Video cận cảnh bệnh nhân 91 hồi phục thần kỳ, cười, bắt tay bác sĩ

VietTimes – Bệnh nhân 91 hồi phục thần kỳ, tri giác tỉnh táo hoàn toàn, có thể cười, cầm ly uống nước, bắt tay bác sĩ, thực hiện các y lệnh.
Bệnh nhân 91 đang hồi phục thần kỳ, tri giác tỉnh táo hoàn toàn (Ảnh: BVCR)
Bệnh nhân 91 đang hồi phục thần kỳ, tri giác tỉnh táo hoàn toàn (Ảnh: BVCR)

Cai lọc máu từ 1 tuần nay

Bệnh nhân 91 (BN) đã hồi phục thần kỳ, hoàn toàn tỉnh táo trở lại, đã có thể thực hiện nhiều y lệnh, cười và giao tiếp với các BS và nhân viên y tế tại Khoa Hồi sức cấp cứu (HSCC) BV Chợ Rẫy.

“Hiện tại, về mặt tri giác, bệnh nhân đã tỉnh táo hoàn toàn, có thể tiếp xúc, thực hiện được đầy đủ các y lệnh của nhân viên y tế. Bệnh nhân cũng có thể mỉm cười, gật đầu, lắc đầu, bắt tay với nhân viên y tế” – BS Trần Thanh Linh, Phó trưởng khoa HSCC BV Chợ Rẫy cho biết.

“Sức cơ của tay và chân của bệnh nhân cũng đã cải thiện, như sức cơ của chi trên từ 1/5 lên 3/5, sức cơ của chân cũng đã cải thiện từ 1/5 lên 2/5. Phản xạ ho sặc cũng đã tốt hơn. Chức năng hô hấp của bệnh nhân cũng cải thiện dần, oxy máu cũng đã ổn định” – BS CKII Trần Thanh Linh cho hay.

Các thông tin từ BS Trần Thanh Linh và ekip điều trị vô cùng khả quan cho bệnh nhân 91, phi công người Anh: “Về mức độ nhiễm trùng, các thông số về nhiễm trùng như bạch cầu, CRP, Procalcitonin đã dần dần trở về mức gần bình thường. Chức năng thận của BN sau một tuần điều trị đã không cần phải lọc máu nữa và các chỉ số gần như ở mức bình thường” – BS Linh nói.

Về chức năng gan của bệnh nhân 91 đến hiện tại cũng cải thiệt rất tốt và gần như trở lại bình thường. “Các kết quả cấy gần nhất về vi trùng Burkhoderia cepacia dù vẫn còn có vi trùng ở trong đàm nhưng số lượng vi trùng cũng giảm” – BS Linh cho biết.

Video cận cảnh các bác sĩ chăm sóc bệnh nhân 91. Ngày 2/6, phi công người Anh có thể cầm ly nước uống, cười với các bác sĩ 

Sắp cai ECMO, phổi trái và phải đều được cải thiện

BS Trần Thanh Linh cho biết bệnh nhân 91 đang được tập cai máy thở, và diễn tiến vô cùng khả quan.

“Trong 2 ngày qua, các thông số của ECMO được giảm dần và đến chiều ngày 01/06 đã cai các thông số ECMO. Tuy nhiên, dù oxy máu BN cải thiện khá tốt đạt tiêu chuẩn của việc cai ECMO nhưng nồng độ khí CO2 trong máu vẫn còn cao, vì vậy để đánh giá bệnh  nhân có cai được ECMO hay không thì cần phải tiến hành từng bước nên có thể trong thời gian tới, nếu diễn tiến của bệnh nhân gặp nhiều thuận lợi thì cũng cần ít nhất vài ngày nữa mới có thể tiến hành cai ECMO. Ở thời điểm hiện tại, việc cai ECMO chỉ được tiến hành từng bước, từng bước và tập luyện dần để có thể sớm thực hiện cho bệnh nhân” – BS Linh nói.

BS Trần Thanh Linh phân tích chi tiết: “Về hình ảnh tổn thương phổi trên XQ, nếu hình ảnh trên phim Xquang phổi của BN ngày 25/5 là xơ hết cả 2 bên phổi, tất cả đông đặc, đặc biệt là tình trạng yếu liệt của cơ hoành, nên BN gần như lệ thuộc hoàn toàn vào ECMO thì kết quả trên Xquang phổi của ngày 2/6 cho thấy hình ảnh của xơ phổi cũng như tổn thương đông đặc phổi ở bên trái đã khá hơn rất nhiều, hơn ½ của phổi bên trái đã cải thiện gần như hoàn toàn.

Tình trạng yếu liệt cơ hoành so với trước đó cũng đã cải thiện hơn, không còn đẩy cơ hoành lên cao nữa. Đặc biệt, phổi phải cũng bắt đầu có cải thiện về mặt chức năng hô hấp. Do đó, đây cũng là thời điểm thích hợp để có thể từng bước giảm dần các thông số của ECMO và tiến  đến cai ECMO cho bệnh nhân”.       

Bệnh nhân 91 có thể cười, bắt tay bác sĩ
Bệnh nhân 91 được các bác sĩ Khoa HSCC chăm sóc 

“Trong những ngày tới, đánh giá để có thể cai ECMO sớm nhất sẽ được ưu tiên hàng đầu để hạn chế những nguy cơ cũng như các biến chứng do phải duy trì việc sử dụng ECMO kéo dài” – BS Linh cho hay.

Bệnh nhân 91 cũng sẽ tiếp tục được sử dụng kháng sinh điều trị nhiễm trùng của vi khuẩn Burkholderia Cepacia và phòng ngừa những nguy cơ có thể nhiễm khuẩn mới.

Song song đó, bệnh nhân sẽ tiếp tục được tập vật lý trị liệu tích cực để sớm phục hồi cải thiện về sức cơ cũng như chức năng hô hấp; dinh dưỡng cũng phải đảm bảo để đáp ứng đầy đủ nhu cầu dinh dưỡng cho BN trong giai đoạn hồi phục. Đồng thời cân bằng đầy đủ rối loạn nước điện giải để tránh nguy cơ tổn thương thận có thể tái phát trở lại.

“Dù mục tiêu đầu tiên là phải làm sao cai được ECMO cho bệnh nhân nhưng đối với những trường hợp tổn thương phổi đặc thù nhiễm virus SARS-CoV-2 này, tổn thương xơ phổi đặc biệt là giai đoạn này xơ hóa phổi thường nặng. Do đó, dù có thể cai được ECMO, nhưng bệnh nhân vẫn có thể phải phụ thuộc rất lâu với việc thở máy. Sau đó, việc cai máy thở cũng là vấn đề khó khăn, có thể cần thời gian một tháng hoặc nhiều hơn nữa. Vì vậy, dù bệnh nhân có nhiều cải thiện nhưng vẫn còn nặng và cần rất nhiều thời gian để tiếp tục điều trị cho bệnh nhân này” – BS Linh đánh giá.  

Bệnh nhân 91, phi công người Anh đã có thể cầm ly nước uống, cười với các bác sĩ
Bệnh nhân 91, phi công người Anh đã có thể cầm ly nước uống, cười với các bác sĩ (Ảnh: BVCR)