Đó là nhận định của ông Trần Việt Thái, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược ngoại giao, Học viện Ngoại giao, khi trao đổi về vụ việc Thổ Nhĩ Kỳ ngày 24/11 bắn hạ một báy bay thả bom và một máy bay cứu hộ của Nga mà Ankara cáo buộc vi phạm không phận của họ.
Ông Thái cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ dám làm việc này là vì có NATO chống lưng. Sự việc cũng cho thấy những bất đồng trong cách tiếp cận để giải quyết tình hình ở Syria. Khi Nga tấn công IS ở khu vực biên giới Syria giáp với Thổ Nhĩ Kỳ, các máy bay liên lục dội bom đã làm ảnh hưởng đến các lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ, cắt đứt nguồn dầu lửa giá rẻ mà IS bán chui cho họ.
Một nguyên nhân khác là do quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với một số lực lượng tại chỗ, vì trên thực tế Thổ Nhĩ Kỳ đang ủng hộ một số lực lượng du kích người Turk chống chính quyền của Tổng thống Syria Al Assad và chống Nga. Vì thế, khi Nga tấn công vào khu vực biên giới, Thổ Nhĩ Kỳ đã phản ứng, và đỉnh điểm là vụ bắn hạ máy bay.
Theo ông Thái, vụ việc cũng cho thấy cách tiếp cận khác nhau của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ với vấn đề Syria. Nga không muốn để lại bất kỳ khu vực nào cho IS và lực lượng chống chính quyền Assad và IS. Ngược lại, Thổ Nhĩ Kỳ muốn giữ một hành lang an toàn và không muốn Nga tấn công vào khu vực gần biên giới của họ.
Nhà phân tích này cho rằng vụ việc cho thấy chính sách hai mặt của Thổ Nhĩ Kỳ, khi nước này đang ngụy trang và có sự dung túng nhất định, đặc biệt là cho hoạt động buôn bán dầu mỏ trên thị trường đen. “Đằng sau cuộc chiến chống IS là những mục đích khác nhau và điều này cực kỳ nguy hiểm”, ông Thái nói.
Đánh giá về những diễn biến sắp tới ở khu vực sau sự vụ này, ông Thái cho rằng vụ việc lần này nghiêm trọng vì có tổn thất về người. Không chỉ chiếc máy bay đầu tiên bị bắn, một trong 3 chiếc trực thăng được cử đi cứu hộ cũng bị bắn rơi. Ông Thái cho rằng đây thực sự là cú sốc đối với Nga và ông Putin, đặc biệt sau khi chiếc máy bay dân sự A321 bị khủng bố bằng thuốc nổ vỡ tan tành hôm 31/10, khiến 224 người trên khoang thiệt mạng. Vì thế, ông Putin chắc chắn sẽ trả đũa.
Ở mức độ nhẹ, các bên sẽ kiềm chế, thỏa hiệp. Nhưng ông Thái cho rằng khả năng này khó xảy ra vì Nga phải chịu thiệt hại về người, khi một phi công nhảy dù khỏi máy bay đã bị bắn chết. Việc phi công bị bắn chết cho thấy có bàn tay của lực lượng phiến quân mà Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn.
Khả năng thứ hai là Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ cắt đứt quan hệ và các máy bay của Nga sẽ tấn công tất cả những lực lượng mà Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn. Khả năng thứ ba là Nga sẽ đưa bộ binh vào chiến đấu. Ông Thái cho rằng không thể loại trừ khả năng này, và điều đó nếu xảy ra sẽ khiến nguy cơ chiến tranh tăng lên đáng kể.
Tuy nhiên, theo ông Thái, vẫn cần quan sát thêm vì tình hình hiện nay ở Syria quá phức tạp, rất khó có đủ thông tin để đánh giá hết vấn đề. Vụ máy bay Nga bị bắn rơi “giống như đốm lửa bùng lên giữa rừng khô”, ông Thái nói.
Theo Tiền Phong