Theo trang tin Đa Chiều ngày 2/12, ông Gotabhaya Rajapaksa đã cảnh báo Ấn Độ và các nước phương Tây trong một cuộc phỏng vấn với tờ The Hindu được công bố vào ngày 1/12: Nếu họ không đầu tư, Sri Lanka sẽ buộc phải tiếp tục tìm kiếm đầu tư của Trung Quốc; nếu không có sự giúp đỡ khác thay thế, các quốc gia châu Á khác cũng sẽ chuyển hướng sang các dự án cơ sở hạ tầng trong sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc.
Tổng thống Gotabhaya Rajapaksa nói: “Tôi muốn nói với Ấn Độ, Nhật Bản, Singapore và Australia cũng như các nước khác muốn đầu tư vào Sri Lanka: Họ nên nói với các công ty của họ đầu tư vào Sri Lanka để giúp chúng tôi phát triển vì nếu họ không làm, thì không chỉ Sri Lanka mà các nước trên khắp châu Á cũng sẽ phải đối mặt với cùng vấn đề tương tự”.
Tổng thống Sri Lanka Gotabhaya Rajapaksa (trái) và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (phải) họp báo chung.
|
Ông Gotabhaya Rajapaksa cho rằng “trừ khi các quốc gia khác cung cấp sự lựa chọn khác, nếu không Trung Quốc sẽ mở rộng sáng kiến Vành đai và Con đường của họ ra khắp thế giới”. Ngoài ra, ông cũng xác nhận trong cuộc phỏng vấn rằng ông hy vọng sẽ đàm phán lại hiệp định cho thuê một cảng biển với Trung Quốc: “Tôi cho rằng chính phủ Sri Lanka phải kiểm soát tất cả các dự án quan trọng chiến lược như cảng Hambantota”.
Tổng thống Gotabhaya Rajapaksa nói rằng Trung Quốc là bạn tốt của Sri Lanka và Sri Lanka cần Trung Quốc để phát triển. Nhưng trong vấn đề hợp đồng thuê cảng Hambantota 99 năm, “Tôi e rằng đây là một sai lầm. Tôi sẽ yêu cầu họ đàm phán lại và đạt được thỏa thuận tốt để giúp chúng tôi phát triển”.
Hôm 28/11, ông Gotabhaya Rajapaksa đã đến Ấn Độ bắt đầu chuyến thăm kéo dài 3 ngày. Đây cũng là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của ông kể từ khi ông nhậm chức Tổng thống. Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind và Thủ tướng Narendra Modi đã tổ chức một buổi lễ chào mừng với nghi thức cấp cao dành cho ông Gotabhaya Rajapaksa. Thủ tướng Narendra Modi tuyên bố tại một cuộc họp báo rằng Ấn Độ sẽ cung cấp khoản tín dụng ưu đãi 400 triệu USD cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng của Sri Lanka, đồng thời cũng cung cấp 50 triệu USD viện trợ chuyên biệt cho hoạt động chống khủng bố của Sri Lanka.
Cảng nước sâu Hambantota đang được Trung Quốc đẩy nhanh tốc độ xây dựng.
|
Ông Narendra Modi cam kết Ấn Độ sẽ nỗ lực hỗ trợ sự phát triển tổng thể của Sri Lanka, khẳng định phát triển quan hệ với Sri Lanka luôn là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ. Ông Gotabhaya Rajapaksa cũng hy vọng trong nhiệm kỳ tổng thống của mình, ông “sẽ nỗ lực để đưa quan hệ Sri Lanka - Ấn Độ phát triển lên mức rất cao”.
Tờ The Indian Express đăng bình luận cho rằng, Thủ tướng Modi sẽ tập trung vào việc khôi phục mối quan hệ với chính phủ mới của Sri Lanka. Sau khi ông Gotabhaya Rajapaksa được bầu làm Tổng thống Sri Lanka, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ, bà Sushma Swaraj đã tới ngay Colombo - một tình huống được cho là bất thường - và nhanh chóng hoàn tất lịch trình cho chuyến thăm Ấn Độ của vị tân Tổng thống nước láng giềng. Bộ Ngoại giao Ấn Độ sau đó trong một động thái hiếm thấy, đã lên tiếng về quá trình hòa giải dân tộc của Sri Lanka. Hai tín hiệu quan trọng này nhằm truyền đi thông điệp “Ấn Độ đã sẵn sàng khôi phục quan hệ với Sri Lanka”, đồng thời ngăn cản chính phủ mới của Sri Lanka ngả hẳn sang Trung Quốc sau khi nhậm chức.
Tuyến đường sắt đầu tiên của Srilanka do Trung Quốc cho vay tiền, công ty Trung Quốc khảo sát và thi công
|
Tuy nhiên, ông Gottabayya cho biết trong cuộc phỏng vấn độc quyền với trang mạng Strategic News International (Tin tức chiến lược quốc tế) của Ấn Độ hôm 26/11: Sri Lanka muốn trở thành một quốc gia trung lập, hợp tác hữu nghị với tất cả các nước. Ông nói: “Chúng tôi cần đầu tư và giúp đỡ, mời tất cả các nước, bao gồm cả Ấn Độ đầu tư vào Sri Lanka, nhưng chúng tôi không muốn bị lôi vào cuộc cạnh tranh quân sự và địa chính trị”.
Vào tháng 12/2017, Sri Lanka do không thể trả được khoản tiền vay nợ của Trung Quốc để xây dựng các công trình do chính Trung Quốc đầu tư và thi công, nên đã đồng ý cho Trung Quốc thuê cảng biển chiến lược này với thời hạn thuê lên tới 99 năm. Cảng Hambantota nằm trên các tuyến hàng hải quan trọng nối châu Âu và châu Á. Sau khi thay đổi chính quyền ở Sri Lanka, chính phủ mới do Tổng thống Rajapaksa lãnh đạo, với lý do lợi ích quốc gia, muốn hủy bỏ bản hợp đồng này.
Giới bình luận quốc tế cho rằng việc Sri Lanka đòi lại cảng nước sâu Hambantota không phải chuyện dễ dàng, nhưng vụ việc đã làm rung chuyển Sáng kiến Vành đai và Con đường và là sự kiện khác thường.
Các kỹ sư, kỹ thuật viên người Trung Quốc và Srilanka bên một công trình do Trung Quốc xây dựng.
|
Trang United News ngày 29/11 viết, sự kiện Sri Lanka đang tìm cách đòi lại một cảng nước sâu đã cho Trung Quốc thuê trong 99 năm đang làm rung chuyển Sáng kiến Vành đai và Con đường. Báo này cho rằng, việc giành được Hambantota, một cảng nước sâu ở Sri Lanka, là một thành tựu quan trọng của chiến lược Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Bây giờ thì Sri Lanka lại muốn đòi lại!
Bài viết trích dẫn tờ The Strait Times của Singapore nói, trước đây cựu Tổng thống Sri Lanka Mahinda Rajapaksa đã tìm kiếm các khoản vay của Trung Quốc trong nhiệm kỳ 10 năm của ông để thúc đẩy xây dựng các dự án ở quê hương. Năm 2017, Thủ tướng khi đó, ông Ranil Wickremeinghe, lấy lý do rất khó trả các khoản vay cần thiết để xây dựng các dự án trên, đã đồng ý cho Công ty China Merchants Port Holdings Co. của Trung Quốc thuê cảng Hambantota trong 99 năm để đổi lấy 1,1 tỷ USD; đảng chính trị do tân Tổng thống Rajapaksa lãnh đạo khi đó đã phản đối thỏa thuận này.
Ông Ajith Nivard Cabraal, cựu chủ tịch của Ngân hàng Trung ương Sri Lanka, hiện là cố vấn kinh tế của chính phủ mới, bày tỏ hy vọng Trung Quốc sẽ trả lại cảng này. Ông nói: “Tình huống lý tưởng là quay trở lại hiện trạng. Chúng tôi sẽ hoàn trả khoản vay theo cách chúng tôi đã đồng ý ban đầu vào thời điểm thích hợp, mà không có bất kỳ sự can thiệp nào”.
Vị trí của cảng nước sâu Hambantota trên bản đồ Sri Lanka.
|
Việc Trung Quốc giành được quyền sử dụng cảng nước sâu này ở phía nam Sri Lanka và tiến hành xây dựng cơ sở hạ tầng, một mặt, là một thành tựu mang tính biểu tượng của chiến lược “Vành đai và Con đường”, mặt khác, nó cũng gây ra sự quan tâm cao độ và phản ứng của quốc tế. Đầu tiên, Ấn Độ, cường quốc chính ở Nam Á, lo ngại rằng đối thủ địa chính trị của họ sẽ sử dụng cảng cho mục đích quân sự hoặc chiến lược. Việc này cũng làm dấy lên mối lo ngại của các quốc gia khác rằng chiến lược “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc có thể khiến các nước nghèo sa vào bẫy nợ. Do đó, tại Philippines và một số quốc gia khác cũng đã xuất hiện những tiếng nói tẩy chay sáng kiến “Vành đai và Con đường”.
Tuy nhiên, việc lấy lại cảng Hambantota không phải là điều dễ dàng. Theo ông Smruti Pattanaik, một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu và Phân tích Quốc phòng (The Institute for Defence Studies and Analyses) ở New Delhi, thì “đây là một hiệp định chủ quyền và không có khả năng bị bãi bỏ hoặc thay đổi trên quy mô lớn”. Theo ông, “nếu cho rằng nó rất quan trọng đối với chính quyền của Tổng thống Rajapaksa, thì người Trung Quốc có thể xem xét lại một số điều khoản”.