Tìm cách xây dựng được lực lượng “hố đen” trên đại dương
Theo tờ The Times of India, “Chương trình 75I” được Ấn Độ đưa ra từ tháng 11/2007, nay đã kéo dài 10 năm. Ấn Độ tổ chức đấu thầu chương trình này với mong muốn thông qua hợp tác với nhà máy đóng tàu nước ngoài chế tạo 6 tàu ngầm tàng hình, tiên tiến cho Ấn Độ, trị giá khoảng 700 tỷ rupee (10,9 tỷ USD).
Hiện nay có 4 doanh nghiệp nước ngoài gồm Tập đoàn quốc phòng DCNS Pháp, hãng ThyssenKrupp Marine Systems Đức, Cục thiết kế Rubin thuộc hãng Rosoboronexport Nga và Công ty Saab Kockums Thụy Điển đã đưa ra phản hồi về đề nghị cung cấp thông tin sơ bộ cho “Chương trình 75I” của hải quân Ấn Độ.
Trong khi đó, liên doanh Mitsubishi - Kawasaki của Nhật Bản và nhà máy đóng tàu Navantia của Tây Ban Nha đã lựa chọn không tham gia cuộc đấu thầu này, do không thể cung cấp thông tin trước thời hạn cuối cùng.
Căn cứ vào “Chương trình 75I”, hải quân Ấn Độ muốn mua 6 tàu ngầm diesel-điện mới, trang bị tên lửa hành trình tấn công đối đất và thiết bị đẩy AIP, tăng cường khả năng hoạt động liên tục trong lòng đại dương, có thể tích hợp với bộ cảm biến và vũ khí tự chế được phát triển sau đó.
Trước đó, Nga, Đức và Pháp đã có kinh nghiệm chế tạo tàu ngầm cho Ấn Độ, trong khi đó Nhật Bản thiếu kinh nghiệm bán hàng quân sự trên thị trường vũ khí toàn cầu, hầu như mong muốn đạt được thỏa thuận liên chính phủ trực tiếp với Ấn Độ về chương trình này.
Như vậy, 4 doanh nghiệp của Pháp, Đức, Nga và Thụy Điển sẽ lần lượt sử dụng tàu ngầm Scorpene, Type 214, Amur và A26 tham gia cuộc đua quyết liệt để thắng thầu.
Được biết, hải quân Ấn Độ đã đưa ra thông số kỹ thuật về loại tàu ngầm mong muốn, sau đó yêu cầu 4 doanh nghiệp trên tiến hành đấu thầu kỹ thuật và thương mại.
Căn cứ vào chính sách “hợp tác chiến lược” mới của Bộ Quốc phòng Ấn Độ, sẽ thông qua tiến trình song song để lựa chọn ra nhà máy đóng tàu của Ấn Độ được chỉ định hợp tác với nước ngoài.
Theo tờ Times of India, hải quân Ấn Độ cần trang bị 18 tàu ngầm diesel-điện, 6 tàu ngầm hạt nhân tấn công và 4 tàu ngầm hạt nhân trang bị tên lửa lắp đầu đạn hạt nhân để có thể răn đe hiệu quả đối với Trung Quốc và Pakistan.
Hiện nay, ngoài 2 tàu ngầm hạt nhân INS Arihant và INS Chakra, hải quân Ấn Độ chỉ có 13 tàu ngầm thông thường cũ, lại chỉ có thể sử dụng một nửa trong số đó, bởi vì tuổi thọ của ít nhất 10 chiếc đã trên 10 năm. Một chiếc tàu ngầm hạt nhân tự chế khác là INS Aridhaman sẽ được bàn giao trong vài tháng tới.
Trước đây, Ấn Độ đã để Pháp thực hiện “Chương trình 75” cũ, 6 tàu ngầm lớp Scorpene đang được Công ty TNHH đóng tàu Mazagao chế tạo, trong đó chiếc đầu tiên gần đây đã bàn giao cho hải quân Ấn Độ, nhưng vẫn chưa chính thức đưa vào sử dụng. 5 chiếc còn lại sẽ từng bước được bàn giao trước năm 2020 - 2021.
Mặc dù vậy, phía Ấn Độ rất không hài lòng với hợp tác của phía Pháp trong chế tạo 6 tàu ngầm này do nhiều vấn đề khác nhau, trong đó có vấn đề chậm tiến độ, đội vốn và chuyển giao công nghệ. Đến năm 2007, Ấn Độ đề xuất chương trình mua sắm tàu ngầm thứ hai, số lượng mua sắm vẫn là 6 chiếc, được gọi là “Chương trình 75I”.
Đặc biệt coi trọng xây dựng biên đội tàu sân bay
Theo báo chí Ấn Độ, Mỹ đã đồng ý bán máy phóng điện từ cho Ấn Độ, giúp cho tàu sân bay tương lai của Ấn Độ có thể chở được nhiều loại máy bay hơn, tăng mạnh khả năng tác chiến cho loại trang bị có ý nghĩa chiến lược này.
Máy phóng điện từ của người Mỹ có khả năng sẽ trang bị cho tàu sân bay tự chế tiếp theo của Ấn Độ. Hiện nay, hải quân Ấn Độ đang sở hữu một chiếc tàu sân bay mang tên INS Vikramadatiya mua của Nga và một tàu sân bay tự chế mang tên INS Vikrant chưa hoàn thành.
Theo đánh giá của chuyên gia Trung Quốc, Mỹ đang lôi kéo Ấn Độ để phục vụ cho ý đồ địa - chính trị của họ tại khu vực, đó là ngăn chặn Trung Quốc. Ấn Độ có thể sẽ bị lệ thuộc vào công nghệ quân sự của Mỹ, trong khi đó Mỹ sẽ gia tăng ảnh hưởng ngay trong quân đội Ấn Độ cũng như khu vực Nam Á.
Chiến lược Nam Á mới của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra vào tháng 8/2017 đã coi trọng hơn vai trò của Ấn Độ. Các quan chức cấp cao Mỹ (Bộ trưởng Quốc phòng, Ngoại trưởng) thời gian gần đây đã liên tiếp đến thăm Ấn Độ và đưa ra những cam kết mạnh mẽ, nhất là đối với quan hệ quốc phòng Mỹ - Ấn.
Tuy nhiên, việc Ấn Độ mua máy phóng điện từ sẽ từ bỏ tiêu chuẩn của Nga, sẽ khiến cho Nga không hài lòng.
Trong chính sách của mình, Ấn Độ đang mong muốn tăng cường “nội địa hóa” vũ khí trang bị dựa trên chuyển giao công nghệ của đối tác nước ngoài. Chính sách này thu hút sự quan tâm của nhiều nhà thầu quốc phòng quan trọng trên thế giới, nhất là của các nước phát triển phương Tây, nhưng cũng không hề dễ dàng thực hiện được, vì nước nào cũng muốn giữ bí quyết công nghệ của mình.
Liên quan đến Ấn Độ phát triển tàu sân bay, tờ Izvestia Nga ngày 26/10 cho rằng hải quân Ấn Độ rất coi trọng xây dựng biên đội tàu sân bay, chủ yếu là để ứng phó với Trung Quốc. Trong các đối tác như Nga, Mỹ, Pháp… thì Ấn Độ cuối cùng sẽ lựa chọn đối tác nào để chế tạo tàu sân bay thứ hai?
Trong vấn đề này, nhân tố có lợi của Nga là kinh nghiệm hợp tác thực tế hiện có và Nga sẵn sàng chia sẻ công nghệ hơn là so với các đối tác khác. Nhân tố có lợi của Mỹ là họ có thể sở hữu công nghệ tốt nhất như máy bay thế hệ thứ năm trang bị cho tàu sân bay, máy phóng điện từ và một số hệ thống khác.
Trong khi đó, nhân tố có lợi cho Pháp hoặc châu Âu là kinh nghiệm hợp tác đã có, trình độ công nghệ rất cao và mong muốn thực hiện đa dạng hóa nhà cung ứng của Ấn Độ.
Tuy nhiên, khả năng Mỹ tham gia chương trình tàu sân bay của Ấn Độ là không cao. Theo chuyên gia Nga, trên thực tế, công nghệ máy phóng điện từ đến nay vẫn còn chưa thực sự hoàn thiện. Đến quân đội Mỹ còn chưa hài lòng với kết quả thử nghiệm nó, vì vậy thì nói gì đến xuất khẩu. Do đó, “cơ thắng” của Nga cao hơn, nhưng hình thức tham gia chương trình tàu sân bay của Ấn Độ còn chờ quyết định.
Triển khai tuần tra không gián đoạn ở Ấn Độ Dương
Theo tờ Jane's Defense Weekly Anh ngày 26/10, hải quân Ấn Độ tuyên bố có kế hoạch triển khai lâu dài tàu chiến và máy bay trinh sát ở dọc các tuyến đường giao thông quan trọng và “yết hầu” tại khu vực Ấn Độ Dương để triển khai các hành động.
Theo quyết định của Hội nghị sĩ quan hải quân Ấn Độ diễn ra từ ngày 24 - 27/10/2017, những hành động này bao gồm tấn công chủ nghĩa khủng bố trên biển, mua bán người, cướp biển và buôn bán ma túy, đồng thời tiến hành cứu trợ nhân đạo và cứu nạn cho các nước ven bờ Ấn Độ Dương.
Tuy nhiên, theo quan chức cấp cao hải quân Ấn Độ, việc Ấn Độ điều thêm 12 - 15 tàu khu trục, tàu hộ vệ và tàu hộ vệ hạng nhẹ đến dọc tuyến từ eo biển Malacca, vịnh Péc-xích và bờ biển châu Phi là để ứng phó với sự hiện diện trên biển gia tăng của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương.
Máy bay đa dụng trên biển tầm xa P-8I Poseidon Ấn Độ mua của hãng Boeing Mỹ sẽ đóng vai trò bổ sung cho những trang bị nêu trên, đồng thời có sự hỗ trợ từ vệ tinh nhiều dải tần số GSAT-7 của hải quân Ấn Độ, vệ tinh này được phóng từ tháng 8/2013.
Trong khi đó, theo tờ The Times of India ngày 25/10, hải quân Ấn Độ có kế hoạch thực hiện chế độ trực ban sẵn sàng chiến đấu ở khu vực Ấn Độ Dương, nội dung cụ thể là: các tàu chiến của hải quân Ấn Độ sẽ tiến hành tuần tra 24/24 ở các tuyến đường và mắt xích then chốt như vịnh Péc-xích, vịnh Aden, eo biển Malacca, eo biển Sunda để ứng phó các loại nhiệm vụ như thách thức địa - chính trị, mối đe dọa chủ nghĩa khủng bố.
Một sĩ quan cấp cao hải quân Ấn Độ cho biết: “Hải quân Ấn Độ là người cung cấp sản phẩm an ninh khu vực, cũng là người có trách nhiệm hàng đầu của an ninh khu vực”. Hải quân Ấn Độ hoàn toàn không hài lòng với trạng thái hiện nay, sẽ còn tiếp tục nâng cấp tàu chiến để đảm bảo tiến hành giám sát có hiệu quả và theo thời gian thực đối với Ấn Độ Dương.
Hiện nay, hải quân Ấn Độ sở hữu 138 tàu chiến các loại và 235 máy bay cánh cố định và máy bay trực thăng. Theo kế hoạch phát triển của hải quân Ấn Độ, đến năm 2027 quy mô hải quân Ấn Độ sẽ mở rộng rất lớn, đạt 212 tàu chiến các loại và 458 máy bay các loại.
Hiện nay, Ấn Độ đang lo ngại những bước tiến thâm nhập mạnh mẽ của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương dựa trên viện trợ kinh tế khổng lồ. Ấn Độ lo ngại chiến lược “chuỗi ngọc trai” của Trung Quốc nhằm hỗ trợ cho các hành động của hải quân Trung Quốc, từ đó kiểm soát các tuyến đường hàng hải và bao vây Ấn Độ.
Trong 20 năm qua, Trung Quốc từng bước đạt được các thỏa thuận chiến lược, quân sự, thương mại và ngoại giao lâu dài với các nước Nam Á như Bangladesh, Myanmar, Pakistan, Sri Lanka, Maldives. Hải quân Ấn Độ cho rằng điều này sẽ làm cho Ấn Độ bị rơi vào cô lập.