Dẫn câu nói được nhiều người nhắc đến gần đây: “Data is the new oil” – Dữ liệu là dầu mỏ của thế kỷ 21, ông Lê Hồng Minh, CEO của VNG, cho rằng thật ra vẫn có sự khác biệt. Dầu mỏ thì hữu hạn trong khi data là vô hạn. Các số liệu của thế giới cho biết trung bình mỗi người tạo ra tới 1,7 GB dữ liệu mỗi ngày. Đó là nguồn dữ liệu vô cùng lớn, nhưng cũng như dầu thô, dữ liệu thô không có giá trị. Quan trọng là phải thu thập, phân tích và xử lý nó như thế nào.
Ông chia sẻ 3 câu chuyện cá nhân liên quan câu chuyện thu thập, phân tích và xử lý dữ liệu.
Câu chuyện thứ nhất: 10 năm trở lại đây, ông không bao giờ cung cấp số điện thoại và email cá nhân vào bất cứ form nào trên mạng. Vì một lần, ông Google thử số điện thoại của mình thì thấy một loạt thông tin của mình được trả về trong danh sách Những người có thu nhập trên 1000 USD tại TP.HCM.
“Điều đó cho thấy dữ liệu cá nhân của tôi, giống như rất nhiều người, đã bị lộ lọt” – CEO Lê Hồng Minh nhận định.
Câu chuyện thứ hai: Có hôm, ông nghe bạn bè nói chuyện về một sản phẩm y tế mới ra mắt tại Mỹ. Và ngay hôm sau ông thấy quảng cáo sản phẩm đó xuất hiện trên NewsFeed của mình mặc dù trước đó ông chưa từng biết và chưa từng tìm kiếm sản phẩm đó.
Câu chuyện thứ ba: Trung bình mỗi năm ông phải khai tới 100-150 sơ yếu lý lịch để phục vụ cho công việc.
Từ 3 câu chuyện trên, CEO VNG đưa ra nhận định: Tại Việt Nam, dữ liệu của người dùng không được tôn trọng và bảo vệ. Chúng ta không biết thông tin của mình đang bị những ai thu thập và thu thập để làm gì.
“Hiện nay, 99% dữ liệu là dữ liệu thô, chỉ có 1% dữ liệu được xử lý để tạo ra giá trị nhưng trong 1% này thì có tới 99% là do các doanh nghiệp đa quốc gia lớn trên thế giới xử lý, phân tích. Các doanh nghiệp Việt Nam chỉ phân tích, xử lý được 1% còn lại. Các nguồn dữ liệu tại Việt Nam cũng tương đối rời rạc, không liên thông, nhiều dữ liệu trùng lặp” – ông Minh nêu quan điểm.
Cần chính sách khuyến khích các tổ chức trao đổi dữ liệu
Từ những đánh giá trên, ông đưa ra 3 kiến nghị đề xuất tới Chính phủ. Đặt ra vấn đề giải bài toán phát triển kinh tế số, ông Lê Hồng Minh cho rằng trước hết, người dân cần phải có được sự tin tưởng về việc dữ liệu cá nhân của mình được tôn trọng và bảo vệ. Đó là tiền đề, là nền tảng đầu tiên.
Theo ông, Việt Nam rất cần xây dựng một luật bảo vệ dữ liệu quyền riêng tư.
“Để thúc đẩy kinh tế số thì đây là việc cực kỳ quan trọng. Mỗi người có quyền được biết dữ liệu của mình do ai thu thập, vì mục đích gì và có quyền đồng ý hoặc từ chối không cho thu thập” – ông Minh nói.
Được biết, hiện trên thế giới đã có khung pháp lý cho vấn đề này và Việt Nam có thể tham khảo, ví dụ như Luật GDPR của châu Âu.
Cũng theo CEO VNG, muốn tạo dựng được niềm tin rồi thì cần một hạ tầng để phát triển kinh tế dữ liệu tại Việt Nam. Hiện nay Việt Nam đang thiếu eID (danh tính số) cho mỗi công dân.
Ông bày tỏ hy vọng trong 3-5 năm tới, Việt Nam sẽ xây dựng được 1 hạ tầng eID thay cho chứng minh nhân dân, sơ yếu lý lịch”.
Ngoài ra, ông Lê Hồng Minh cũng đề xuất sau khi xây dựng cơ sở hạ tầng cần có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp và tổ chức trao đổi dữ liệu với nhau. “Chính phủ tạo ra một platform để các bên có thể chia sẻ, trao đổi dữ liệu vì việc này không doanh nghiệp nào có thể tự làm được” – ông Minh nói thêm.