Trung Quốc và Ấn Độ có mối quan hệ phức tạp, là hệ quả của những vấn đề lịch sử, địa lý và những diễn biến gần đây trong quan hệ hai nước.
Vào tháng 10/1962, tranh chấp biên giới lãnh thổ không được giải quyết đã dẫn đến một cuộc chiến ngắn ngủi giữa Ấn Độ và Trung Quốc, và thất bại muối mặt của Ấn Độ trong cuộc đối đầu đó vẫn là một phần ký ức của cả đất nước này. Thực trạng này đã định hình phản ứng của Ấn Độ đối với sự tăng cường sức mạnh và ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực hiện nay.
Khi xét đến sức mạnh quốc gia, sự khác nhau giữa quỹ đạo phát triển của GDP Trung Quốc và Ấn Độ từ năm 1960 và sự chênh lệch hiện tại giữa hai nước được thể hiện rất rõ. Năm 1960, GDP của Trung Quốc bằng một nửa so với GDP của Ấn Độ. Năm 2017, GDP danh nghĩa của Trung Quốc ước đạt 11,8 nghìn tỷ USD, trong khi Ấn Độ chỉ đạt gần 2,45 nghìn tỷ USD. Trung Quốc đã thành công trong việc phục hưng đất nước và nhiều người tin rằng nước này sẽ thay thế Mỹ trở thành “số 1 thế giới” chỉ trong vòng một thập kỷ.
Dẫu vậy, Ấn Độ vẫn là thách thức vô hình đối với Bắc Kinh ở châu Á. Nỗ lực của Ấn Độ cho phép thành lập nhà nước Bangladesh vào tháng 12/1971 đã khiến Trung Quốc hết sức lo lắng, và Bắc Kinh đã đi đến kết luận rằng Ấn Độ phải bị ngăn chặn trong tiểu lục địa và phải luôn ở trong tình trạng mất cân bằng kéo dài.
Mối quan hệ này đã khiến Trung Quốc phát triển quan hệ chiến lược với Pakistan từ đầu thập niên 1970. Bắc Kinh đã sử dụng sức mạnh kinh tế và quân sự để tăng cường sự hiện diện ở nước láng giềng của Ấn Độ, bao gồm cả ở Bangladesh và gần đây nhất là Maldives. Phần lớn những nước này đều phụ thuộc nặng nề vào Trung Quốc hơn là Ấn Độ về các nhu cầu kinh tế và quân sự. Một phần là vì khoảng cách về sức mạnh quân sự và kinh tế giữa hai nước này.
Bangladesh là minh chứng cho việc sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc làm giảm ảnh hưởng của Ấn Độ ra sao. Trong thập kỷ vừa qua, Trung Quốc đã thay thế Ấn Độ để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Bangladesh. Vào năm 2015, nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm 27% tổng hàng hóa nhập khẩu, trong khi con số này từ Ấn Độ chỉ là 12%. Quân đội Bangladesh cũng nhập khẩu nhiều trang thiết bị từ Trung Quốc, bao gồm cả tàu ngầm. Có thể thấy hai nước gần Ấn Độ nhất đang ngày càng phụ thuộc hơn vào Bắc Kinh, khiến tình thế lưỡng nan về an ninh của Ấn Độ càng tăng lên.
Nhưng quan hệ quân sự ngày càng được củng cố của Trung Quốc trong khu vực và vấn đề chưa được giải quyết giữa Trung Quốc và Ấn Độ trên cao nguyên Doklam từ tháng 6 đến tháng 8/2017 chỉ là một phần trong các thách thức an ninh của Ấn Độ.
Các khoản đầu tư của Trung Quốc nhằm mục đích giúp họ vượt qua "tình thế tiến thoái lưỡng nan Malacca", trong đó phần lớn nguồn cung năng lượng của Trung Quốc đều đi qua eo Malacca. Trung Quốc đầu tư vào các cảng biển dọc Ấn Độ Dương, thường được mô tả như chuỗi ngọc trai, và hai căn cứ quân sự của Trung Quốc ở Gwadar, Pakistan và Djibouti, Sừng Châu Phi cho thấy sự hiện diện lâu dài của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương.
Việc Trung Quốc mở rộng quyền lực ảnh hưởng tới Ấn Độ ra sao?
Ấn Độ đang phản ứng mạnh mẽ trước những thách thức do sức mạnh và tầm ảnh hưởng của Trung Quốc gây ra. Tình hình ở cao nguyên Doklam phản ánh quyết tâm hành động đơn phương của Ấn Độ và nước này vẫn sẽ cương quyết, ngay cả khi Trung Quốc có thái độ đe dọa.
Ở cấp độ song phương và đa phương, chính phủ của thủ tướng Modi đang tìm kiếm các đối tác mới, đặc biệt trong lĩnh vực biển. Trật tự ổn định trên biển và tự do hàng hải ở Ấn Độ-Thái Bình Dương giờ đây được xác định là mục tiêu an ninh tập thể, và Ấn Độ đang được khuyến khích tham gia vào cuộc chơi chung. Quan hệ song phương Ấn- Mỹ đã được tăng cường trong lĩnh vực hải quân và hàng hải, và khả năng thành lập liên minh với Úc đã được tổng thống Trump khẳng định trong chuyến công du tại Châu Á gần đây.
Nếu ý tưởng này thực sự được triển khai thì một tứ giác kim cương sẽ xuất hiện, khiến tình trạng căng thẳng ở Malacca càng được đẩy lên cao một cách rõ ràng.
Tuy nhiên, điều này sẽ còn phải phụ thuộc vào nền chính trị trong nước của 4 quốc gia Ấn Độ, Úc, Nhật và Mỹ, cũng như là mức độ lãnh đạo quân sự các bên hợp tác và nhất trí cách đối phó với Trung Quốc.
Nhu cầu kiềm chế Trung Quốc sẽ không diễn ra một cách rõ ràng, cũng không cứng nhắc. Quan hệ Mỹ- Trung chồng lấn lợi ích sâu sắc hơn vẻ bề ngoài. Do đó, chuyến thăm 5 nước Châu Á vào tháng 11/2017 của ông Trump và kết quả của nó sẽ mang lại những gợi ý quý giá về việc Trung Quốc dưới thời ông Tập Cận Bình ngày càng tự tin sẽ sử dụng sức mạnh ra sao, đồng thời chỉ ra mức độ Mỹ có thể hành động để đối phó.