COVID-19 đã xâm nhập vào cộng đồng
Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo cho rằng mặc dù Việt Nam đã thực hiện các giải pháp sớm, mạnh, dứt khoát để ngăn chặn dịch xâm nhập, nhưng chúng ta phải chấp nhận thực tế dịch bệnh đã xâm nhập vào cộng đồng.
Nguyên nhân dịch xâm nhập vào cộng đồng là do trước 0h ngày 22/3 - thời điểm tạm dừng nhập cảnh tất cả người nước ngoài vào Việt Nam vẫn còn hàng trăm nghìn người đã nhập cảnh, trong đó rất nhiều người đến từ các nước có dịch.
Theo thống kê của Bộ Y tế, trong 251 trường hợp nhiễm bệnh có tới 156 người từ nước ngoài (chiếm 62,6%); 95 người lây nhiễm thứ phát (chiếm 37,4%).
Vì vậy, ngoài các ổ dịch như quán bar Buddha (TP. Hồ Chí Minh), Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) hay các khu cách ly tập trung, Ban Chỉ đạo nhấn mạnh các đơn vị không được mất cảnh giác với mọi ca bệnh mới phát hiện tại cộng đồng, dứt khoát không được bỏ qua bất kỳ khả năng nào dù nhỏ nhất; tiếp tục “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”; coi tất cả người có dấu hiệu dịch tễ đến khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế là ca có nguy cơ lây nhiễm…; hoàn thiện cơ chế để giám sát, truy vết.
Tăng cường phát hiện ca lây nhiễm trong cộng đồng
Nhận định về tình hình dịch COVID-19, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định: Đến giờ phút này chiến lược phòng, chống dịch của Việt Nam đã có hiệu quả, hoàn toàn khác so với các nước phương Tây.
“Một mặt chúng ta theo dõi, nghiên cứu các kinh nghiệm trên thế giới nhưng điều quan trọng là phải kiên trì các nguyên tắc chống dịch từ ban đầu là: Ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch và điều trị. Đặc biệt trong giai đoạn này phải rất chú ý đến việc phát hiện các ca lây nhiễm trong cộng đồng, coi đây là ổ dịch tiềm năng (F0) để tiến hành ngay các biện pháp cách ly, khoanh vùng với các đối tượng F1, F2” – Thứ trưởng Long cho hay.
Để chủ động phòng, chống dịch COVID-19, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đề nghị mở rộng đối tượng rà soát tại cộng đồng. Trước hết là người nước ngoài vào Việt Nam đang lưu trú tại nhà nghỉ, khách sạn chứ không chỉ ở các khu dân cư; cộng đồng người nước ngoài đang sinh sống, làm việc tại Việt Nam; những người Việt Nam làm việc trực tiếp với người nước ngoài từ các ổ dịch; những người nước ngoài vào Việt Nam du lịch tự do.
Đối với người Việt Nam là những người từ nước ngoài về nước; những người đi đến hoặc đi qua vùng có ca nhiễm bệnh trong nước; những người có liên quan dịch tễ đến các ca bệnh; những người sống lang thang, liên quan đến tệ nạn xã hội.
Khu vực cách ly. Ảnh: Minh Thúy
|
Về tình hình điều trị các ca bệnh COVID-19 ở Việt Nam, ông Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh - cho biết đến nay tỷ lệ người được chữa khỏi so với tổng ca nhiễm đã vượt quá 50%. Điều quan trọng hàng đầu là chúng tôi chỉ đạo tập trung xây dựng, hoàn thiện các phác đồ điều trị hiệu quả nhất, không để người nhiễm bệnh nhẹ chuyển sang nặng, hạn chế tối đa người tử vong.
Hiện, Bộ Y tế đã chỉ đạo các cơ sở y tế tổ chức lại hệ thống trong bệnh viện, nâng cấp các biện pháp phòng, chống dịch nhằm bảo đảm an toàn cho người bệnh, nhân viên y tế và cộng đồng.
Tất cả những người đến khám có biểu hiện nghi ngờ hoặc tiền sử dịch tễ chưa rõ ràng đều cần được coi là có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 (F1). Trường hợp người bệnh cấp cứu chưa khai thác được yếu tố nguy cơ thì kíp cấp cứu phải mang đầy đủ trang phục phòng hộ cá nhân như khi cấp cứu người nhiễm COVID-19.
Bộ Y tế cũng chỉ đạo Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các tỉnh, thành phố kiểm tra nghiêm túc việc thực hiện của các cơ sở y tế. Trừ trường hợp bệnh nặng, cấp cứu, người dân cần liên hệ với cơ sở y tế để được hướng dẫn, đặt lịch hẹn khám trước và thực hiện đầy đủ các quy định phòng bệnh của bệnh viện.