Trong một thông cáo chính thức ngày 18/1, Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết đã thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo Agni-5. Tầm bắn của tên lửa không được nêu, nhưng theo các chuyên gia vũ khí, Agni-5 là loại tên lửa có tầm bắn 5.000km, có thể bắn tới mọi địa điểm trên lãnh thổ Trung Quốc. Nhiều nhà phân tích cho rằng New Delhi đã có thêm một thứ vũ khí mới để răn đe Bắc Kinh.
Trong bản thông cáo, Bộ Quốc phòng Ấn Độ cũng đã nhắc đến mục tiêu răn đe của loại vũ khí này, khi giải thích rằng: «Cuộc thử nghiệm thành công của hỏa tiễn Agni-5 khẳng định lại năng lực tên lửa được chế tạo tại Ấn Độ, và củng cố thêm năng lực răn đe đáng tin cậy» của Ấn Độ.
Theo giới quan sát, năng lực răn đe của Ấn Độ là có thực vì lẽ nước này sở hữu vũ khí hạt nhân, và vì tên lửa Agni-5 có thể mang theo một đầu đạn nặng hơn 1.000 kg, New Delhi hoàn toàn có thể gắn đầu đạn hạt nhân lên loại tên lửa đạn đạo đời mới này để bắn đi.
Thông cáo của Bộ Quốc phòng Ấn Độ còn nói đến việc tên lửa Agni-5 được phóng đi từ giàn phóng di động. Điều đó có nghĩa là New Delhi hoàn toàn có thể đặt Matxcơva, Athens, vùng Trung Đông, Tokyo, Bắc Kinh vào trong tầm ngắm của vũ khí nguyên tử của mình.
Tuy nhiên, theo báo Mỹ The New York Times, đối tượng răn đe chính của Ấn Độ là Trung Quốc, trong bối cảnh quân đội hai bên cách đây không lâu còn trải qua hai tháng đối đầu căng thẳng ở vùng Doklam trên dãy Himalaya, một sự cố biên giới được cho là nghiêm trọng nhất trong vòng 30 năm gần đây.
Theo chuyên gia Ấn Độ Nitin Gokhale, cho đến nay New Delhi chưa từng có một loại tên lửa nào có khả năng đánh vào các «mục tiêu có giá trị cao» ở Trung Quốc. Và cuộc thử nghiệm thành công tên lửa Agni-5 vào ngày 18/01 đã khiến cục diện thay đổi, với hầu hết lãnh thổ Trung Quốc, bao gồm cả các thành phố ven biển phía đông như Thượng Hải, đều nằm trong tầm bắn của vũ khí hạt nhân Ấn Độ.
Đối với chuyên gia này, kể từ nay, Bắc Kinh sẽ phải «suy nghĩ hai lần» trước khi gây sự với New Delhi. Trong quá khứ, Trung Quốc đã nhiều lần chỉ trích Ấn Độ về kế hoạch phát triển tên lửa Agni-5.