Đầu tư nghệ thuật thời 4.0 cần tham khảo kỹ
Phiên đấu giá “Modern & Contemporary Southeast Asian Art” trên sàn đấu giá Sotheby’s Hong Kong đã diễn ra ngày 6/10 với tổng số tiền bán ra toàn phiên lên đến 49,640,000 HDK.
Bức tranh sơn mài “Dân quê Việt” bị họa sĩ Nguyễn Thị Hiền phân tích cặn kẽ với nhiều luận chứng cho rằng đã được làm giả rồi gắn tên danh họa Nguyễn Sáng đã không giao dịch thành công.
Trước đó, tối 5/10, tác phẩm sơn mài “Tranh phong cảnh” đề tên danh họa Nguyễn Gia Trí có mức giá đề xuất cao ngất ngưởng, từ 1.200.000 đến 1.800.000 HKD (tương đương 152.940 đến 229.410 USD) như nhà nghiên cứu Phạm Long phân tích là “trình độ thợ học việc” cũng đã giao dịch không thành công.
Riêng bức “Mẫu tử” của Lê Phổ, dù đã được các họa sĩ Thành Chương, Nguyễn Đình Đăng và nhà nghiên cứu Phạm Long chỉ rõ chi tiết bàn tay em bé có hai ngón cái sai về giải phẫu học nhưng vẫn bán ra trót lọt, với giá 35,049 USD.
Hai bức tranh “Phong cảnh Huế” và “Chùa Một cột” của họa sĩ Nam Sơn mà gia đình, ở đây đại diện là nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi, lên tiếng tố giác nghi là giả, hơn nữa người sao chép đã cố tình đảo ngược trật tự của tranh; có thể do phát hiện muộn, chỉ một ngày ngay trước thềm phiên đấu, cho nên rất đáng tiếc là sau cùng cả hai bức đều đã bán ra thành công.
Tuy nhiên, mức giá 23.897 USD cho bức “Phong cảnh Huế” và 12,745 USD cho bức “Chùa Một cột” đều chỉ là mức giá bình thường, không gây ấn tượng gì.
Bức “A wooden Cabinet with Lacquered doors” của Phạm Hậu được bán ra ở lot 242 với giá 238,969 USD
|
Lật lại sự việc sau khi báo chí trong nước lên tiếng ồn ào về hai bức “Lá thư” đề tên Tô Ngọc Vân và bức “Hai cô gái” đề tên Trần Văn Cẩn lẽ ra cũng xuất hiện trong phiên đấu ngày 5 và 6/10, Sotheby’s đã hạ hai bức tranh này xuống khỏi trang online. Kết quả đấu giá toàn phiên cũng không còn nhắc đến hai bức tranh bị nghi là giả này.
Như vậy, sau khi kết thúc hai phiên đấu giá ngày 5 và 6/10, trong số 7 bức tranh bị các họa sĩ và nhà nghiên cứu tố giác nghi án tranh giả, có 3 bức được bán ra, 2 bức đã phải hạ xuống, và 2 bức lên sàn nhưng không giao dịch được.
“Chắc là người mua những bức tranh bị đặt nghi vấn vẫn còn hy vọng vào việc phân định thật giả, cũng có thể vì đơn giản là họ thích, và còn có thể tiếp tục bán lại trong những lần đấu giá khác. Tuy nhiên, tỷ lệ tranh không giao dịch được sau khi bị tố giác như vậy đã là một tín hiệu đáng mừng. Điều đó cho thấy các nhà đầu tư đã thận trọng hơn. Và thị trường mỹ thuật có những tín hiệu dần trở nên minh bạch” – Nhà nghiên cứu Phạm Long nhận định.
Bức tranh Việt cao giá nhất phiên đấu ngày 6/10 là “Les enfants au bain” của danh họa Mai Trung Thứ bán ra với giá gõ búa 286,763 USD
|
“Rừng” tranh danh họa
Bức tranh Việt cao giá nhất phiên đấu ngày 6/10 là “Les enfants au bain” của danh họa Mai Trung Thứ bán ra với giá 286,763 USD.
Bức “A wooden Cabinet with Lacquered doors” của Phạm Hậu được bán ra với giá 238,969 USD.
Cũng trong phiên đấu này, còn bán ra thành công các bức khác của Phạm Hậu như “Poissons” (GoldFish) giá 76,470 USD; “Palace in a Landscape” giá 44,608 USD; “Aquarium scene with GoldFish of Abundance” giá “khủng” lên tới 175,244 USD.
Rất nhiều tranh Việt đã bán ra thành công trong hai phiên đấu này. Tranh Mai Trung Thứ bán bức “La Priere” giá 47,794 USD; tranh Nguyễn Tư Nghiêm với bức “Dogs” giá 9,559 USD; bức “Performers” (Nguyễn Tư Nghiêm) giá 6,373 USD; tranh Bùi Xuân Phái bức “New pig year wishes” giá 5,576 USD, bức “Still Life” giá 6,373 USD và bộ 3 tranh giá 8,762 USD; bức tranh của Nguyễn Sáng “Faces” giá 6,054 USD; bức “In the garden” đề tên Nguyễn Gia Trí giá 10.355 USD…
Phiên đấu còn bán ra các tranh của Vũ Cao Đàm, bức “Girl picking Flowers” giá 14,338 USD, bức “Maternity” giá 31,863 USD, bức “Idylle” giá 66,911 USD…
Bức “Aquarium scene with GoldFish of Abundance” của Phạm Hậu giá “khủng” lên tới 175,244 USD
|
“Poissons” (GoldFish) của Phạm Hậu giá 76,470 USD
|
Riêng danh họa Lê Phổ có cả “rừng” tác phẩm xuất hiện, bán ào ào, cho nên sự thực là rất khó xác định tranh thật, tranh giả, và vì thế không lạ là bức “Mẫu tử” vẫn có người hào hứng mua về.
Bức “Le Voile jaune” đề tên Lê Phổ đã bán tới mức giá 135,416 USD, bức “Les Baigneuses” (The Bathers) cũng có giá lên tới 135,416 USD.
Bức “Nature morte” đề tên Lê Phổ bán ra với giá gõ búa lên tới 103,553 USD; bức “La Tendresse” giá 30,269 USD; bức “Tulipes rouges” (Red Tulips) giá 28,676 USD; tranh “Nude” của Lê Phổ bán ra với giá 30,269 USD; “Les Tulipes Jaunes” (Yellow Tulips) giá 41,421 USD; "Mother and child on a balcony” giá 47,794 USD; bức “Le Printemps” giá 71,691 USD; bức “La mere et les deux enfants” có giá 63.725 USD; bức “Fleurs” (Flowers) bán ra với giá 50,980 USD; bức “Fleurs” (Flowers) bán ra với giá 55,759 USD.
Bức “Le Voile jaune” đề tên Lê Phổ đã bán tới mức giá 135,416 USD
|
Bức “Les Baigneuses” (The Bathers) đề tên Lê Phổ cũng có giá gõ búa lên tới 135,416 USD
|
Trao đổi với VietTimes, nhà nghiên cứu mỹ thuật Phạm Long khẳng định cho dù nhìn vào "rừng" tranh danh họa đó khó mà khẳng định thật giả nhưng việc khó bán ra các bức tranh nghi là giả danh họa như đã đề cập, chứng tỏ những thông tin cảnh báo đã đến được các nhà sưu tập, nhà đầu tư, nhà môi giới.
“Họ đã cân nhắc thận trọng và suy xét ngày càng nghiêm túc khi đầu tư. Đồng thời, tôi vẫn luôn tin rằng phía Sotheby’s sẽ cân nhắc và tìm giải pháp chuyên môn cho các phiên đấu sau ngày càng tốt hơn. Một sàn đấu giá nghệ thuật đã tồn tại đến mấy trăm năm như Sotheby’s sẽ không dễ hy sinh danh tiếng chỉ vì lợi nhuận” - Nhà nghiên cứu mỹ thuật Phạm Long nhận định.