Trao đổi với VietTimes, bác sĩ Trần Hùng – Khoa Hồi sức tim mạch Bệnh viện (BV) quận Thủ Đức, TP.HCM - cho biết, suy giãn tĩnh mạch là bệnh lý thuộc nhóm bệnh nghề nghiệp, thường gặp ở người làm các công việc phải đứng quá lâu, môi trường văn phòng, bán hàng. Khi đứng quá lâu, máu sẽ bị ứ lại và chảy ngược từ tĩnh mạch về tim, gây áp lực và làm suy van tim.
Trên thế giới, hiện có khoảng 10 - 61% người mắc bệnh suy giãn tĩnh mạch, thường gặp ở độ tuổi từ trung niên, đặc biệt là nữ giới.
Tại Việt Nam, người mắc bệnh suy giãn tĩnh mạch thường không quan tâm đến việc điều trị, dẫn đến tình trạng bệnh mỗi ngày thêm trầm trọng.
Bệnh suy giãn tĩnh mạch nguy hiểm nhưng chưa được quan tâm đúng mức. Ảnh: Healthline
|
Hệ thống tĩnh mạch của cơ thể gồm: Hệ tĩnh mạch nông và hệ tĩnh mạch sâu. Nối giữa hai hệ tĩnh mạch này là hệ tĩnh mạch xuyên.
Triệu chứng ban đầu của suy tĩnh mạch là các tĩnh mạch nằm dưới da bị nổi lên (suy tĩnh mạch nông), chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ.
Tuy nhiên, nếu tiếp tục suy tĩnh mạch nông trong một thời gian dài, có thể các tĩnh mạch xuyên sẽ bị suy và dẫn đến suy tĩnh mạch sâu. Lúc này, người bệnh sẽ có cảm giác bị nặng ở bắp chân, đi lại thấy nặng nề hơn, chân thường bị tê cứng.
Bệnh suy tĩnh mạch có 6 giai đoạn. Ở các giai đoạn nhẹ, suy tĩnh mạch có thể khiến chân bị phù. Ở giai đoạn nặng hơn, màu da sẽ chuyển từ màu trắng sang nâu, sạm đen và nặng nhất là loét, hoại tử da thịt, thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch.
Bệnh suy tĩnh mạch có 6 giai đoạn. Ảnh: Jobst
|
Theo bác sĩ Trần Hùng, việc điều trị bệnh suy tĩnh mạch từ giai đoạn 3 rất khó khăn. Do đó, ngay khi phát hiện các dấu hiệu bị suy tĩnh mạch, bệnh nhân cần phải điều trị ngay. Nếu để lâu, bệnh sẽ nặng hơn, chi phí điều trị rất cao và khó có thể chữa lành.
Hiện nay, có nhiều phương pháp điều trị suy tĩnh mạch ở những giai đoạn đầu rất hiệu quả như mang vớ chuyên biệt, áp dụng một số bài tập vật lý trị liệu, thực hiện liệu pháp laser,... Các phương pháp này đều mang lại hiệu quả cao, vừa đảm bảo thẩm mỹ vừa an toàn cho sức khỏe và không để lại biến chứng.
Đối với các trường hợp mắc suy giãn tĩnh mạch từ giai đoạn 3 trở lên, người bệnh cần tuân thủ nghiêm ngặt các hướng dẫn của bác sĩ như uống thuốc chống đông, tuân thủ chế độ ăn uống hợp lý, mang tất y khoa,... và tham gia vào các hoạt động thể dục thể thao phù hợp.
Bên cạnh các phương pháp trên, việc thay đổi thói quen sinh hoạt và công việc hàng ngày đóng vai trò rất quan trọng trong việc điều trị bệnh suy giãn tĩnh mạch.
Bác sĩ Trần Hùng khuyên bệnh nhân suy giãn tĩnh mạch cũng như người dân nói chung nên tránh đứng, ngồi quá lâu. Khi đi máy bay đường dài hay làm việc trong môi trường văn phòng, ta nên thường xuyên gấp duỗi chân cho máu lưu thông.