"Những clip phản cảm đội lốt các nhân vật hoạt hình như Elsa, Spiderman chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến cộng đồng người làm nội dung YouTube tại Việt Nam", anh Kim Phi Long - Đại sứ YouTube tại Việt Nam - chia sẻ.
Những video Elsa, Spiderman phản cảm nổi lên gần đây khiến cộng đồng nổi giận. Bộ Thông tin - Truyền thông cũng đã vào cuộc xử phạt những người sản xuất nội dung trên.
Bên cạnh hậu quả tác động đến người xem, đặc biệt là đối tượng trẻ em, những clip này còn khiến cộng đồng làm nội dung Việt Nam vốn đã khó khăn sẽ càng gặp nhiều thử thách.
"Nếu clip phản cảm rộ lên nhiều, YouTube sẽ thắt chặt hơn những creators (người làm nội dung) tới từ Việt Nam", anh Kim Phi Long cho biết.
Đơn vị quản lý kênh phải có trách nhiệm
Cũng theo anh Long, các đơn vị quản lý kênh YouTube (MCN - Multi-channel Network) như Yeah1 cần có trách nhiệm với những kênh nằm trong hệ thống của mình.
"Khi các kênh đã tham gia network thì network sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm về kênh đó với pháp luật", anh Long nhận định.
Để làm được điều đó, mỗi network được cung cấp công cụ rất mạnh để quản lý nội dung, bản quyền - thứ người dùng phổ thông không được trang bị.
Tuy vậy, anh Long cho rằng điều này còn phụ thuộc vào hợp đồng giữa MCN với người làm nội dung.
Không chỉ người làm nội dung, các network cũng cần có trách nhiệm với kênh mình phụ trách. |
Mặt khác, nếu network "tiếp tay" cho một kênh không phù hợp, hoạt động và uy tín của network đó sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều.
Trong thông cáo báo chí của mình, Yeah1 Network - đơn vị quản lý các kênh YouTube chứa video phản cảm - cho biết đang "khuyên nhủ, tư vấn, cảnh báo..." các đơn vị làm nội dung.
Theo đó, vài kênh đã tự xóa, nhưng vẫn còn vài đối tác trong quá trình thuyết phục. Nếu họ vẫn không thay đổi, Yeah1 Network sẽ ngưng hợp tác và báo cáo sự việc với YouTube, thông cáo ghi rõ.
Yeah1 Network cũng cho biết họ không tham gia sản xuất hay cung cấp ekip sản xuất video phản cảm, cũng như không định hướng cho bất cứ một nhà sáng tạo nội dung trên YouTube nào làm ra những sản phẩm trái với thuần phong mỹ tục và văn hoá Việt Nam.
Tuy nhiên, Yeah1 Network chưa trả lời câu hỏi vì sao họ không phát hiện và ngăn chặn những clip không phù hợp với trẻ em trên trong suốt thời gian dài.
Người sản xuất nội dung giữa ngã ba đường
Theo anh Kim Phi Long, hiện nay, người sáng tạo nội dung ở Việt Nam bị bó buộc bởi rất nhiều nguyên tắc và việc phát triển sáng tạo kênh trên YouTube khá khó khăn, một phần lớn do nạn vi phạm và sao chép bản quyền trái phép.
Điều này dẫn đến việc người làm nội dung bị đứng giữa hai con đường. Các kênh nội dung không phù hợp, "bẩn", nhưng lại thu hút lượng xem và theo dõi lớn. Điều này khiến nhiều người sáng tạo chuyển sang phát triển kênh nội dung "bẩn" để kiếm lời.
Đó là một phần lý do có ngày càng nhiều kênh YouTube từ Việt Nam làm nội dung "Kids" nhưng mang yếu tố người lớn.
Ngoài ra, nạn "ăn cắp" nội dung của người khác, sau đó tải lại (reupload) lên kênh của mình để trục lợi cũng còn nhan nhản. Thậm chí, có rất nhiều khóa học làm giàu bằng YouTube thông qua việc tải lại các nội dung của người khác.
Không khó kiếm những trang chia sẻ cách lách bản quyền, reup nội dung YouTube để trục lợi. |
Song song, nhiều group tự phát về YouTube hoạt động mạnh, đa số đều thảo luận về cách lách luật để kiếm tiền từ YouTube. Nhiều người công khai khoe số tiền hàng chục nghìn USD từ YouTube mỗi tháng.
Hệ quả, nội dung do người sáng tạo ở Việt Nam làm còn ít, mà reupload lại thì rất nhiều. Từ đó, các doanh nghiệp cũng sẽ hạn chế đầu tư vào quảng cáo trên YouTube, khiến doanh thu của những người sáng tạo nội dung chân chính thu về rất ít so với số vốn lớn phải bỏ ra.
Việc cần làm hiện tại là giúp người xem cũng như người sáng tạo nội dung hiểu về các hành vi vi phạm pháp luật.
"Theo kinh nghiệm làm YouTube và giúp đỡ các creator, tôi thấy rằng đa số các bạn mắc lỗi do không biết rằng việc làm đó là sai. Sau khi hiểu rõ hơn về các sai phạm, đa số không ai còn cố tình vi phạm", anh Long chia sẻ.
Theo Zing