Thông tin trên được Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình đưa ra tại lễ mít tinh hưởng ứng ngày Thế giới phòng, chống AIDS, đón nhận huân chương Lao động hạng Nhì và tổng kết 30 năm phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam do Bộ Y tế tổ chức vào sáng nay (1/12).
Từng bước kiểm soát đại dịch
Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình cho biết: Sau gần 40 năm, hiện đại dịch HIV/AIDS vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn. Theo Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS năm 2020, thế giới có 38 triệu người nhiễm HIV đang sống chung với HIV và khoảng hơn 35 triệu người đã tử vong vì AIDS.
Trong 30 năm phòng, chống HIV/AIDS, nước ta đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Ngay từ khi dịch xảy ra, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp Lệnh quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và tiếp tục nâng lên thành Luật Phòng, chống HIV/AIDS vào năm 2006. Việt Nam là một trong những nước đầu tiên trên thế giới có Luật riêng về HIV/AIDS.
Với khuôn khổ pháp lý dần được hoàn thiện, một hệ thống phòng chống HIV/AIDS hoàn chỉnh từ trung ương đến địa phương đã được thiết lập. Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy mại dâm được thành lập nhằm chỉ đạo cùng với một hệ thống của ngành y tế để triển khai thực hiện các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.
Đến nay, cả nước đã có hơn 55.000 người trong hơn 150.000 người nhiễm HIV điều trị ARV bằng nguồn từ Quỹ Bảo hiểm y tế. Các địa phương cũng tăng dần đầu tư cho phòng, chống HIV/AIDS từ ngân sách địa phương đạt tới 52%.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long (Ảnh: Minh Thuý) |
Chia sẻ về công tác phòng, chống dịch HIV/AIDS, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh: Trải qua 30 năm ứng phó với đại dịch AIDS, với sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Chính phủ cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự phối hợp của các Bộ, ngành, địa phương; sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng; sự giúp đỡ quý báu của bạn bè quốc tế và sự chủ động của hệ thống y tế, Việt Nam đã triển khai toàn diện, hiệu quả các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Dịch HIV/AIDS ở Việt Nam đã và đang từng bước được kiểm soát, tỷ lệ nhiễm trong cộng đồng dân cư dưới 0,26%.
Theo ước tính của các chuyên gia, trong 15 năm qua, chương trình phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam đã giúp cho khoảng 500.000 người không bị lây nhiễm HIV và hơn 200.000 người không bị tử vong do HIV/AIDS. Việt Nam là một trong bốn quốc gia có chất lượng điều trị HIV/AIDS đứng hàng đầu thế giới, cùng với Anh, Đức và Thụy Sỹ. Với kinh nghiệm 30 năm phòng, chống HIV/AIDS cùng với những kết quả đã đạt được, Việt Nam đang tự tin tiến tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.
Báo động tình trạng nhiễm HIV ở nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới
Mặc dù công tác phòng, chống HIV/AIDS đã đạt được nhiều kết quả khả quan nhưng thời gian tới vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Theo Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình, dịch HIV vẫn tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp. Mỗi năm nước ta vẫn có gần 10.000 trường hợp nhiễm HIV mới được phát hiện và khoảng 2.000 người tử vong. Cả nước vẫn còn khoảng 40.000 người nhiễm HIV sống trong cộng đồng mà chưa biết tình trạng nhiễm HIV của mình.
Đáng chú ý, tình trạng lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục tiếp tục tăng, nhất là ở nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM), dẫn đến việc kiểm soát dịch HIV càng trở nên khó khăn hơn (tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm MSM tăng từ 2,3% năm 2012 lên 12,7% năm 2019).
Bác sĩ tư vấn cho bệnh nhân (Ảnh minh hoạ) |
Một số địa phương năm 2020 báo cáo phát hiện được 100 người nhiễm HIV thì có 30 tới 40 người nhiễm MSM, thậm chí có tỉnh báo cáo tới 60% người nhiễm HIV mới được phát hiện là nam quan hệ tình dục đồng giới. Hiện số MSM cả nước ước tính có khoảng 200.000 người). Mục tiêu chấm dứt cơ bản dịch AIDS khi còn 1.000 trường hợp nhiễm HIV mới một năm. Như vậy phải giảm số nhiễm HIV được phát hiện giảm đi 10 lần vào năm 2030, đây là mục tiêu chắc chắn đầy tham vọng và thách thức.
Bên cạnh đó, tình trạng kỳ thị, phân biệt, đối xử liên quan đến HIV tuy đã giảm nhưng vẫn khá phổ biến. Đây chính là rào cản cho những người nghi ngờ nhiễm HIV tiếp cận công bằng các dịch vụ y tế như: dịch vụ xét nghiệm và người nhiễm HIV tiếp cận các dịch vụ điều trị, tuân thủ điều trị. “Nếu chúng ta không giải quyết tốt nhiệm vụ này sẽ khó đạt được mục tiêu 95-95-95 vào năm 2025 thì cũng sẽ không thể chấm dứt cơ bản được dịch AIDS tại Việt Nam vào năm 2030 như mục tiêu đã đặt ra.” – Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nói.
Nỗ lực chấm dứt dịch AIDS vào năm 2030
Để khắc phục những khó khăn còn tồn tại, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh: Trong 10 năm tới, mỗi người cần tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS nhằm giảm số người mới nhiễm HIV và tử vong liên quan AIDS, chấm dứt dịch AIDS tại Việt Nam vào năm 2030, giảm tối đa tác động của dịch HIV/AIDS đến sự phát triển kinh tế - xã hội.
Chiến lược Quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 đã đưa ra 18 chỉ tiêu cần đạt và 11 nhóm giải pháp cần triển khai thực hiện, trong đó chủ yếu tập trung vào việc các cấp ủy đảng, chính quyền cần nhận thức rõ tầm quan trọng của phòng, chống HIV/AIDS và mục tiêu chấm dứt dịch AIDS mà Đảng, Chính phủ đã đặt ra.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên (Ảnh: Minh Thuý) |
Theo đó, các đơn vị phải tiếp tục mở rộng các hoạt động chuyên môn có hiệu quả, bao gồm: triển khai rộng rãi các biện pháp can thiệp giảm tác hại, dự phòng lây nhiễm HIV; mở rộng và đang dạng hóa các hình thức xét nghiệm, phát hiện HIV; mở rộng và nâng cao chất lượng điều trị HIV/AIDS.
Để đẩy lùi đại dịch, Thứ trưởng Tuyên cho rằng các đơn vị phải có các giải pháp, chính sách tài chính bền vững cho công tác phòng, chống HIV/AIDS. Nhà nước cần tiếp tục quan tâm đầu tư cho công tác phòng, chống HIV/AIDS. Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, trong năm 2021, tất cả các tỉnh, thành phố cần phê duyệt Đề án hoặc Kế hoạch đảm bảo tài chính để thực hiện Mục tiêu Chấm dứt dịch bệnh AIDS tại địa phương mình, đồng thời, phân bổ kinh phí hàng năm theo kế hoạch được duyệt. BHYT sẽ tiếp tục tham gia chi trả cho điều trị HIV/AIDS theo quy định. Ngoài ra, tiếp tục huy động sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế cho công tác phòng, chống HIV/AIDS.