Trong vòng ba năm, Ukraine đã phải chịu ít nhất 7.000 cuộc tấn công mạng. Chuyên gia mạng Sergey Radkevych của Ukraine tuyên bố rằng "Ukraine đang trong tình trạng chiến tranh không gian mạng với Nga" và các hoạt động không gian mạng của Nga đang đe doạ đến an ninh quốc gia Ukraine.
Hơn nữa, các cuộc đụng độ quân sự ở Donbas một lần nữa cho thấy các nhà chiến lược và các chuyên gia quân sự Nga tin rằng Chiến tranh điện tử (EW) đã trở thành hình thức tác chiến chủ đạo của chiến tranh tương lai. Các nguồn tin phương Tây cho biết từ tháng 12/2015, Nga bắt đầu hành động quyết đoán hơn nhằm "đạt được các hiệu quả trên chiến trường bằng cách tấn công mạnh vào cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine".
Cụ thể, Mỹ và phương Tây cáo buộc các hoạt động này bao gồm phá hủy các mạng lưới chỉ huy và kiểm soát bằng cách gây nhiễu liên lạc vô tuyến, cản trở công việc của các hệ thống radar, và tắt tiếng tín hiệu GPS. Tuy nhiên, trở ngại chính lại nằm ở việc thiếu các bằng chứng cụ thể và các dữ liệu thực tế liên quan đến các công cụ, thiết bị và các phương tiện khác của Nga trong khi thực hiện chiến tranh điện tử nhằm vào Ukraine.
Theo Jamestown, nhờ các cuộc điều tra do các nhà hoạt động Ukraine và các chuyên gia về không gian mạng thực hiện, có thể khẳng định chắc chắn rằng Nga đang thực hiện chiến tranh điện tử đối với Ukraine. Và dữ liệu mà Ukraine đưa ra đã làm sáng tỏ nhiều điểm mơ hồ về việc Nga tác chiến điện tử ở Donbass.
Cuộc điều tra đã xác định được 6 phương tiện tác chiến điện tử đáng chú ý mà Nga đã sử dụng trong giai đoạn 2014-2017:
1. Tổ hợp Leer-3 RB-341 được thiết kế để gây nhiễu tín hiệu GSM (cellular) với sự hỗ trợ của các loại máy bay không người lái Orlan-10 (UAV) và truyền tải thông tin. Những hệ thống vũ khí mới nhất đã được phát hiện ở gần thành phố Donetsk vào tháng 5/2016.
2. Tổ hợp Borisoglebsk-2 RB-301B là một trong những hệ thống chế áp điện tử tiên tiến nhất. Nó được thiết kế để tình báo vô tuyến và gây nhiễu các kênh vô tuyến HF/UHF (trên mặt đất và trên máy bay) cũng như các thiết bị đầu cuối di động ở cấp chỉ huy chiến thuật và vận hành chiến thuật. Tổ hợp này đã được giới thiệu trước lực lượng vũ trang Nga vào năm 2013 (mặc dù được chế tạo từ năm 2009), khi các đơn vị đầu tiên được triển khai đến Quân khu phía Nam (SMD).
Sau đó tổ hợp này cũng được phát hiện vào năm 2015 tại thành phố Luhansk ở miền đông Ukraine. Ngoài ra, các loại tổ hợp này thường xuất hiện gần các khu vực triển khai Chiến dịch chống khủng bố (ATO- đây là thuật ngữ mà quân đội Ukraine dùng để gọi các hoạt động vũ trang chống lại lực lượng ly khai do Nga hậu thuẫn). Một số nguồn tin cho biết tổ hợp này đã đóng vai trò quyết định trong trận Debaltseve (tháng 1/2015), một trong những thất bại nặng nề nhất của quân đội Ukraine cho đến nay.
3. Trạm gây nhiễu tự động R-934UM lần đầu tiên được phát hiện gần Luhansk vào năm 2015, cùng với đơn vị chỉ huy F-330KMA. Trước đây, trạm này đã xuất hiện gần các thành phố miền đông Ukraina là Horlivka và Makiivka. Các nguồn tin của Nga cũng thừa nhận rằng trạm gây nhiễu này "đã được sử dụng thành công trong các cuộc xung đột quân sự ở địa phương", nhưng từ đó đến nay đã không khai triển thêm nữa.
4. Từ năm 2015 đến năm 2016, trạm gây nhiễu tự động Zhitel R-330Zh đã được phát hiện ở Horlivka, Makiivka và Zaytsevo. Hệ thống này được triển khai cùng với một lữ đoàn bộ binh có trụ sở tại Quân khu nam (trên lãnh thổ Chechnya). Thiết bị này có thể cũng đã được lực lượng dân quân ly khai sử dụng ở gần Debaltseve vào năm 2015.
5. Trạm kiểm soát vô tuyến UHF R-381T2 (tổ hợp Taran R-381T) và tổ hợp tình báo vô tuyến Torn cũng đã được nhận diện cùng với lực lượng chung giữa Nga và dân quân ly khai vào năm 2015 ở gần sân bay quốc tế Donetsk.
6. Cuối cùng, trạm trinh sát di động trên bộ PSNR-8 Kredo-M1 (1L120) được thiết kế để phát hiện các mục tiêu di chuyển trên mặt đất hoặc trên mặt nước và để hỗ trợ cho pháo binh bất cứ lúc nào. Điều quan trọng là hệ thống này cũng có thể được sử dụng trong điều kiện tầm nhìn thấp. Nó đã được phát hiện ở vùng Lugansk (gồm Blahodatne, Olhynka, Buhas và Volnovakha).
Theo nguồn tin của Ukraine, vào ngày 22/3/2017, lực lượng dân quân Donbass đã nhận được 43 thiết bị tác chiến điện tử hiện đại, những thiết bị này đã được triển khai để chống lại quân đội Ukraine ở khu vực Donbas/ATO.
Trong khi đó, các chuyên gia Ukraine có thể ngăn chặn các tín hiệu từ "các trạm tác chiến điện tử mới nhất của Không quân Nga" ở Crimea. Ukraine có thể thực hiện điều này bằng cách sử dụng tiện ích HackRF One - một phần mềm được định nghĩa để thu và phát tín hiệu radio trong khoảng 1 megahertz-6 gigahertz). Kết quả của cuộc điều tra này gợi ý Ukraine nên đưa trực thăng Mi-8MTPR-1 được trang bị các trạm gây nhiễu Rychag-AV ở Crimea, làm cho những chiếc máy bay này trở thành vũ khí đáng gờm đối với các hoạt động tác chiến điện tử.
Một trong những cách chính mà các hệ thống này được Nga sử dụng là đối phó với các hệ thống và các tổ hợp chống hệ thống phòng không bằng cách giảm tính hiệu quả của các hệ thống này thông qua biện pháp tắt tiếng và gây nhiễu tín hiệu vô tuyến. Kết quả cuộc điều tra của Ukraine hồi tháng 3 vừa qua cho thấy, vào năm 2016, phía Nga đã triển khai máy bay trực thăng loại này trên lãnh thổ của cả Quân khu phía Nam và Quân khu phía Tây.
Theo Jamestown, tất cả điều này dẫn đến những kết luận sau: Thứ nhất, khả năng của lực lượng mạng Ukraine và các nhân viên tình báo trong việc đối phó chiến tranh điện tử của Nga vẫn chưa nhận được mức hỗ trợ xứng đáng từ phía chính phủ Ukraine.
Điều này được lý giải rằng các vấn đề truyền thống như quan liêu và tốc độ ra quyết định chậm chạp không cho phép chính phủ Ukraine nhanh chóng áp dụng kết quả của các cuộc điều tra này theo nhu cầu của quân đội và an ninh không gian mạng của Ukraine. Điều này làm giảm đáng kể năng lực của quân đội Ukraine và càng củng cố sự vượt trội của phía Nga.
Thứ hai, mặc dù khả năng của Nga trong lĩnh vực tác chiến điện tử đã tăng lên theo cấp số nhân từ năm 2014, nhưng nó vẫn không đảm bảo sẽ bất khả xâm phạm hoàn toàn. Các sự kiện gần đây tại Syria (như cuộc tấn công tên lửa hành trình ngày 7/4 của Mỹ vào căn cứ không quân al-Shayrat) và thực tế Ukraine đã ngăn chặn được các tín hiệu của Nga ở Crimea đã cho thấy khả năng tác chiến điện tử của Nga không mạnh như phương Tây lo sợ, Jamestown đánh giá.
Cuối cùng, Crimea cũng như Kaliningrad - hai khu vực chống tiếp cận A2/AD – cùng góp phần tạo nên mạng liên kết quan trọng trong “vòng chống kiềm chế” của Nga.