Chuyên gia Mỹ: Chuyển đổi số quan trọng là con người chứ không phải mua sắm thiết bị

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Để triển khai chiến lược chuyển đổi số thành công, các chuyên gia tin rằng chìa khóa là lấy con người làm trung tâm.
Ảnh: Entrepreneur
Ảnh: Entrepreneur

Việc áp dụng chuyển đổi số đối với các doanh nghiệp không chỉ giúp đẩy mạnh hiệu suất công việc và tiết kiệm chi phí mà còn là chiến lược cần thiết để đối mặt với cuộc khủng hoảng COVID-19 hiện nay. Kết quả là mọi người buộc phải làm việc, giao dịch tại nhà nhiều hơn. Tuy nhiên, việc thực hiện thay đổi này không chỉ đơn giản là thiết lập an ninh mạng. Toàn bộ tổ chức cần hỗ trợ sự thay đổi này, giúp nhân viên phát triển các khả năng mới cũng như hiểu được tác động của chuyển đối số đến văn hóa hoặc cấu trúc của doanh nghiệp. Theo quan điểm này, chuyển đổi số muốn thành công, yếu tố quyết định chính là con người.

COVID-19 - chất xúc tác quan trọng trong việc áp dụng chuyển đổi số

Trước đại dịch, mặc dù hầu hết các nhà lãnh đạo đều hiểu rằng chuyển đổi số là điều tất yếu, họ cũng đã lên kế hoạch cho việc chuyển đổi này. Tuy nhiên, những kế hoạch này khá đa dạng và nó không có mẫu số chung nào cho tất cả. Mỗi doanh nghiệp đều đặt một khoản đầu tư và tiến độ khác nhau dựa theo tình hình cụ thể của công ty. Nhiều trong số đó là chiến lược triển khai dần dần và từng bước một.

Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, mọi thứ đã thay đổi hoàn toàn. Việc đóng cửa và các biện pháp giãn cách xã hội từ các chính phủ, văn phòng công ty đã được triển khai. Nhiều doanh nghiệp đã chuyển sang hình thức làm việc từ xa hay làm việc tại nhà.

Thực tế, điều này đã gây ra không ít căng thẳng cho những người tham gia. Tuy nhiên, nó đều nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ. Các biện pháp được triển khai quyết liệt, không còn là từng bước một hoặc chờ đợi. Mặc dù các công ty đã làm việc với nhân viên, đối tác và các bên liên quan để tăng cường áp dụng chuyển đổi số từ rất lâu trước khi đại dịch xuất hiện nhưng chính đại dịch đã đóng vai trò là chất xúc tác tích cực giúp các doanh nghiệp chuyển sang hình thức làm việc từ xa nhiều hơn. Trong đại dịch, không có lựa chọn nào khác ngoài việc phục vụ khách hàng thông qua trải nghiệm kỹ thuật số gần như là 100%. Các doanh nghiệp cần nhanh chóng thích nghi và thực tế nhiều trong số họ đã làm được điều này.

Chuyển đổi số lấy phát triển nhân tài làm trung tâm

Có lẽ, bí mật lớn nhất của các doanh nghiệp để tránh tụt hậu là phát triển nhân tài. Nhóm nhân tài của bạn càng năng động, doanh nghiệp của bạn càng có nhiều khả năng hơn trong việc giải quyết những thách thức mới, cung cấp những sản phẩm và dịch vụ mới có khả năng cạnh tranh cao.

Để duy trì động lực xuyên suốt quá trình chuyển đổi kỹ thuật số, có 6 khía cạnh chính về nhân tài mà các nhà lãnh đạo cần chú ý, đó là:

Thứ nhất, mọi người đang chứng kiến sự thay đổi. Mặc dù, các công nhân trong một số ngành công nghiệp có xu hướng lo lắng hơn những ngành khác, Pew Research chỉ ra rằng khoảng 65% người Mỹ cho rằng robot và máy tính có thể thay thế các công việc mà họ đang làm. Một cuộc khảo sát của CNBC cũng cho thấy 1/4 người lao động (27%) cho biết họ lo sợ công việc của họ sẽ bị sự tiến bộ của công nghệ loại bỏ trong 5 năm tới. Việc cảm thấy bị đe dọa như vậy sẽ ảnh hưởng không tốt đến tinh thần và hiệu quả công việc của mọi người.

Với việc cung cấp sự hỗ trợ áp dụng kỹ thuật số, giúp người lao động hiểu và làm chủ sự thay đổi, các doanh nghiệp sẽ kiểm soát được nỗi lo lắng trong lực lượng lao động của mình và khuyến khích sự hợp tác thay vì tâm lý chán nản.

Thứ hai, khối lượng công việc của mọi người có thể đã thay đổi. Nhiều công ty đang xem xét lại trách nhiệm thậm chí điều chỉnh lại nhân sự trong bối cảnh đại dịch. Do đó, điều quan trọng là giúp mọi người nhận ra họ vẫn đang đóng góp vào việc tạo ra giá trị và đảm bảo rằng khối lượng công việc vẫn luôn công bằng bất chấp mọi sự phân công lại nào đang diễn ra.

Thứ ba, người lãnh đạo cần nâng cao kỹ năng để giải quyết tình trạng khan hiếm tài năng và thiếu hụt các kỹ năng cần thiết ở người lao động trong giai đoạn chuyển đổi số. Các chiến lược làm việc từ xa có thể yêu cầu ở nhân viên những kỹ năng mới mà họ chưa kịp thích nghi. Vì vậy, các doanh nghiệp cần đảm bảo rằng các nhân viên của mình được đào tạo và có cơ hội cần thiết để phát triển trong môi trường mới - thay vì cho rằng họ không còn đủ khả năng làm việc.

Thứ tư, văn hóa làm việc có thể đã thay đổi. Làm việc đem lại những lợi ích nhưng cũng tồn tại những thách thức mới có thể ảnh hưởng đến toàn bộ doanh nghiệp. Là một phần của chiến lược duy trì đang diễn ra, hãy làm việc có chủ đích và đảm bảo rằng mọi người không ngại đặt ra câu hỏi hoặc thách thức những ý tưởng hiện tại.

Thứ năm, người lãnh đạo cần củng cố sự gắn kết của nhân viên. Có một mối liên hệ giữa sự tiếp thu kiến thức, tương tác và duy trì mối liên hệ rất rõ ràng: những nhân viên gắn bó với nhau sẽ ít khả năng rời bỏ tổ chức/công ty của họ hơn khoảng 87%. Chủ doanh nghiệp cần tìm ra những cách mới để đảm bảo rằng nhân viên của mình thoải mái ngay cả khi không ở văn phòng và làm việc một cách nhiệt tình.

Cuối cùng, cần tạo ra một đội ngũ làm việc đa dạng và đa năng. Các nhà lãnh đạo từng cho rằng những nhóm đồng nhất thường dễ quản lý hơn. Nhưng việc đồng quan điểm giữa các thành viên đôi khi tạo ra các kiểu giải quyết vấn đề thiếu sót và thiên vị. Khai thác sự năng động của nhân viên đòi hỏi các nhóm hợp tác với nhau, đa dạng hơn trong hoạt động cũng như từ bỏ tâm lý lười biếng.

Thế giới đang thay đổi và phát triển không ngừng, và chúng ta không có cách nào khác ngoài việc thay đổi và thích nghi. Để không tụt hậu và tiếp tục phát triển, xây dựng văn hóa lấy khách hàng và nhân viên làm trung tâm là điều cần thiết đối với các doanh nghiệp hiện nay.

Theo Entrepreneur