nCoV có thể ủ bệnh đến 24 ngày:

Chuyên gia hàng đầu Trung Quốc công bố nghiên cứu mới gây xôn xao về nCoV và dịch viêm phổi do nCoV

VietTimes -- Ngày 9/2, luận văn “Đặc điểm lâm sàng của lây nhiễm Virus Corona chủng mới (nCoV) ở Trung Quốc”, do Viện sỹ Chung Nam Sơn, người đứng đầu nhóm chuyên gia cấp cao của Ủy ban Y tế và Sức khỏe Quốc gia viết, đã được công bố trên mạng nghiên cứu y khoa medRxiv. Bản luận văn đã phân tích 1.099 trường hợp mắc bệnh từ 552 bệnh viện ở khắp 31 tỉnh, thành phố và khu tự trị, suy đoán rằng thời gian ủ bệnh của nCoV có thể kéo dài tới 24 ngày và không loại trừ sự tồn tại của những người truyền bá virus nhiều khủng khiếp thường được gọi là “Độc vương” (Vua Virus).
Viện sỹ Chung Nam Sơn, người được coi là Công thần của Trung Quốc trong chống dịch SARS năm 2003 (Ảnh: Tân Hoa xã)
Viện sỹ Chung Nam Sơn, người được coi là Công thần của Trung Quốc trong chống dịch SARS năm 2003 (Ảnh: Tân Hoa xã)

Nghiên cứu cho thấy thời gian ủ bệnh trung bình của nCoV là 3 ngày và dài nhất là 24 ngày, tỷ lệ tử vong tương đối thấp, một phần đáng kể của bệnh nhân không bị sốt hay hình ảnh soi chiếu bất thường ở lần khám đầu tiên, nCoV được phát hiện trong 6,5% mẫu phân; một bộ phận bệnh nhân đã phát hiện ra nCoV trong đường ruột, nước bọt hoặc nước tiểu.

Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng nghiên cứu không loại trừ sự xuất hiện của những “Độc vương” - người “siêu truyền bá virus” và nhắc nhở rằng, nếu định nghĩa các trường hợp mắc bệnh được tập trung vào phát hiện sốt, sẽ có thể dẫn đến việc người bệnh bị bỏ sót. Đồng thời, do một bộ phận bệnh nhân không có kết quả chẩn đoán hình ảnh bất thường, cần coi trọng tâm của việc phòng ngừa và kiểm soát là xác định sớm bệnh nhân trước khi bệnh phát triển. Ngoài ra, sự lây lan của các chất ô nhiễm có thể đóng một vai trò trong sự lây lan nhanh chóng của nCoV; vì vậy bảo vệ sức khỏe cần xem xét con đường lây truyền qua chất thải đường tiêu hóa.

medRxiv cũng gợi ý rằng bản luận văn này chỉ là một bản chuẩn bị in và chưa được đồng nghiệp xem xét, đánh giá, không nên được sử dụng chỉ đạo thực tiễn lâm sàng.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường bắt tay Viện sỹ Chung Nam Sơn tại cuộc hội thảo xin ý kiến chuyên gia hôm 29/1/2020 (Ảnh: bjnews)
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường bắt tay Viện sỹ Chung Nam Sơn tại cuộc hội thảo xin ý kiến chuyên gia hôm 29/1/2020 (Ảnh: bjnews)

Thời gian ủ bệnh lâu nhất tới 24 ngày

Các tác giả của luận văn nghiên cứu này ngoài Viện sĩ Chung Nam Sơn còn có sự tham gia của 30 cơ quan như Bệnh viện Kim Ngân Đàm Vũ Hán và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc (CDC)...

Nghiên cứu đã trích xuất dữ liệu từ 1.099 bệnh nhân mắc bệnh hô hấp cấp do nCoV gây ra từ 552 bệnh viện ở 31 tỉnh, thành phố.

Nghiên cứu cho thấy độ tuổi trung bình của 1.099 trường hợp được đưa vào nghiên cứu là 47 và phụ nữ chiếm 41,9%. Bệnh nhân bao trùm toàn bộ các nhóm tuổi, 0,9% bệnh nhân dưới 15 tuổi, 2,09% là nhân viên y tế.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng thời gian ủ bệnh trung bình cho nhiễm trùng nCoV là 3 ngày (phạm vi từ 0 đến 24 ngày), ngắn hơn so với báo cáo gần đây trên 425 bệnh nhân (5,2 ngày). Phát hiện này thông qua các bằng chứng số lượng nhiều hơn có thể hướng dẫn những người tiếp xúc gần cách ly.

Chân dung "tử thần" nCoV (Ảnh: Đa Chiều)
Chân dung "tử thần" nCoV (Ảnh: Đa Chiều)

Chưa đầy một nửa số bệnh nhân bị sốt trong lần khám đầu tiên

Về đặc điểm lâm sàng, các triệu chứng phổ biến nhất là sốt (87,9%) và ho (67,7%), trong khi tiêu chảy (3,7%) và nôn (5%) là hiếm. 25,2% bệnh nhân có ít nhất một bệnh cơ sở (tăng huyết áp, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính).

Điều đáng chú ý là chỉ có 43,8% bệnh nhân bị sốt ở lần tư vấn đầu tiên, và 87,9% bị sốt sau khi nhập viện. So với nhiễm virus SARS và MERS, không có tần suất sốt cao hơn trong bệnh Viêm phổi do nCoV gây ra, vì vậy nếu định nghĩa về các trường hợp quan sát quá tập trung vào phát hiện sốt, thì những bệnh nhân này có thể bị bỏ qua.

Khi nhập viện, biến chứng thường gặp nhất là viêm phổi (79,1%), sau đó là bệnh đường hô hấp cấp tính (3,37%) và ngất do lây nhiễm (1%).

55 bệnh nhân (5%) được gửi đến phòng chăm sóc đặc biệt và 15 bệnh nhân (1,36%) đã chết. Tỷ lệ tử vong thấp hơn so với nhiễm virus SARS và MERS.

Ông Chung Nam Sơn và đồng sự nghiên cứu các tấm phim chụp phổi bệnh nhân (Ảnh: Toutiao)
Ông Chung Nam Sơn và đồng sự nghiên cứu các tấm phim chụp phổi bệnh nhân (Ảnh: Toutiao)

Không phải tất cả những người nhiễm bệnh đều viêm phổi

Nghiên cứu cho thấy ở một số bệnh nhân bị nhiễm nCoV, kết quả chẩn đoán hình ảnh là bình thường.

Trong số 840 bệnh nhân đã trải qua CT ngực khi nhập viện, có 76,4% bị viêm phổi. Các biểu hiện phổ biến nhất của CT ngực là bóng mờ thủy tinh (50,0%) và bóng loang hai bên (46,0%).

Mặc dù có các biểu hiện chính nêu trên, nhưng 221 người (23,87%) trong số 926 trường hợp bệnh không nặng và 9 (5,2%) trong số 173 trường hợp nặng không có phát hiện hình ảnh bất thường, mà được phát hiện bởi các triệu chứng chung cộng với RT-PCR ( Xét nghiệm axit nucleic) thể hiện kết quả dương tính.

Các nhà nghiên cứu giải thích rằng thuật ngữ ARD 2019-nCoV được sử dụng trong nghiên cứu này vì thuật ngữ này bao gồm các trường hợp có triệu chứng nhưng không có kết quả hình ảnh rõ ràng, được xác nhận bằng các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm và những bệnh nhân này không nhất thiết bị viêm phổi. 20,9% bệnh nhân đã bị nhiễm nCoV trước khi xuất hiện hoặc không có viêm phổi do virus. Các nhà nghiên cứu ủng hộ việc chuyển trọng tâm sang nhận dạng sớm và quản lý bệnh nhân trước khi phát triển bệnh.

Ông Chung Nam Sơn (ngồi giữa, bên phải) và các đồng sự trao đổi ý kiến (Ảnh: Đa Chiều)
Ông Chung Nam Sơn (ngồi giữa, bên phải) và các đồng sự trao đổi ý kiến (Ảnh: Đa Chiều)

Không thể loại trừ sự xuất hiện của “Vua virus” “siêu truyền bệnh”

Bài viết đề cập rằng nghiên cứu đã cung cấp thêm bằng chứng cho việc lây truyền từ người sang người. Luận văn lưu ý, chỉ 43,95% các trường hợp được nghiên cứu là cư dân địa phương của Vũ Hán, hoặc đã tiếp xúc với người Vũ Hán, đa số còn lại là người các địa phương khác. Trong số còn lại này, 26%  chưa từng đến thăm Vũ Hán trong thời gian gần đây hoặc đã tiếp xúc với bệnh nhân; chỉ có 1,18% đã tiếp xúc trực tiếp với động vật hoang dã.  

Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng những phát hiện này thống nhất với các tin tức gần đây, bao gồm cả sự bùng phát của các trường hợp lây cả nhóm gia đình và lây truyền các cá nhân không có triệu chứng. Nghiên cứu không loại trừ sự xuất hiện của “siêu truyền bá virus”.

Các nhân viên y tế làm việc bên trong "bệnh viện khoang vuông" được đặt tại sảnh Nhà khách Vũ Hán (Ảnh:Đa Chiều)
Các nhân viên y tế làm việc bên trong "bệnh viện khoang vuông" được đặt tại sảnh Nhà khách Vũ Hán (Ảnh:Đa Chiều)

Truyền chất ô nhiễm có thể đẩy nhanh sự lây lan virus mới

Nghiên cứu nhắc nhở rằng con đường lây truyền của virus ở mức độ lớn có thể dẫn đến sự lây lan nhanh chóng của nCoV.

Bài viết đề cập rằng các con đường lây truyền virus SARS, virus MERS và cúm gây bệnh cao thông thường bao gồm các giọt nước bọt và tiếp xúc trực tiếp. Theo thử nghiệm mới nhất của nhóm nghiên cứu, 4 trong số 62 mẫu phân (6,5%) dương tính với nCoV và 4 người nCoV đã được phát hiện trong nước bọt hoặc nước tiểu. Trong một trường hợp loét dạ dày nghiêm trọng sau khi xuất hiện triệu chứng, nCoV được phát hiện trực tiếp ở vị trí loét thực quản và chỗ chảy máu.

Nhìn chung, việc truyền bá chất ô nhiễm (fomite transmission) có thể đóng một vai trò trong việc truyền nhanh nCoV, vì vậy bảo vệ sức khỏe cần xem xét đến con đường lây truyền qua chất dịch tiết đường tiêu hóa. Thông qua tổng hợp các biện pháp bảo vệ, những phát hiện này sẽ hạn chế sự lây lan nhanh chóng của nCoV trên phạm vi toàn thế giới.

Quảng Đông được đánh giá là nơi điều trị có hiệu quả nCoV, tỷ lệ tử vong chỉ 0,88%. Tỉnh đã bào chế bài thuốc đông y sử dụng trong các bệnh viện (Ảnh: Đa Chiều)
Quảng Đông được đánh giá là nơi điều trị có hiệu quả nCoV, tỷ lệ tử vong chỉ  0,88%. Tỉnh đã bào chế bài thuốc đông y sử dụng trong các bệnh viện (Ảnh: Đa Chiều)

Trong luận văn, nhóm của ông Chung Nam Sơn tuyên bố, so với hai nghiên cứu trước đây được nhóm công bố trên tạp chí The Lancet, nghiên cứu này dựa trên số lượng mẫu lớn hơn và các trường hợp mắc bệnh được chọn trên toàn quốc. Tỷ lệ tử vong từ nghiên cứu mới nhất đã thấp hơn đáng kể, chỉ 1,4%. Khi tính toán dữ liệu thí điểm của Quảng Đông, tỷ lệ tử vong thấp tới 0,88%, nguyên nhân do các biện pháp phòng ngừa của Quảng Đông được thực hiện hiệu quả.

Ông Chung Nam Sơn chỉ ra rằng điều quan trọng nhất hiện nay là mức gia tăng các trường hợp được xác nhận mắc bệnh. Nếu tỷ lệ tiếp tục giảm, điều đó có nghĩa là tình hình dịch bệnh đã được cải thiện.