Trung Quốc là quốc gia tiêu thụ dầu lớn thứ hai trên thế giới. Dù cũng là quốc gia sản xuất dầu nhưng do nhu cầu nội địa quá lớn nên quốc gia này phải nhập khẩu thêm. Năm 2014, Trung Quốc đã nhập 6,17 triệu thùng dầu mỗi ngày và ước tính nhu cầu sẽ còn tăng trong những năm sắp tới.
Trung Quốc đang “giảm tải” cho những tàu chở dầu
Với nhập khẩu chiếm đến 60% lượng dầu thô sử dụng trong nước, chẳng có gì là khó hiểu khi điểm đến của nhiều chiếc tàu chở dầu khổng lồ là… Trung Quốc. Tuy nhiên, so với những con tàu cồng kềnh thì các đường ống dẫn dầu cho thấy những lợi thế hơn hẳn. Do vậy, cũng không ai ngạc nhiên gì khi Trung Quốc đầu tư khá “mạnh tay” vào hệ thống ống dẫn này để mang dầu đến tận nơi cần đến.
Hệ thống ống đầu tiên phải kể đến là Trung Quốc – Kazakhstan, bắt đầu hoạt động vào năm 2006, với công suất 240.000 thùng/ngày, và trong tương lai sẽ là 400.000 thùng/ngày. Hệ thống này có thể được nối thêm bởi một hệ thống ống song song khác để nhận thêm nhiều dầu thô hơn từ vùng Trung Á.
Hệ thống thứ hai là từ Nga, bắt đầu hoạt động vào năm 2011, hiện đang cung cấp 300.000 thùng/ngày, và chắc chắn sẽ tăng thêm trong tương lai. Hệ thống này sớm muộn gì cũng sẽ được nối thêm để tăng nguồn cung từ Nga sang Trung Quốc.
Và mới đây nhất là hệ thống ống Trung Quốc- Myanmar được khánh thành hôm 28/1. Với tổng chiều dài 771 km ở Myanmar và 1631 km ở phía Trung Quốc, hệ thống này có công suất 440.000 thùng/ngày. Hiện đường ống này đang được vận hành thử nghiệm theo cùng lộ trình với hệ thống ống dẫn khí đốt đang được sử dụng. Dù đây không phải là hệ thống ống dẫn dầu đầu tiên của Trung Quốc nhưng nó lại là tuyến đầu tiên mà Trung Quốc hướng ra Ấn Độ Dương. Điều này cho phép một số tàu chở dầu từ Trung Đông hay Đông Phi đi ngang qua eo biển Malacca, rút ngắn hành trình khoảng hai tuần. Tuy nhiên, hầu hết cũng sẽ phải đi theo lộ trình cũ vì hệ thống ống dẫn không đủ khả năng để tiếp nhận tất cả.
Lượng nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc trong năm 2013
Tầm quan trọng của các đường ống dẫn dầu vào Trung Quốc
Không giống như các tàu chở dầu, hệ thống ống dẫn ràng buộc người tiêu dùng và nhà cung cấp bằng các hợp đồng dài hạn có liên quan đến việc vận hành đường ống. Người tiêu dùng sẽ có được một nguồn cung ổn định và liên tục còn nhà cung cấp sẽ có được một thị trường lâu dài. Điều này là cực kì quan trọng, đặc biệt là trong tình hình không có đủ người mua như hiện nay.
Khi nguồn cung vượt cầu dẫn đến tình trạng rớt giá thê thảm như thời gian qua thì khách hàng là… thượng đế. Những quốc gia và công ty sở hữu hệ thống ống dẫn dầu ít phải lo lắng về thị phần hơn. Trái lại, những người không có phần nào trong đó sẽ dễ bị mất thị phần hơn, và dĩ nhiên kiếm người mua cũng khó khăn hơn, thậm chí là phải tính đến chuyện… “dẹp tiệm”.
Trong thị trường dầu Trung Quốc, Nga có vẻ là “người thắng cuộc” vì họ có những công ty như Rosneft. Trong năm 2014, Nga này dẫn đầu doanh số trong danh sách các nhà cung cấp với sản lượng tăng 36%, lên mức kỉ lục 662.000 thùng/ngày, phần lớn là nhờ vào hệ thống ống dẫn Nga – Trung. Quốc gia này cũng qua mặt cả Oman để trở thành nhà cung cấp lớn thứ 3 trên thế giới cho Trung Quốc, và họ hi vọng mức xuất khẩu trong năm 2015 cũng sẽ lại tăng. Rất nhiều khả năng Nga sẽ trở thành nhà cung cấp hàng đầu cho Trung Quốc trong nay mai.
Trái lại, Saudi Arabia, nhà cung cấp lớn nhất của Trung Quốc, hơn cả Angola, đã bị giảm thị phần nếu so với Nga và Angola. Nhằm “đáp trả” chuyện này, Saudi Arabia hiện đang giảm giá bán để giành lại thị phần đã mất ở Trung Quốc. Việc khánh thành đường ống Myanmar-Trung Quốc là tin vui đối với Saudi Arabia vì họ có thể cải thiện vị thế của mình so với Nga.
Kẻ được, người mất trong các thương vụ với Trung Quốc
Nga hiện có vẻ có được vị trí rất vững chắc so với những nhà cung cấp khác ở thị trường Trung Quốc, nhờ vào lợi thế vị trí “hàng xóm” của quốc gia này, khiến hầu hết các nhà cung cấp khác không phải là… “đối thủ”. Các quốc gia ở Trung Á có thể là một ngoại lệ nhưng họ lại không có được trữ lượng dầu dồi dào như Nga.
Tiếp đến là các nhà cung cấp đến từ Trung Đông và châu Phi. Có lẽ họ sẽ khó khăn hơn trong việc duy trì thị trường của mình và sẽ phải cạnh tranh nhiều hơn với các đối thủ trong cùng khu vực để giành giật “miếng bánh” còn lại. Tin mừng cho họ là Trung Quốc không thể tự vứt bỏ sự lệ thuộc của mình vào bất kì nhà cung cấp nào vì nhiều lý do khác nhau. Do vậy ngoài Nga và Trung Á, họ sẽ phải tiếp tục mua dầu của Trung Đông và châu Phi.
Những kẻ “thua cuộc”lớn nhất có lẽ sẽ là các nhà cung cấp nhỏ lẻ và ở khá xa Trung Quốc như Brazil (với công ty Petrobras) và Venezuela. Họ có nguy cơ bị “hất cẳng” ở thị trường Trung Quốc khi các hợp đồng hết hạn. Sẽ cực kì khó khăn cho họ trong việc giành thị phần với các “đối thủ” trên.
Những quốc gia chưa có sự hiện diện ở Trung Quốc, nhưng trước giờ vẫn muốn, như Canada chẳng hạn, là những kẻ không may mắn. Chi phí sản xuất dầu ở các quốc gia này không những đắt đỏ, mà những trở ngại trong quá trình vận chuyển dầu vào Trung Quốc so với những nhà cung cấp trên theo các điều kiện thị trường hiện hành còn khiến cho nhiệm vụ của họ thêm… bất khả thi.
Thay lời kết
Trung Quốc là một trong số ít các quốc gia vẫn tăng lượng dầu nhập khẩu và còn có thể tăng như thế trong nhiều năm nữa. Duy trì hay thậm chí gia tăng thị phần ở Trung Quốc do vậy là rất quan trọng đối với các nhà cung cấp. Trước đây điều này tương đối dễ vì lượng cung có hạn và giá cả lại cao. Tuy nhiên, “gió đã đổi chiều” vì cầu hiện đang ít hơn cung. Điều này khiến các nhà cung cấp phải cạnh tranh quyết liệt để tìm người mua, dẫn đến chuyện “kẻ được, người thua”. Những ai đã có hệ thống ống dẫn sẽ có lợi thế hơn so với những “đối thủ” khác. Tình hình có lẽ sẽ kéo dài cho đến khi cầu theo kịp cung và giá cả tăng trở lại. Khi đó, mọi chuyện sẽ thuận lợi hơn cho các công ty để phát triển. Nhưng để chờ đến đó thì họ sẽ phải tự kiếm cách lèo lái con thuyền của mình qua “cơn bão” lớn hiện tại.
Theo InfoNet