Chính quyền địa phương Trung Quốc thúc đẩy phát triển công nghệ sản xuất chip nội địa

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Các chính quyền địa phương Trung Quốc tăng gấp đôi ưu đãi tài chính, ban hành chính sách hỗ trợ các công ty sản xuất bán dẫn phát triển, đạt được khả năng tự cung tự cấp trong cuộc chiến tranh công nghệ với Mỹ.
Công nghiệp sản xuất chip của Trung Quốc. Ảnh SCMP
Công nghiệp sản xuất chip của Trung Quốc. Ảnh SCMP

Các chính quyền địa phương như thành phố Thâm Quyến đang bắt kịp các trung tâm linh kiện bán dẫn truyền thống như Thượng Hải, công bố hàng loạt giải pháp và đầu tư tài tài chính mới nhằm hỗ trợ các công ty bán dẫn trong một động thái thúc đẩy mạnh mẽ những nỗ lực của quốc gia nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài.

Một số kế hoạch đầy tham vọng đã xuất hiện ở các thành phố trước đây không có trên bản đồ công nghệ bán dẫn của Trung Quốc. Lishui, một thành phố cấp tỉnh ở phía đông tỉnh Chiết Giang đã tham gia vào sáng kiến mới, triển khai hàng loạt biện pháp hỗ trợ ngành công nghiệp chip địa phương. Chủ tịch thành phố là con trai của cựu chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào.

Một bài báo trên WeChat, đăng trên tài khoản của chính quyền địa phương ngày 14/10 nhấn mạnh, các nhà chức trách địa phương sẽ trao phần thưởng cho những doanh nghiệp sản xuất chip thiết kế những sản phẩm của chính mình, và được đăng ký bản quyền.

Nếu doanh thu hàng năm của một doanh nghiệp sản xuất chip theo bản quyền của mình vượt quá 20 triệu (2,78 triệu USD), 100 triệu và 500 triệu nhân dân tệ, chính phủ sẽ cung cấp khoản trợ cấp thường xuyên lần lượt là 300 nghìn, 1 triệu và 5 triệu nhân dân tệ.

Với các công ty sản xuất chip và vật liệu có doanh số trên 500 triệu, 1 tỷ, 2 tỷ và 5 tỷ nhân dân tệ, phần thưởng của chính phủ sẽ lần lượt là 5 triệu, 10 triệu, 20 triệu và 50 triệu nhân dân tệ.

Theo bài báo của chính phủ, thành phố Lishui, trên đồng bằng sông Dương Tử chỉ mới đạt được “bước nhảy vọt từ 0 lên 1” trong tiến trình phát triển ngành công nghiệp bán dẫn sau khi “nền tảng đặc biệt” của địa phương được Chương trình công nghiệp mới tỉnh Chiết Giang công nhận.

Xia Zhiming, một quan chức chính quyền thành phố Lishui bình luận: “Chính sách được ban hành lần này có định hướng rõ ràng, nguồn lực đầy đủ, hàm lượng giá trị kinh tế cao, có được sự phù hợp và sự ủng hộ mạnh mẽ”,.

Nam Kinh, thủ phủ phía đông tỉnh Giang Tô công bố những chính sách hỗ trợ ngành công nghiệp chất bán dẫn trên địa bàn. Chính quyền địa phương cũng tăng tốc độ phát triển của một số ngành công nghiệp như phần mềm và dịch vụ thông tin, lưới điện thông minh, mạch tích hợp và y sinh học, theo công bố về chính sách gần đây.

Thượng Hải, vốn từng được coi là trung tâm tài chính của đất nước, giờ đây tự khẳng định là vùng cao nguyên bán dẫn của Trung Quốc, thành phố chiếm 1/4 sản lượng giá trị sản phẩm bán dẫn của cả nước và 40% các chuyên gia ngành chip, theo số liệu chính thức của chính phủ Trung Quốc.

Chính quyền thành phố đã công bố những chính sách ưu đãi mới với ngành sản xuất linh kiện bán dẫn, tuyên bố đặt tham vọng trở thành cơ sở nền tảng cho “những ngành công nghiệp của tương lai” trong bối cảnh cuộc chiến công nghệ Mỹ-Trung tiếp tục gia tăng.

Trung tâm công nghệ phía nam Trung Quốc, thành phố Thâm Quyến, theo truyền thống là một trung tâm điện tử và phần mềm đang nỗ lực đuổi kịp và nâng cao vị thế của địa phương trong chuỗi các cở sở công nghiệp sản xuất chip.

Chính phủ địa phương cam kết cung cấp tới 10 triệu nhân dân tệ mỗi năm, bù đắp một phần chi phí cho các công ty thiết kế chip địa phương mua sắm các lõi IP cần thiết trong những hoạt động nghiên cứu phát triển dây chuyền sản xuất. Đồng thời, chính quyền địa phương cũng cam kết khoản tiền thưởng lên tới lên tới 30 triệu nhân dân tệ để thu hút các công ty chip hàng đầu triển khai các cơ sở nghiên cứu, sản xuất tại thành phố như một phần của kế hoạch mới, được đề xuất đầu tháng 10/2022.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố, Trung Quốc phải đẩy mạnh phát triển công nghệ quan trọng đối với an ninh quốc gia. Ảnh: Xinhua / Ju Peng

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố, Trung Quốc phải đẩy mạnh phát triển công nghệ quan trọng đối với an ninh quốc gia. Ảnh: Xinhua / Ju Peng

Hợp Phì, thủ phủ phía đông tỉnh An Huy, Hàng Châu, thủ phủ của Chiết Giang, đều đã triển khai những kế hoạch trợ cấp và chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển công nghệ sản xuất linh kiện bán dẫn vào tháng 6 và tháng 7.

Động lực tự cung tự cấp của Trung Quốc đã chứng kiến những ​​thành công và thất bại trong sự phát triển, đồng thời căng thẳng với Mỹ tiếp tục leo thang.

Năm 2014, chính quyền trung ương thành lập Quỹ đầu tư công nghiệp vi mạch quốc gia Trung Quốc, được gọi là Quỹ Lớn (Big Fund) để tài trợ và ươm mầm cho những công ty khởi nghiệp đầy triển vọng trong nỗ lực tự cung tự cấp linh kiện điện tử của đất nước.

Được thúc đẩy từ chủ trương, chính sách và những hỗ trợ tài chính từ Bắc Kinh, nhiều chính quyền địa phương đã đổ tiền vào phát triển lĩnh vực công nghệ cao, nhưng một số địa phương, các doanh nghiệp khởi nghiệp thất bại và phá sản do thiếu chuyên môn và chệch hướng phát triển.

Việc sử dụng không đúng mục đích nguồn ngân sách nhà nước đã khiến một số giám đốc điều hành chủ chốt liên quan đến Big Fund bị đưa vào diện điều tra của nhà nước trong năm 2022, một số dự án địa phương như doanh nghiệp sản xuất linh kiện ở Vũ Hán, Hongxin Semiconductor Manufacturing Co thất bại.

Tháng 9/2022, công ty tư vấn bán dẫn ICWise trong một bài báo đã nhấn mạnh, chính quyền địa phương cần rất “thận trọng” và có quan điểm tầm nhìn xa khi soạn thảo và ban hành các chính sách ưu đãi nhằm tránh lãng phí nguồn lực. Theo tác giả của bài viết: “Ngành bán dẫn là một lĩnh vực khoa học nghiêm túc và các chính quyền địa phương cần tôn trọng tính chuyên nghiệp và nghiên cứu mô hình tăng trưởng thay vì đồng loạt tham gia theo phong trào một cách mù quáng”.

“Chính quyền địa phương cần xác định rõ vị trí hiện tại của địa bàn trong chuỗi giá trị sản phẩm bán dẫn, tránh kéo tài chính địa phương vào vũng lầy… cần xem xét kỹ lượng nền tảng và lợi thế của địa bàn.”

Tháng 8/2022, ông Wei Shaojun, chủ tịch chi nhánh thiết kế mạch tích hợp tại Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Trung Quốc tuyên bố, chính quyền trung ương và địa phương phải hỗ trợ nhiều hơn cho tiến trình nghiên cứu và phát triển sản xuất linh kiện bán dẫn, thúc đẩy lĩnh vực công nghệ này phát triển. Ông nhấn mạnh:

“Nếu chúng ta không đầu vào R&D liên tục, thì sẽ không có động lực để phát triển trong tương lai”.

Chủ tịch Tập Cận Bình cũng đã có bài phát biểu mang tính định hướng tại cuộc họp quan trọng vào tháng 9, khẳng định Trung Quốc phải đẩy mạnh phát triển công nghệ quan trọng đối với an ninh quốc gia và áp dụng một “hệ thống toàn quốc mới” từ trung ương đến địa phương để thúc đẩy sự đột phá.

Nhiệm vụ trở nên cấp thiết hơn sau khi Mỹ siết chặt quyền tiếp cận của các công ty Trung Quốc với công nghệ tiên tiến, trọng tâm là công nghệ nền tảng và các trang thiết bị sản xuất của ngành bán dẫn.

Đầu tháng 10, Cục Công nghiệp và An ninh Bộ Thương mại Mỹ đã thực hiện 2 bản cập nhật đối với những quy định kiểm soát xuất khẩu nhằm hạn chế khả năng Trung Quốc có được chip điện toán tiên tiến, áp đặt các hạn chế đối với 31 công ty, tổ chức khoa học và các nhóm nghiên cứu, sản xuất liên quan đến ngành bán dẫn của Trung Quốc. Mỹ cũng đưa ra những hạn chế đối với sự tham gia của "người Mỹ" vào việc phát triển các cơ sở sản xuất chip ở Trung Quốc.

Theo SCMP