Trung Quốc “hoàn thành” thiết kế tàu sân bay tự chế thứ hai
Tờ Kanwa Defense Review Canada gần đây cho rằng Trung Quốc vừa hoàn thành thiết kế tàu sân bay tự chế thứ hai, tức là tàu sân bay này sắp được khởi công chế tạo tại Thượng Hải.
Theo Kanwa, tàu sân bay tự chế thứ hai của Trung Quốc sẽ sử dụng động cơ thông thường, hệ thống phóng hơi nước. Bởi vì, nếu muốn chế tạo tàu sân bay động cơ hạt nhân thì Trung Quốc phải tiến hành cải thiện các công trình quan trọng ở nhà máy đóng tàu để dự trữ, vận chuyển lò phản ứng, nhiên liệu hạt nhân.
Nhưng, hiện vẫn chưa thấy nhà máy đóng tàu Giang Nam ở Thượng Hải, Trung Quốc xây dựng những công trình này. Nhìn vào các hình ảnh vệ tinh, Trung Quốc đang tiến hành thử nghiệm hệ thống phóng điện từ và hơi nước.
Một nguồn tin từ cơ quan xuất nhập khẩu trang bị đặc chủng Ukraine cho biết Ukraine chưa từng tham gia thiết kế, chế tạo tàu sân bay tự chế của Trung Quốc, cũng chưa từng cung cấp bản vẽ tàu sân bay Varyag cho Trung Quốc.
Nhưng Ukraine đã đưa ra một số ý kiến tư vấn trong một số hạng mục. Kanwa cho rằng những ý kiến này rất quan trọng. Nếu không thì Trung Quốc phải gặp khó khăn hơn nhiều trong chế tạo tàu sân bay.
Kanwa cho rằng tàu sân bay tự chế thứ hai của Trung Quốc sẽ dùng máy phóng hơi nước, chở theo máy bay chiến đấu, máy bay cảnh báo sớm và cả máy bay không người lái cỡ lớn; sử dụng radar mảng pha quét điện tử chủ động như tàu khu trục Type 055.
Theo Kanwa, Trung Quốc có thể khởi công chế tạo tàu sân bay tự chế thứ hai ở Thượng Hải vào năm 2019, thời gian chế tạo sẽ có tốc độ cơ bản như tàu sân bay tự chế đầu tiên (3 năm rưỡi) – tàu này được chế tạo ở nhà máy đóng tàu Đại Liên và đã hạ thủy trong năm 2017.
Như vậy, đến năm 2022 Trung Quốc có thể hoàn thành chế tạo thân tàu sân bay tự chế thứ hai, khoảng năm 2027 có thể bàn giao cho quân đội. Khi đó, hải quân Trung Quốc sẽ có 2 cụm chiến đấu tàu sân bay và 1 cụm tàu sân bay huấn luyện.
Với việc sử dụng máy phóng hơi nước, đưa nhiều máy bay như máy bay cảnh báo sớm lên tàu, Kanwa dự đoán tàu sân bay tự chế thứ hai sẽ có trọng tải lớn hơn, lượng giãn nước có thể đạt khoảng 80.000 tấn, tương đương với tàu sân bay USS Kitty Hawk của Mỹ.
Tuy nhiên, ngoài Kanwa, giới phân tích cũng đưa ra nhiều quan điểm khác về tàu sân bay tự chế thứ hai của Trung Quốc. Nhà nghiên cứu về vấn đề phóng điện từ của Trung Quốc là Mã Vĩ Minh từng cho rằng công nghệ phóng điện từ dùng để cất cánh máy bay trên tàu sân bay của Trung Quốc không có vấn đề gì, tin tưởng sẽ được sử dụng trong thực tế. Thậm chí Mã Vĩ Minh tự tin cho rằng thực lực nghiên cứu trang bị điện từ tiên tiến trên tàu chiến của Trung Quốc đã vượt Mỹ.
Việc dự đoán về thời điểm chế tạo tàu sân bay tự chế thứ hai của Trung Quốc cũng có những quan điểm khác với Kanwa. Chẳng hạn, báo chí Nga cho rằng tàu sân bay tự chế thứ hai của Trung Quốc (Type 003) đã được khởi công chế tạo ở nhà máy đóng tàu Giang Nam, Thượng Hải, thậm chí đã chế tạo được gần 1 năm.
Về số lượng tàu sân bay, theo phân tích của báo chí quốc tế, trong tương lai, Trung Quốc có thể chế tạo tới 6 tàu sân bay để phục vụ cho tham vọng xây dựng "quân đội số 1 thế giới" của họ.
Ấn Độ không còn chạy đua với Trung Quốc nữa?
Theo Sina Trung Quốc ngày 19/1, hiện nay Ấn Độ có tổng cộng 3 tàu sân bay, nhưng chỉ có tàu INS Vikramaditya đang được sử dụng. Còn các tàu sân bay tự chế như INS Vikrant và INS Vishal phải đến năm 2019 và 2032 mới biên chế.
Đồng thời biên chế 3 tàu sân bay là trạng thái lý tưởng được Ấn Độ trông đợi. Khi đó, Ấn Độ để cho 2 chiếc ở trạng thái vận hành, còn 1 chiếc tiến hành sửa chữa, bảo dưỡng mang tính chu kỳ.
Nhưng, khi bước vào năm 2018 không lâu, ngày 9/1/2018, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Nirmala Sitharaman lại cho rằng mặc dù số lượng tàu sân bay thiếu 2 chiếc so với mong muốn, nhưng "sau khi tận mặt chứng kiến sự hùng mạnh của hạm đội miền Tây (Western Fleet), tôi tin tưởng sâu sắc vào khả năng của hải quân Ấn Độ trong việc bảo vệ đất nước, chống lại bất cứ mối đe dọa nào".
Sina cho rằng dư luận tỏ ra lo ngại về sức chiến đấu của tàu sân bay INS Vikramaditya hiện nay của hải quân Ấn Độ, bởi vì phát hiện máy bay chiến đấu MiG-29K (mua của Nga) tồn tại khiếm khuyết, mỗi lần hạ cánh trên tàu sân bay đều có vấn đề, chẳng hạn rơi một số linh kiện.
Theo đánh giá của Sina, việc Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ nói với ý rằng chỉ một chiếc INS Vikramaditya cũng "đủ" là có lý do. Sina võ đoán rằng có thể Ấn Độ đang gặp trở ngại lớn về công nghệ chế tạo tàu sân bay nên mới nói như vậy.
Về số lượng tàu sân bay, gần đây, báo chí Mỹ nhắc nhở rằng: Trong tương lai, vai trò của tàu sân bay sẽ ngày càng giảm, vì nó đối mặt với nguy cơ bị tấn công tập trung. Việc Trung Quốc nghiên cứu phát triển và chế tạo quy mô lớn tàu sân bay sẽ chỉ lãng phí tiền của. Tuy nhiên, Sina cho rằng dư luận Trung Quốc, quân đội Trung Quốc sẽ không tin vào những lời nói này của báo chí Mỹ.