúng tôi vào nguy hiểm."

Tổng thống Gotabaya Rajapaksa và Ngoại trưởng Vương Nghị thăm Colombo (Ảnh: Getty).

Tổng thống Gotabaya Rajapaksa và Ngoại trưởng Vương Nghị thăm Colombo (Ảnh: Getty).

Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã không trả lời yêu cầu bình luận về vụ việc này.

Ông Uông Văn Bân, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc trong một cuộc họp báo thường kỳ tuần trước nói rằng “Trung Quốc đã và đang hỗ trợ cho sự phát triển kinh tế và xã hội của Sri Lanka trong khả năng có thể, chúng tôi sẽ tiếp tục làm như vậy trong tương lai”.

Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ, Subrahmanyam Jaishankar, cho biết hôm thứ Bảy tuần trước rằng Ấn Độ sẽ tiếp tục giúp Sri Lanka "bằng mọi cách có thể" trong việc đối phó với các thách thức kinh tế và các thách thức khác do đại dịch COVID-19 gây ra. Ông cho biết hai nước đang đàm phán về khoản vay tổng cộng 1,5 tỷ USD của Ấn Độ dành cho Sri Lanka để mua hàng hóa cơ bản, nhiên liệu, thực phẩm và thuốc men.

Các khoản đầu tư gần đây của Ấn Độ vào Sri Lanka bao gồm thỏa thuận cho Tập đoàn Adani của Ấn Độ phát triển và vận hành một bến container ở thủ đô Colombo, một công ty con của Tập đoàn dầu mỏ quốc doanh Ấn Độ Indian Oil Corporation để vận hành 14 cơ sở bồn dầu ở thành phố cảng phía đông Sri Lanka Trincomalee.

Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Ấn Độ nói ông không có bình luận gì thêm về các thỏa thuận hợp tác này.

Theo số liệu của Ngân hàng Trung ương Sri Lanka, vào cuối năm 2020, Sri Lanka có khoảng 3,5 tỷ USD nợ Trung Quốc (không bao gồm các khoản vay của các doanh nghiệp nhà nước), gần bằng với quy mô thiếu nợ Nhật Bản. Phần nợ lớn nhất của Sri Lanka (khoảng 36%) là nợ thông qua trái phiếu quốc tế.

Một trung tâm thương mại lớn và các cơ sở hạ tầng trị giá 13 tỷ USD đang được xây dựng bằng vốn Trung Quốc ở Colombo (Ảnh: WSJ).

Một trung tâm thương mại lớn và các cơ sở hạ tầng trị giá 13 tỷ USD đang được xây dựng bằng vốn Trung Quốc ở Colombo (Ảnh: WSJ).

Mặc dù tỷ trọng nợ Trung Quốc chỉ khoảng 10% trong tổng số nợ của Sri Lanka, nhưng nó thường được các quan chức Mỹ và một số học giả sử dụng làm bằng chứng cho việc chính phủ Trung Quốc đang gây ra tình trạng nợ nần như thế nào thông qua Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường. Sáng kiến ​​này là một kế hoạch của Trung Quốc xây dựng cảng, đường sắt, đường ống và các cơ sở hạ tầng khác ở châu Á và các khu vực khác.

Lấy một ví dụ điển hình, chính phủ Sri Lanka đã không có khả năng trả khoản vay Trung Quốc để xây dựng cảng Hambantota mà Trung Quốc đã giúp xây dựng. Để gán nợ, chính phủ Sri Lanka đã phải kí hợp đồng cho một công ty nhà nước của Trung Quốc thuê cảng này trong 99 năm.

Trung Quốc phủ nhận họ có dụng ý xấu và nói rằng các dự án này có thể thúc đẩy sự phát triển và mang lại lợi ích cho tất cả các bên.

Cuộc khủng hoảng nợ của Sri Lanka đã leo thang trong hai năm qua khi du lịch và kiều hối, các nguồn thu ngoại tệ chính của đất nước này, đều bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19.

Trước tình trạng lạm phát đã lên đến mức cao nhất trong một thập kỷ qua, tỷ giá hối đoái yếu và chi phí nhập khẩu tăng cao; tháng 9/2021, Tổng thống Rajapaksa đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp về kinh tế ở Sri Lanka, ủy quyền cho quân đội giám sát việc cung cấp các thực phẩm cơ bản như gạo và đường, được bán với giá do chính phủ bảo đảm. Kể từ tháng 11/2021, ba tổ chức xếp hạng lớn Moody's, Fitch và Standard & Poor's đều đã tiếp tục hạ bậc tín nhiệm quốc gia vốn đã bị xếp hạng rất thấp của Sri Lanka.

Một số người cho rằng Sri Lanka đã rơi vào bẫy nợ của Trung Quốc (Ảnh: NT).

Một số người cho rằng Sri Lanka đã rơi vào bẫy nợ của Trung Quốc (Ảnh: NT).

Theo số liệu của Fitch, dự trữ ngoại hối của Sri Lanka đã giảm xuống mức thấp 1,6 tỷ USD trong tháng 11/2021, không đủ chi trả cho hóa đơn hàng nhập khẩu của một tháng.

Trong quá trình tìm nguồn vốn để trả các khoản vay và tăng dự trữ ngoại hối, hồi tháng 12 Sri Lanka cho biết sẽ tìm cách sử dụng lượng trà trị giá 5 triệu USD trả khoản nợ mua dầu của Iran để tiết kiệm ngoại tệ. Sri Lanka vào tuần trước cũng đã dễ thở hơn khi đạt được một thỏa thuận với Ấn Độ để hoãn thanh toán 500 triệu USD còn nợ thông qua “Asian Clearing Union” (Liên minh thanh toán bù trừ châu Á) và dùng hàng hoán đổi tiền tệ 400 triệu USD.

WA Wijewardena, cựu Phó thống đốc Ngân hàng Trung ương Sri Lanka, cho biết: “Tình hình dự trữ ngoại hối của Sri Lanka đã trở nên rất nghiêm trọng, thậm chí không còn đủ dự trữ để nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu như nhiên liệu, thuốc men, thực phẩm và nguyên liệu công nghiệp.

Một số nhà kinh tế nổi tiếng của Sri Lanka đã kêu gọi chính phủ hãy tạm hoãn trả nợ cho đến khi cơ cấu lại nợ, cho rằng khoản dự trữ ngoại hối đang cạn kiệt của Sri Lanka tốt nhất được sử dụng để đảm bảo nguồn cung cấp nhu yếu phẩm cho người dân. Người dân Sri Lanka đang phải đối mặt với tình trạng mất điện liên tục và sự thiếu hụt các mặt hàng nhập khẩu thiết yếu như sữa bột, khí gas nhà bếp và nhiên liệu.

Ông Wijewardena nói: “Nếu chính phủ không làm điều này, sẽ xuất hiện thiếu nguồn cung cấp hàng thiết yếu, dẫn đến giá cả và xếp hàng tranh mua. "Những tình hình này cuối cùng sẽ dẫn đến hỗn loạn xã hội và chính trị."

Phát biểu trước Quốc hội, Tổng thống Rajapaksa cho biết đây là vấn đề chưa được các chính phủ khóa trước giải quyết và cuộc khủng hoảng này đã khiến vấn đề này nổi lên đến mức gay go, Sri Lanka sẽ dựa vào các chính sách hiện có để thúc đẩy du lịch, xuất khẩu và đầu tư nước ngoài.

Nhưng Rajapaksa cũng nói, ông sẽ không đi chệch chính sách thu hút đầu tư của Trung Quốc, nói rằng là một quốc gia nhỏ với nguồn tài nguyên thiên nhiên hạn chế, Sri Lanka phải dựa vào đầu tư của nước ngoài để phát triển và tạo việc làm.

Ông nói: “Nếu ai đó bóp méo đầu tư nước ngoài và tạo ra những quan điểm sai lầm trong nhân dân vì những lý do thuần túy chính trị thì họ không mang lại lợi ích gì cho đất nước”, Rajapaksa nói mà không nêu rõ tên quốc gia hay cá nhân nào.

Deep Pal, một nhà nghiên cứu tại “Carnegie Endowment for International Peace” (Quỹ Hòa bình Quốc tế Carnegie) nói, mặc dù ông không cho rằng Sri Lanka đang rơi vào bẫy nợ, nhưng nếu các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương lớn khác như Ấn Độ nghĩ rằng các khoản cứu trợ của họ sẽ được sử dụng trực tiếp để trả nợ cho Trung Quốc, họ sẽ không muốn ra tay giúp đỡ Sri Lanka. Sự thực này khiến vấn đề trở nên phức tạp hơn.

Ông Deep Pal nói: “Trong thời gian ngắn tới đây, tình hình ở Sri Lanka sẽ không chuyển biến tốt. Trong tình hình không có những người khác tham dự, quả thực sẽ khiến Trung Quốc càng tham dự vào nhiều hơn."

(Theo WSJ, 19/1)