Chuyên gia cảnh báo không lạm dụng xét nghiệm men gan tìm virus viêm gan “bí ẩn” ở trẻ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Trước các thông tin về căn bệnh viêm gan cấp “bí ẩn” ở trẻ, chuyên gia y tế cảnh báo việc người dân nôn nóng xét nghiệm chỉ có thể phát hiện những tổn thương và chức năng của gan, không thể xác định được bệnh.
Về căn bệnh viêm gan cấp “bí ẩn” ở trẻ, chuyên gia y tế cảnh báo, người dân nôn nóng xét nghiệm chỉ có thể phát hiện được những tổn thương và chức năng gan
Về căn bệnh viêm gan cấp “bí ẩn” ở trẻ, chuyên gia y tế cảnh báo, người dân nôn nóng xét nghiệm chỉ có thể phát hiện được những tổn thương và chức năng gan

Thời gian này, tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) và Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM), cùng nhiều bệnh viện lớn trên toàn quốc, mỗi ngày có hàng trăm phụ huynh đưa con nhỏ đến khám bệnh vì lo ngại có liên quan đến căn bệnh viêm gan cấp “bí ẩn”.

Chủ yếu các biểu hiện của bệnh nhi là bị sốt, nôn ói, biểu hiện vàng da, bỏ ăn, tiêu chảy. Đáng lưu ý là, nhiều phụ huynh vì quá lo sợ nên cương quyết xin bác sĩ cho chỉ định xét nghiệm men gan cho con thì họ mới yên tâm.

Từ khi trên thế giới có nhiều nước xuất hiện căn bệnh "bí ẩn" này, các phụ huynh có con nhỏ khó tránh khỏi lo lắng. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế đều cảnh báo về việc không nên lạm dụng xét nghiệm men gan cho trẻ.

Theo thông tin từ Ths.BS. Dư Tấn Quy, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho biết đã có gần 1.500 bệnh nhi được thăm khám, điều trị tại đây từ đầu tháng 4 đến nay, hiện tại vẫn chưa phát hiện bất cứ trẻ em nào mắc bệnh viêm gan cấp tính.

“Để chủ động phát hiện sớm trẻ có thể mắc bệnh, Bệnh viện đã kết nối với Viện Pasteur TP.HCM để khi phát hiện trường hợp trẻ nghi mắc viêm gan cấp tính, đơn vị sẽ hội chẩn ngay với viện để thu thập thông tin và bệnh phẩm, tiến hành xét nghiệm PCR và kỹ thuật metagenomics tìm tác nhân gây mắc như virus Adeno (một bệnh virus cấp tính và thường bị nhiễm ở đường hô hấp) và các tác nhân khác (nếu có)” – BS Dư Tuấn Quy cung cấp chi tiết.

Bộ Y tế liên tục đưa khuyến cáo về các biện pháp phòng bệnh

Bộ Y tế liên tục đưa khuyến cáo về các biện pháp phòng bệnh

Còn theo phân tích của BS Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TP.HCM, bệnh viêm gan cấp tính đến nay nghi vấn lớn nhất tập trung vào virus Adeno type 41, thường xảy ra ở trẻ từ 1 tháng tuổi đến 16 tuổi. Virus Adeno chỉ gây bệnh ở nhóm trẻ có cơ địa đặc biệt, mang bệnh lý chuyển hóa hoặc bị viêm gan B sẵn, virus Adeno tấn công sẽ khiến gan tổn thương nghiêm trọng hơn. Trẻ bắt buộc phải được điều trị tại bệnh viện như các ca viêm gan cấp virus khác, giúp gan hồi phục dần.

“Rất may, virus Adeno không gây bệnh ở mọi trẻ em nên không thể bùng phát thành dịch như Covid-19 hay bệnh tay chân miệng”, BS Trương Hữu Khanh chia sẻ. BS chuyên khoa truyền nhiễm khuyến cáo: “Tình trạng đau bụng, tiêu chảy, nôn trớ, sốt… là những biểu hiện thường gặp ở trẻ nhỏ. Vì thế không phải bất kỳ trẻ nào có những biểu hiện đó cũng xếp vào diện nghi ngờ mắc viêm gan cấp tính. Chỉ khi trẻ có triệu chứng vàng mắt, vàng da, nước tiểu sậm màu, phụ huynh mới nghĩ tới nguy cơ viêm gan và phải đưa trẻ đi khám, làm xét nghiệm để được các bác sĩ xác định nguyên nhân và điều trị hợp lý. Tránh vì nôn nóng, xét nghiệm vô độ chỉ gây mất thời gian và tốn kém tiền bạc, không giải quyết được vấn đề gì và cũng không ra bệnh” - Phó Chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TP.HCM, BS Trương Hữu Khanh, nhấn mạnh.

Bộ Y tế cũng liên tục lên tiếng cảnh báo các Sở Y tế, CDC, Viện Pasteur trên toàn quốc nâng cao cảnh giác với căn bệnh viêm gan cấp “bí ẩn”. Tuy nhiên, dữ liệu từ các cửa khẩu nhập cảnh vào Việt Nam cũng như tại các bệnh viện trên toàn quốc cho đến nay chưa ghi nhận có ca bệnh mắc viêm gan cấp “bí ẩn” đang lan truyền trên thế giới.

Tiêm vaccine viêm gan B cho trẻ sơ sinh tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới

Tiêm vaccine viêm gan B cho trẻ sơ sinh tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới

Chuyên gia tiếp tục khuyến cáo người dân, cơ sở y tế và nhà trường cùng lưu ý trong cách chăm sóc trẻ nhưng không quá lo sợ về căn bệnh “bí ẩn” này.

Bộ Y tế khuyến cáo người dân, do vi rút Adeno vừa lây theo đường hô hấp, đường tiêu hóa và qua tiếp xúc trực tiếp nên cần tuân thủ các biện pháp thông thường như đeo khẩu trang, tránh tụ tập đông người, giữ khoảng cách.

Các bậc phụ huynh cần hướng dẫn con em giữ vệ sinh bằng cách rửa tay thường xuyên trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, thường xuyên vệ sinh đường hô hấp. Đối với trẻ sơ sinh, khi trẻ bị sổ mũi, nghẹt mũi thì nên nhỏ vài giọt nước muối sinh lý vào mũi bé, sau đó hút mũi bằng xi lanh.

Cần giữ không gian sinh sống thoáng đãng, sạch sẽ, vệ sinh các bề mặt thường xuyên tiếp xúc với da, tay. Hút bụi và kết hợp khử khuẩn ở mọi ngóc ngách trong nhà, loại bỏ bụi bẩn, nấm mốc.