Thông tin mới đây tại nhà đấu giá Drouot (Pháp) đang đưa lên sàn đấu online một số bức tranh của các danh họa Việt Nam, trong đó có họa sĩ Bùi Xuân Phái và họa sĩ Nguyễn Tiến Chung khiến gia đình bức xúc lên tiếng.
“Bức tranh ở lot 99 được gắn tên họa sĩ Nguyễn Tiến Chung, với giá bán khởi điểm từ 6.000 – 8.000 euro là tranh giả” – Họa sĩ Nguyễn Thế Vinh, con trai họa sĩ Nguyễn Tiến Chung khẳng định trong cuộc trả lời phỏng vấn của VietTimes.
“Bức tranh thật có tên là "Được mùa". Chứng cứ cao nhất là hiện nay bức tranh "Được mùa" của họa sĩ Nguyễn Tiến Chung đang được nhà sưu tập Danh Anh lưu giữ tại phố Hàng Gai, Hà Nội. Tôi theo rất sát hành trình của bức tranh này. Hồi đầu bố tôi vẽ xong thì nhà sưu tập Đức Minh mua về lưu giữ, sau đó nó về tay nhà sưu tập Danh Anh và hiện đang được bảo quản ở phố Hàng Gai cho đến tận bây giờ” – Họa sĩ Nguyễn Thế Vinh kể.
Con trai của họa sĩ Nguyễn Tiến Chung cho biết thêm rằng anh đang lưu giữ rất nhiều tư liệu, các phác thảo từng nhân vật mà bố anh đã vẽ trong thời gian tiến hành làm bức “Được mùa”.
Tranh giả được ghi tên họa sĩ Nguyễn Tiến Chung để bán ra thị trường kiếm lời (Ảnh: Drouot)
|
“Không phải cứ ngồi vào vẽ một cái là ra ngay thành phẩm một bức tranh. Ông cụ làm cẩn thận lắm. Cụ phác thảo từng nhân vật một, từng dáng nét đều được cụ lựa chọn rất kỹ. Tôi gắn bó với việc vẽ của bố từ hồi còn nhỏ xíu, sau này thì theo nghề, nhìn bức tranh ngô nghê đến thế mà người ta gắn tên bố tôi vào để bán, thật buồn hết sức” – Họa sĩ Nguyễn Thế Vinh chia sẻ.
Nhiều họa sĩ, nhà nghiên cứu mỹ thuật cũng lên tiếng cho rằng các bức tranh của hai họa sĩ Bùi Xuân Phái và Nguyễn Tiến Chung đang được rao bán trên sàn đấu giá online Drouot (Pháp) là “bôi bác”, cố tình kiếm lời bất chấp đã chà đạp lên giá trị văn hóa và tinh hoa dân tộc Việt Nam.
Có người đùa trong cay đắng: “Không hiểu năm nay 2020 cụ Bùi Xuân Phái có vẽ nhiều hơn năm ngoái 2019?”
Nhiều họa sĩ thắc mắc không hiểu hội đồng nghệ thuật của các sàn đấu giá lớn trên thế giới đã được tổ chức như thế nào mà liên tục vướng lùm xùm tranh giả, tranh nhái, tranh mạo danh.
Họa sĩ Nguyễn Tiến Chung (1914-1976), thuộc thế hệ họa sĩ mỹ thuật Đông Dương, tốt nghiệp khóa XI từ năm 1936 đến 1941. Ông là Ủy viên Ban chấp hành Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội năm 1954, giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam từ năm 1955 đến năm 1964, Ủy viên Ban chấp hành Hội Mĩ thuật Việt Nam khóa I từ năm 1957 đến năm 1968, Ủy viên Hội đồng nghệ thuật Hội Mĩ thuật Hà Nội từ năm 1966 - 1976. Nguyễn Tiến Chung thường sáng tác về đề tài lao động sản xuất của người nông dân, cuộc sống nông thôn, tranh thiếu nữ, bộ đội, công nhân Việt Nam, nổi bật với các tranh lụa, tranh khắc gỗ màu mang đậm hồn quê Việt Nam. Các bức tranh của ông mang đậm phong cách, bản sắc Á Đông, một số tác phẩm từ rất sớm đã hình thành ý niệm về một nền nghệ thuật dân tộc, có ảnh hưởng lớn trong giới mỹ thuật Việt Nam thời kỳ trước năm 1975. Ông mất năm 1976. Năm 2000, Nhà nước truy tặng họa sĩ Nguyễn Tiến Chung giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. |