Chiến lược tăng cường vị thế tại “ao nhà” của Huawei

VietTimes – Trong bối cảnh công ty bị chính phủ Mỹ tấn công dữ dội trên mọi mặt trận, Huawei – nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới đồng thời cũng là nhà cung cấp điện thoại thông minh lớn thứ hai thế giới đang thực hiện chính sách đẩy mạnh việc kinh doanh tại thị trường trong nước.
Ảnh: SCMP
Ảnh: SCMP

Các sản phẩm mà Huawei tập trung vào bao gồm các thiết bị như điện thoại thông minh, thiết bị mạng, máy tính xách tay, hệ thống giám sát và dịch vụ điện toán đám mây.

Công ty có trụ sở tại Thâm Quyến này đang nhắm mục tiêu mở rộng thị phần điện thoại thông minh và thiết bị mạng viễn thông của mình ở Trung Quốc nhằm bù đắp cho những tổn thất ở nước ngoài do ảnh hưởng của lệnh cấm vận.

Chiến lược này của Huawei đã được đền đáp dựa trên kết quả phân tích từ lễ hội mua sắm trực tuyến 618 và quá trình đấu thầu thiết bị mạng 5G của China Mobile.

Các sản phẩm điện thoại thông minh mang thương hiệu Huawei xếp số 1 về mặt doanh số bán hàng trên JD.com (công ty thương mại điện tử lớn thứ 2 của Trung Quốc sau Alibaba) tính từ ngày 1/6 đến 18/6. Trong khi đó, Honor, thương hiệu con của công ty cũng xếp vị trí số 3 trên bảng xếp hạng của JD.com. Trong sự kiện mua sắm trực tuyến được tổ chức giữa năm nay, chỉ tính riêng thương hiệu Honor, có đến 7 mẫu thiết kế khác nhau được xếp vào danh sách top 12 sản phẩm được bán chạy nhất.

Bất chấp lệnh cấm vận của Mỹ, Huawei vẫn tiếp tục dẫn đầu và mở rộng thị phần của mình tại Trung Quốc, thị trường điện thoại thông minh lớn nhất thế giới. Mảng kinh doanh điện thoại thông minh chiếm khoảng 50% tổng doanh thu của Huawei vào năm 2018, theo theo Zaker Li, chuyên gia phân tích làm việc tại công ty nghiên cứu IHS Markit cho biết.

Theo ông Li, điện thoại thông minh Huawei đã giành được 36% thị phần tại Trung Quốc trong quý đầu tiên của năm 2019. Con số này rất có thể sẽ đạt trên 40% vào cuối năm nay. Sự mở rộng thị phần của Huawei ở Đại Lục cũng đang tạo thêm áp lực cho các đối thủ của họ như Xiaomi, Vivo và Oppo. Chiến dịch cấm vận của Mỹ vô tình lại tạo ra hiệu ứng tích cực khuyến khích người tiêu dùng Trung Quốc mua thiết bị của Huawei, theo ông Li.

Ảnh: SCMP

Huawei đã ước tính rằng điện thoại thông minh dòng P30 hàng đầu của công ty đã bán được 10 triệu chiếc chỉ trong vòng 85 ngày, lập kỷ lục doanh số trong ba tháng. Ảnh: SCMP

Ngày 6/6, China Mobile - nhà khai thác mạng không dây lớn nhất thế giới, đã công bố một phần kết quả của cuộc đấu thầu mạng 5G ban đầu, trong đó Huawei giành được 49% hợp đồng thiết bị MME / SGSN và 54% đơn đặt hàng SAE-GW / GGSN. Các thiết bị MME, SGSN giúp cung cấp tối ưu hóa và kiểm soát tín hiệu thiết bị trong mạng 5G, trong khi SAE-GW / GGSN chịu trách nhiệm quản lý và phân phối lưu lượng dữ liệu.


“Huawei là một trong những nhà cung cấp lớn của chúng tôi. Trong nhiều năm qua, họ đã liên tục cung cấp cho chúng tôi các sản phẩm và dịch vụ đặc biệt”, theo nhận định của China Mobile trong bản email công bố những kết quả đấu thầu.

Theo như một phần kết quả được công bố trong cuộc đấu thầu mạng 5G của China Mobile, chúng ta có thể đưa ra một cái nhìn bao quát về thị trường Trung Quốc sẽ được phân chia như thế nào. Thị phần của của các nhà cung cấp châu Âu đã bị thu hẹp đáng kể ở Trung Quốc trong 5 năm qua thậm chí có lúc đã chạm mức dưới đáy với con số khiêm tốn 20%.

Ảnh: Reuters

Một nhân viên của Huawei nói về việc lắp đặt các trạm gốc di động 5G trong buổi thuyết trình tại trụ sở của công ty ở Thâm Quyến vào ngày 29.5.2019. Ảnh: Reuters

Huawei đang cố gắng tối đa để tăng cường vị thế của mình tại Trung Quốc bởi lệnh cấm vận của Mỹ ước tính sẽ khiến Huawei thiệt hại đến 30 tỷ USD trong vòng hai năm và kìm hãm sự tăng trưởng của công ty. Theo ông Nhậm Chính Phi, người sáng lập Huawei cho biết doanh số điện thoại thông minh của công ty ở ngước ngoài đã giảm 40% nhưng không tiết lộ khoảng thời gian cụ thể.


Nếu lệnh cấm vận của Mỹ được thực thi hoàn toàn, điện thoại thông minh do Huawei sản xuất sẽ không còn được nhận bản cập nhật của hệ điều hành Android nữa, đồng thời cũng không được nhận bất cứ sự hỗ trợ kỹ thuật nào từ Google. Vì vậy, có khả năng lớn là nó sẽ mất một phần lớn doanh số mảng kinh doanh điện thoại thông minh ở nước ngoài vì người dùng quốc tế phục thuộc rất nhiều vào các ứng dụng của Google.

Lệnh cấm cũng khiến Huawei phải trì hoãn vô thời hạn việc ra mắt máy tính xách tay mới của công ty.

“Gã khổng lồ công nghệ viễn thông” cũng đang phải đối mặt với một loạt các cáo buộc của Mỹ liên quan đến việc đánh cắp bí mật thương mại, vi phạm các lệnh trừng phạt kinh tế , làm gián điệp cho chính phủ Trung Quốc. Cả Huawei và chính phủ Trung Quốc đều nhiều lần phủ nhận cáo buộc này với lý do thiếu bằng chứng.

Những diễn biến trên khiến cuộc chiến tranh lạnh công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng leo thang, một thỏa thuận “ngừng bắn” giữa hai cường quốc đang rơi vào bế tắc.

Nhiều nhà phân tích lo ngại rằng việc Mỹ cấm vận Huawei là một tín hiệu nguy hiểm cho chuỗi cung ứng thiết bị công nghệ trên toàn cầu. Một số nhà cung cấp công nghệ cao của Mỹ đã tìm cách “lách” lệnh cấm để tiếp tục làm ăn với Huawei.

Micron, nhà sản xuất chip nhớ máy tính lớn nhất Hoa Kỳ, cho biết công ty đã khởi động lại việc vận chuyển một số lô hàng cho Huawei sau khi xác định được một bộ phận nhỏ các sản phẩm mà công ty bán cho Huawei “không phải” tuân theo các quy tắc trong danh sách đen thương mại. Đây là một tín hiệu tốt cho việc thúc đẩy doanh số cho Huawei.

Tuy nhiên, triển vọng kinh doanh dài hạn của công ty vẫn phải phụ thuộc vào tiến trình giải quyết các xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Hiện tại, mọi sự chú ý đang đổ dồn vào Hội Nghị Thượng đỉnh G20 được tổ chức vào Nhật Bản vào cuối tuần này.

Theo SCMP