Chủ tịch Hội Mỹ thuật: Trường Mỹ thuật phải là chuẩn mực đào tạo về thẩm mỹ

VietTimes – Tối qua 20/12, bức phù điêu có hình ông Hiệu trưởng Lê Văn Sửu đã được gỡ bỏ khỏi bức tường trước cổng Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam sau những ồn ào về việc bức phù điêu có hình ông Hiệu trưởng của Trường.
Phù điêu có hình thầy Hiệu trưởng đã bị gỡ khỏi bức tường - Ảnh Nguyên Khánh
Phù điêu có hình thầy Hiệu trưởng đã bị gỡ khỏi bức tường - Ảnh Nguyên Khánh

Tối qua 20/12, một số người đã được chứng kiến việc đục bỏ bức phù điêu trên bức tường trước cổng Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, đúng như ông Hiệu trưởng Lê Văn Sửu đã cho biết trước đó.

Ngày hôm nay 21/12, phóng viên VietTimes đã nhiều lần liên lạc tới số máy của ông Hiệu trưởng Lê Văn Sửu để trao đổi thêm thông tin xung quanh vụ việc, nhưng máy đổ chuông mà không có người nhấc máy.

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam - xác nhận với VietTimes, sáng nay khi ông đi qua Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam thì thấy bức phù điêu đã được cất đi rồi.

Theo một số họa sĩ, nhà điêu khắc quan tâm đến vấn đề ồn ào mấy hôm nay ở Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, thì việc nhanh chóng cho đục bỏ bức phù điêu là hành động thể hiện thầy Hiệu trưởng Lê Văn Sửu là người cầu thị, có lòng tự trọng.

Tuy nhiên, rất nhiều họa sĩ khác vẫn trăn trở đặt lại vấn đề về việc tại sao trước đó bức phù điêu lại được thi công đưa lên bức tường ở cổng trường để rồi gây “sóng gió” dư luận.

Hình ảnh ghi lại vào thời điểm đục bỏ bức phù điêu có hình thầy hiệu trưởng - Ảnh: Hương Phạm
Hình ảnh ghi lại vào thời điểm đục bỏ bức phù điêu có hình thầy hiệu trưởng - Ảnh: Hương Phạm


Một số học viên tốt nghiệp từ các khoa của Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam cũng chia sẻ trên mạng xã hội các kỷ niệm về thầy Sửu. Họ cho biết thầy Sửu chân tình với học trò, quan tâm đến sinh viên, cũng có thể vì thế mà sinh viên, học viên “hồn nhiên” đưa hình ảnh của thầy vào bài.

Ngay chính khẳng định của vị Phó Hiệu trưởng - PGS. TS Ngô Tuấn Phong, phụ trách Khoa Điêu khắc, đồng thời là người hướng dẫn học viên – Nguyễn Xuân Vinh, tác giả của bức phù điêu, ông Phong cũng cho rằng hình ảnh thầy Hiệu trưởng xuất hiện trong bức phù điêu nói trên là hoàn toàn bình thường. Cùng thời điểm ông Phong thể hiện quan điểm này, thầy Sửu có nói việc đưa hình thầy vào phù điêu là làm hại thầy. 

Dư luận quan tâm như những ngày qua là vì giữa ghi nhận tình cảm của sinh viên, học viên với thầy, bức phù điêu có thể được đặt trong không gian lớp học, thư viện của trường, hay trong kho lưu trữ chẳng hạn và việc sử dụng tác phẩm đó để trang trí trên một vị trí quan trọng, dễ dàng gây dấu ấn mang tính tôn vinh cá nhân như trên bức tường ở cổng trường, là hai chuyện hoàn toàn khác nhau.

Bức phù điêu đã được chấm duyệt, thi công suốt một thời gian dài mới đưa lên bức tường này - Ảnh: Nguyệt Hà
Bức phù điêu đã được chấm duyệt, thi công suốt một thời gian dài mới đưa lên bức tường này - Ảnh: Nguyệt Hà
Hình ảnh không đẹp khi buộc phải sử dụng giải pháp gỡ bỏ như thế này - Ảnh: Nguyệt Hà
Hình ảnh không đẹp khi buộc phải sử dụng giải pháp gỡ bỏ như thế này - Ảnh: Nguyệt Hà

Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam khẳng định: “Khu vực cổng vào Trường Đại học Mỹ thuật đúng là quá nhạy cảm. Nếu bài thi của sinh viên, học viên đạt điểm cao, được nhà trường lưu giữ tại bảo tàng nội bộ của trường, để sinh viên các khóa sau tới học tập qua bài tập xuất sắc của các thế hệ đi trước thì rất tốt. Sẽ không ai nói gì về việc đó. Nếu xét tính trang trí ở không gian ngoài trời ở khu vực sân trường đã có hình ảnh của thầy Victor Tardieu, người sáng lập ra ngôi trường này, đã đủ tính trang trọng rồi. Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam phải là môi trường chuẩn mực cả về văn hóa lẫn đào tạo mỹ thuật. Để xảy ra việc nói trên, nhà trường cần phải đối mặt thực sự để giải quyết vấn đề”.

Thầy Lê Văn Sửu chưa chính thức lên tiếng trả lời về việc này. Trong khi điều quan trọng mà công chúng rất muốn biết, đó là, ai thực sự là người đã đặt nền móng cho ý tưởng đưa bức phù điêu có hình ảnh thầy Hiệu trưởng lên bức tường kia?