Nữ điều dưỡng Phòng khám ngoại trú HIV ở Bệnh viện Bạch Mai:

“Có những ngày tôi không ăn, không thở được”

VietTimes -- Trong ngày được công bố khỏi bệnh, nữ điều dưỡng mắc COVID-19 làm việc tại Phòng khám ngoại trú HIV, Bệnh viện Bạch Mai, nhớ lại: “Có những ngày tôi không ăn, không thở được”.
Nữ điều dưỡng Phòng khám ngoại trú HIV ở Bệnh viện Bạch Mai tâm sự trong ngày được công bố khỏi bệnh. Ảnh: Minh Thúy
Nữ điều dưỡng Phòng khám ngoại trú HIV ở Bệnh viện Bạch Mai tâm sự trong ngày được công bố khỏi bệnh. Ảnh: Minh Thúy

Chia sẻ với PV VietTimes, chị H. (bệnh nhân 86 mắc COVID-19) xúc động nói: “Ngày hôm nay khi được công bố khỏi bệnh tôi thực sự biết ơn các bác sĩ tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 đã tận tình chạy chữa giúp tôi vượt qua căn bệnh nguy hiểm chưa có thuốc điều trị đặc hiệu này. Sau khi khỏi bệnh hoàn toàn, tôi mong muốn được trở lại Bệnh viện Bạch Mai để tiếp tục làm việc cùng các đồng nghiệp đang ngày đêm chăm sóc cho bệnh nhân.”

Mặc dù được các bác sĩ chăm sóc vô cùng đầy đủ, chu đáo, nhưng chị H. vẫn nhớ gia đình và mọi người. Khi biết tin một đồng nghiệp nhiễm virus SARS-CoV-2 và các bác sĩ tại Bệnh viện Bạch Mai cách ly, chị H. vô cùng lo lắng. May mắn thay, đến nay 158 bác sĩ tại Bệnh viện Bạch Mai đã hết cách ly và được về nhà.

Nữ điều dưỡng mắc COVID-19 ở Bệnh viện Bạch Mai tâm sự trong ngày được công bố khỏi bệnh. Video: Minh Thúy 

Khi còn ở Viện Tim mạch thuộc Bệnh viện Bạch Mai (C4), chị H. không hề có biểu hiện hoặc triệu chứng của bệnh viêm đường hô hấp cấp. Trước đó, chị H. bị huyết áp cao nên chỉ thấy mệt mỏi. Đến ngày thứ 2 điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, chị H. bắt đầu có dấu hiệu sốt 37 độ C, 5-6 ngày sau đêm nào chị cũng sốt cao 38 độ C, xuất hiện triệu chứng khó thở.

“Trong thời gian điều trị tại Bệnh viện, có những ngày tôi không ăn, không thở được. Cùng phòng tôi có một bệnh nhân mắc COVID-19 người nước ngoài trở nặng, các bác sĩ phải đặt ống thở. Lúc đó, tôi cảm thấy rất sợ bởi vì khi đặt ống sẽ kéo theo nhiều vấn đề.

Nhưng nhờ sự động viên của các bác sĩ, tôi vẫn cố gắng trở dậy để ăn 1 cốc cháo, cố gắng tăng cường sức khỏe, có sức để thở. Tôi được điều trị ở phòng cấp cứu từ ngày 19/3 đến ngày 3/4 mới được chuyển lên Khoa Nội tổng hợp để các bác sĩ tiếp tục theo dõi.” – Chị H. nói.

Tuy không phải dùng đến máy thở trong quá trình điều trị, nhưng đến tận ngày hôm nay khi được công bố khỏi bệnh, có xét nghiệm 3-4 lần âm tính với virus SARS-CoV-2 chị H. vẫn cảm thấy hơi khó thở.