Chính quyền Kiev đã tuyển mộ nhiều chiến binh quốc tế tham gia tác chiến tại chiến trường Ukraine. Theo thông báo của phương tiện truyền thông Ukraine, trong hàng ngũ quân đội nước này đã có sự góp mặt của những chiến binh đến từ châu Âu, Mỹ.
Đại sứ quán Ukraine tại Mỹ thông báo: đã tuyển được 100 quân nhân Mỹ - những người đã có kinh nghiệm chiến tranh – sẵn sàng tới Ukraine để “lặp lại trật tự”.
Chính quyền Kiev thông báo: trong thời gian tới, lực lượng đánh thuê tới Ukraine có thể lên tới 20.000 người. Các phái đoàn ngoại giao Ukraine được giao nhiệm vụ: tuyển mộ khắp nơi, tất cả những ai muốn chiến đấu cùng quân đội Ukraine. Không phải quốc gia nào cũng đồng tình, ủng hộ với động thái lôi kéo này của chính quyền Kiev.
Đa phần lính đánh thuê nước ngoài trước khi đến Ukraine đều không hiểu rõ được điều gì đang đón chờ họ phía trước. Trường hợp của cựu lính thủy đánh bộ Mỹ Dennis Diaz là một ví dụ. Dennis Diaz đã so sánh chuyến đi của mình tới Ukraine cũng giống như tới Iraq, hoặc Afghanistan.
Theo tạp chí The Sun, trái ngược với những cảm nhận ban đầu của Dennis Diaz, là tâm trạng hoảng loạn thực sự của Jason Haig – một chiến sĩ quân y, quốc tịch Anh - khi quân nhân này vội vã tháo chạy từ chiến trường Ukraine để về với quê hương.
Jason Haig - chiến sĩ quân y 34 tuổi, người Anh, là một trong những đại diện đầu tiên của xứ sở sương mù đặt chân tới Ukraine. Haig được biên chế vào một tiểu đoàn của những phần tử có tư tưởng dân tộc cực đoan. Ngoài Haig ra, còn rất nhiều lính đánh thuê nước ngoài khác nữa, cũng được điều về tiểu đoàn này. Vị trí tham chiến của tiểu đoàn là một trong những điểm nóng nhất ở ngoại ô Kiev - thành phố Gostomel. Vị trí đầu cầu của Gostomel đã bị lực lượng lính dù của Nga chiếm giữ. Mặc dù bị quân đội Ukraine phản kháng dữ dội, nhưng lính dù Nga vẫn giữ vững được trận địa cho đến khi các đơn vị chủ lực của Nga kéo đến.
Jason Haig nhớ lại: “Thế giới bỗng nhiên như nổ tung, tên lửa bay trên các tòa nhà, đúng là một cảnh tượng siêu thực”.
Cuộc chiến giành giật sân bay Gostomel đã để lại cho cựu quân nhân đã từng tham chiến ở Iraq, Jason Haig, một ấn tượng không bao giờ quên: “Tôi thực sự hoảng loạn. Khi chúng tôi mới đến nơi, xung quanh rất yên tĩnh. Tất cả bỗng nhiên, giống như cánh cửa địa ngục mở toang trước mắt. Trong một khoảnh khắc, tiểu đoàn của chúng tôi bị lực lượng của Không quân Nga xóa sổ. Tôi chưa bao giờ cảm nhận được hỏa lực nào có sức tàn phá khốc liệt đến như vậy. Thậm chí cả thế hệ chúng tôi, chưa ai được cảm nhận một hỏa lực mạnh như thế bao giờ. Thực sự là chưa có ai. Đây thực sự không phải là Iraq hay Afghanistan. Người Nga – đây thực sự là quân đội hiện đại”.
Hỏi cung và tra tấn
Quân nhân đến từ Anh quốc Jason Haig kể tiếp: "Tôi cùng với các chiến binh đến từ Gruzia phải chạy trốn vào rừng, chờ kết nối với đơn vị Ukraine. Đúng lúc đó, chúng tôi được các nhân viên cục an ninh Ukraine “hỏi thăm”". Lực lượng an ninh Ukraine phát hiện một máy bộ đàm và một khẩu súng của Haig, đi cùng với Jason Haig là một quân nhân người Mỹ.
"Họ bắt giam chúng tôi, vì nghi là điệp viên của Nga. Chúng tôi bị tra tấn, hỏi cung trong 3 tiếng. Họ gầm lên bằng tiếng nga. Tôi nói rằng tôi là người Anh. Tôi bị họ đánh vào đầu 9 lần, bị chảy máu và chấn thương sọ não. Tôi bị các nhân viên an ninh Ukraine kiểm tra tin nhắn trong điện thoại, tôi rất lo sợ. Bỗng tôi tự hỏi: phải chăng, một quân nhân đến từ Anh quốc, chiến đấu vì Ukraine, lại bị chính cơ quan an ninh của quốc gia này sát hại? Không thể trớ trêu hơn!" - người lính này kể lại.
"Khi điều tra rõ, biết tôi có quốc tịch Anh, cơ quan an ninh Ukraine thả tôi ra. Hòa theo dòng người tị nạn, tôi tới Lviv, đến Warsaw, Ba Lan, vội vã bay về Anh: - Haig cho hay.
May mắn của số phận đã mỉm cười với “cựu chiến binh quân y” người Anh Jason Haig. Biết bao nhiêu lính lê dương khác đã nằm lại trên khắp chiến trường Ukraine. Đối với cả hai bên tham chiến là Nga và Ukraine, lực lượng đánh thuê tử nạn đều là người xa lạ. Câu chuyện của Jason Haig, có chăng ít nhiều, làm tỉnh ngộ cho những ai đang trên đường “đi tìm phiêu lưu” ở Ukraine?
Theo AIF