Tuổi càng lớn tỷ lệ mắc bệnh càng cao
Theo BS. Dũng, suy tĩnh mạch chi dưới mạn tính là bệnh lý không mới. Trước đây, các kỹ thuật phương pháp chẩn đoán điều trị chưa được phổ cập nên số lượng bệnh nhân tiếp cận với phương pháp điều trị mới còn hạn chế.
Trong cộng đồng, có khoảng 20-40% người trưởng thành mắc suy tĩnh mạch chi dưới mạn tính ở các mức độ bệnh khác nhau. Bệnh gặp nhiều hơn ở phụ nữ với tỉ lệ nữ/nam ~ 3/1. Tuổi càng lớn, tỷ lệ mắc bệnh càng cao. Những phụ nữ mang thai, sinh đẻ nhiều lần; người thường xuyên phải đứng lâu, ngồi lâu kéo dài; làm việc trong môi trường có nhiệt độ cao, béo phì, lười vận động, ăn ít chất xơ… là những đối tượng dễ có nguy cơ mắc suy giãn tĩnh mạch. Nếu trong gia đình có bố mẹ mắc suy giãn tĩnh mạch chi dưới thì nguy cơ con sinh ra mắc bệnh cao hơn so với những người có bố mẹ không mắc.
ThS. BS. Bùi Văn Dũng – Trưởng Khoa Thăm dò chức năng, Bệnh viện Lão khoa Trung ương (Ảnh: Minh Thúy)
|
Thực tế, nhiều bệnh nhân tới bệnh viện để thăm khám chỉ vì vấn đề thẩm mỹ vì thấy xuất hiện trên da chân những mạch máu giãn khiến họ thấy tự ti, có những bệnh nhân đến khám vì thường xuyên thấy đau tức chân, năng chân, chuột rút, thậm chí có bệnh nhân bị lở loét chân đã khám bệnh và điều trị ở nhiều nơi khác nhau nhưng bệnh tình không thuyên giảm.
Điển hình là bệnh nhân V.T.T., 40 tuổi, sống ở Hải Hậu, Nam Định, Thấy bị giãn tĩnh mạch ở chân đã 17 năm từ thời sinh đẻ. Vài năm gần đây mạch máu giãn nhiều và rõ hơn kèm đau tức nặng chân ngày càng tăng. Chị T. cho biết, trước đó chị đã đi khám, được điều trị bôi thuốc, uống thuốc, nhưng bệnh tình chỉ thuyên giảm ít trong giai đoạn đầu, sau đó lại khó chịu ngày càng tăng nên đã tới Bệnh viện Lão khoa Trung ương để khám.
Do tính chất công việc là bán hàng nên chị thường xuyên phải đứng nhiều, chân không được nghỉ ngơi. Sau khi được điều trị bằng phương pháp hiện đại tại Bệnh viện, chị T. đã khỏi bệnh được 90%, chân không còn đau, tê bì, không còn cảm thấy khó chịu.
Bệnh nhân T. đã bị suy giãn tĩnh mạch 17 năm (áo đen, quần sọc) tới Bệnh viện Lão khoa để tái khám (Ảnh: Minh Thúy)
|
Với trường hợp bệnh nhân T., BS. Dũng chia sẻ, bệnh suy giãn tĩnh mạch đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng cuộc sống của người bệnh. Sau khi khám và siêu âm doppler tĩnh mạch chi dưới, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị suy tĩnh mạch rõ với kích thước tĩnh mạch tăng nhiều kèm dòng trào ngược bệnh lý kéo dài. Tĩnh mạch đã không còn nguyên vẹn, không còn duy trì đảm bảo được chức năng của nó nữa nên bệnh nhân đã được điều trị can thiệp loại bỏ tĩnh mạch này bằng phương pháp Laser nội tĩnh mạch. Đến nay, bệnh nhân đã ổn định, các triệu chứng bệnh hầu như không còn.
Cũng tới bệnh viện để khám bệnh, bệnh nhân nữ 27 tuổi, làm kế toán, thường xuyên ngồi nhiều, ít đi lại, không tập thể dục được chẩn đoán mắc suy giãn tĩnh mạch. Bệnh nhân này cho biết, chị chưa nghe về bệnh suy giãn tĩnh mạch bao giờ, do thường xuyên đau, nhức mỏi chân, luôn cảm thấy tê buồn chân tay nên mới quyết định tới Bệnh viện Lão khoa để khám bệnh. Khi đến khám, chân bệnh nhân đã nổi gân xanh và được các bác sĩ thăm khám, lựa chọn phương pháp điều trị hiệu quả.
Người bệnh thoát đau đớn nhờ công nghệ kỹ thuật hiện đại
Bệnh viện Lão khoa Trung ương là một trong những đơn vị công đầu tiên trên cả nước ứng dụng và triển khai các phương pháp điều trị bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới mạn tính như: Tiêm xơ, Laser, Sóng cao tần, và mới đây nhất là điều trị bằng keo sinh học. Có được điều này là do có những người thầy, những Giáo sư đầu ngành, những thầy thuốc có kinh nghiệm tại Bệnh viện đã đặt nền tảng cho việc nghiên cứu các vấn đề liên quan tới bệnh lý suy giãn tĩnh mạch, đồng thời, cử các bác sĩ sớm đi học tập ở các nước tiên tiến về các phương pháp điều trị hiện đại về bệnh.
BS. Dũng cho hay, tùy từng giai đoạn, mức độ mắc bệnh khác nhau mà bệnh nhân sẽ được lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp. Có những bệnh nhân chỉ cần điều trị bằng phương pháp nội khoa (thay đổi thói quen sinh hoạt, ăn uống khoa học, tích cực vận động, ăn đủ chất xơ, uống đủ nước, chống táo bón, tránh tăng áp lực cho tĩnh mạch, duy trì cân nặng ổn định, không để béo phì…). Trong trường hợp các phương pháp điều trị nội khoa không còn hiệu quả thì bệnh nhân phải kết hợp phương pháp tất y khoa, băng chun giúp ép tĩnh mạch, cải thiện các triệu chứng. Tuy nhiên, đây chỉ là những phương pháp bảo tồn và chỉ có hiệu quả rõ trong những giai đoạn nhẹ của bệnh.
Khi bệnh nhân không thể đáp ứng những phương pháp điều trị trên thì bác sĩ sẽ phải can thiệp xâm lấn. Trước đây, khi chưa có công nghệ, kỹ thuật hiện đại, phương pháp điều trị ngoại khoa được ưu tiên hàng đầu (gây mê, gây tê tủy sống rồi phẫu thuật để loại bỏ và đưa tĩnh mạch ra ngoài – đây là phương pháp xâm lấn nhiều, gây mất máu nhiều, để lại sẹo, có thể có những biến chứng do gây mê, gây tê, gây tụ máu, gây dị cảm do làm tổn thương dây thần kinh lân cận trong quá trình phẫu thuật, bệnh nhân phải nằm viện lâu và phục hồi chậm, và cũng có tỷ lệ tái phát nhất định).
Bác sĩ khám bệnh cho bệnh nhân suy giãn tĩnh mạch (Ảnh: Minh Thúy)
|
Nhằm giúp bệnh nhân suy tĩnh mạch chi dưới mạn tính được điều trị hiệu quả, từ năm 2009, Bệnh viện Lão khoa Trung ương đã bắt đầu triển khai công nghệ, kỹ thuật hiện đại – đốt laser tĩnh mạch, Tiêm xơ, sau đó là Sóng cao tần, keo sinh học.
Laser/Sóng cao tần là phương pháp xâm lấn ít, đường vào chỉ là một kim chọc. Sau đó, bác sĩ sẽ dùng sợi đốt laser/sóng cao tần để luồn vào tĩnh mạch cần điều trị. Sóng năng lượng do tia laser/sóng cao tần phát ra sẽ làm tĩnh mạch xơ tắc teo nhỏ dần rồi biến mất. Phương pháp này chỉ cần gây tê tại chỗ, giảm tối đa thời gian điều trị so với phương pháp điều trị ngoại khoa trước kia.
Thay vì mổ ngoại khoa có thể kéo dài từ 2-4 tiếng, thì can thiệp laser/sóng cao tần thời gian chỉ kéo dài trong 30 phút, nếu người bệnh thuận lợi thì chỉ 20 phút là đã được điều trị xong. Sau can thiệp bệnh nhân có thể tự đi lại, sinh hoạt bình thường và chỉ cần ở lại bệnh viện theo dõi khoảng 3,4 tiếng là có thể ra viện và tái khám định kỳ.
Chi phí của 1 ca điều trị bằng tia laser/sóng cao tần phụ thuộc vào loại sợi đốt được sử dụng, dao động khoảng hơn 10 triệu. Đặc biệt có những loại sợi đốt chất lượng tốt có thể hơn 20 triệu. Ngoài ra, còn phụ thuộc vào bệnh nhân có bao nhiêu tĩnh mạch bị suy và phải điều trị bao nhiêu lần (mỗi tĩnh mạch chỉ điều trị 1 lần. trong một lần có thể điều trị 1 hoặc nhiều tĩnh mạch tùy thể trạng bệnh nhân, loại sợi đốt…).
Suy giãn tĩnh mạch thường tiến triển âm thầm, nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị đúng phương pháp thì bệnh có thể gây ra những biến chứng khó lường. Bệnh nhân sẽ thường xuyên thấy khó chịu, tức nặng chân, chuột rút, bị lở loét chân, thuyên tắc phổi có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Với những bệnh nhân chưa có hiểu biết về suy giãn tĩnh mạch thì thường tới bệnh viện khám muộn trong tình trạng chân sưng phù, lở loét, da bị thay đổi sắc tố,… Về mặt lâm sàng, bệnh suy giãn tĩnh mạch có những dấu hiệu ban đầu như bề mặt da xuất hiện mạch máu giãn theo nhiều mức độ (ở mức độ nhẹ là những mạch máu nhỏ li ti như sợi tóc – giãn mao mạch, tĩnh mạch dạng lưới, nặng hơn người bệnh bị giãn tĩnh mạch to, nổi gồ trên da tạo thành những búi giãn. Nặng hơn nữa, da của bệnh nhân bị thâm, lở loét). Bệnh suy giãn tĩnh mạch còn có yếu tố nguy cơ liên quan tới nhiệt độ môi trường. Khi nhiệt độ tăng cao, những người thường xuyên làm việc trong môi trường này sẽ bị bệnh nặng hơn so với những người bình thường. Thời tiết nắng nóng đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới những bệnh nhân bị suy giãn tĩnh mạch. Điều này khiến số lượng bệnh nhân nhập viện để điều trị gia tăng. |