Trong khi đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên thế giới với làn sóng dịch lần thứ hai, thì các nhà khoa học vẫn đang tìm hiểu thêm về cách thức lây lan của căn bệnh cũng như loại virus này có thể gây bệnh cho những sinh vật nào.
Trong những ngày đầu bùng phát đại dịch, một số vật nuôi đã có kết quả dương tính với Covid-19. Hồi tháng 3, một chú chó 17 tuổi ở Hồng Kông đã bị nhiễm bệnh. Nó sau đó đã chết, nhưng Covid-19 không phải là nguyên nhân chính. Những con hổ tại vườn bách thú Bronx cũng được phát hiện nhiễm bệnh, có khả năng do một người chăm sóc thú lây sang khi anh này có kết quả dương tính với Covid-19.
Chủ vật nuôi từ lâu đã lo ngại thú cưng của họ có thể bị nhiễm hoặc làm lây lan virus Corona. Phóng viên của tờ Cnet đã từng đăng tải một bài viết về Covid-19 ở vật nuôi. Sau đó, người phóng viên này đã nhận được rất nhiều câu hỏi từ bạn đọc rằng: “Chó của tôi có thể bị nhiễm virus Corona không?”, “Làm sao tôi có thể biết vật nuôi của mình bị nhiễm Covid-19?”, “Virus có thể làm thú cưng của tôi chết không?”, “Liệu việc nhận chăm sóc các con mèo của khách hàng có làm chúng nhiễm virus không?”…
Dựa trên những bằng chứng khoa học thu thập được từ thực tế diễn biến của Covid-19 trong thời gian qua thì có lẽ chủ vật nuôi không nên quá lo lắng bởi chỉ có một số lượng rất nhỏ vật nuôi bị nhiễm bệnh.
Nhưng một câu chuyện gần đây được đăng tải trên truyền thông Mỹ đã gây ra sự hiểu lầm đáng kể.
Hôm thứ Tư tuần trước (29/7), tờ National Geographic đã đăng tải bài viết về Buddy, một chú chó chăn cừu Đức 7 tuổi bị chết sau vài tháng nhiễm virus Corona. Theo bài viết, Buddy nhiễm bệnh vào tháng 4, và được xác định dương tính vào tháng 6. Đây là chú chó đầu tiên ở Mỹ được xác định dương tính với virus Corona. Vào ngày 11/7 chú chó này đã chết. Tuy nhiên, hồ sơ bệnh án cho thấy Buddy “có khả năng bị ung thư hạch”. Ung thư hạch là loại ung thư phổ biến với loài chó. Nhưng điểm quan trọng này đã không được đề cập đến trong bài viết, khiến cho trên mạng xã hội xuất hiện nhiều lời cảnh báo sai lệch về sự việc này.
Một ngày sau khi bài báo trên được đăng tải, trên Twitter đã xuất hiện một tweet với tiêu đề “chú chó đầu tiên ở Mỹ thử nghiệm dương tính với Covid-19 đã chết”.
Cái tweet nói trên chỉ đúng một nửa. Đúng là Buddy đã dương tính với Covid-19 nhưng nguyên nhân cái chết của nó không phải do bệnh dịch này.
Nhưng như chúng ta thường thấy, trong “cơn bão” truyền thông về virus Corona, một số thông tin không chính xác đã gây ra sự sợ hãi không cần thiết. Mặc dù chúng ta vẫn cần thêm các nghiên cứu về ảnh hưởng của dịch bệnh đối với vật nuôi, nhưng đúng như lời Glenn Browning, nhà vi sinh học thú y tại Đại học Melbourne, Australia, đã nói: "Có rất nhiều thứ có nguy cơ đối với chó và mèo lớn hơn Covid-19”.