Chi phí thuê nghệ sĩ, diễn viên, người nổi tiếng quảng bá sản phẩm lên đến cả trăm triệu đồng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Với 90% người mua hàng tin tưởng vào các đánh giá của Influencer, chi phí cho các Influencer ở Việt Nam được đẩy lên cao, có thể lên tới 100 triệu đồng đối với Mega Influencer. 
Cùng với sự phát triển của mạng xã hội, Influencer Marketing cũng “lên như diều gặp gió” và nhanh trong trở thành xu hướng hàng đầu trong năm qua - Ảnh minh hoạ.
Cùng với sự phát triển của mạng xã hội, Influencer Marketing cũng “lên như diều gặp gió” và nhanh trong trở thành xu hướng hàng đầu trong năm qua - Ảnh minh hoạ.

Thông tin trên được đưa ra tại toạ đàm trực tuyến công bố báo cáo “Thị trường quảng cáo số Việt Nam 2021: Chiến lược đón đầu và đột phá” do Công ty quảng cáo Adsota và SOL Premier phát hành hôm nay (1/6). Báo cáo chỉ ra sự thay đổi của Digital Marketing Việt Nam trong giai đoạn “bình thường mới" cũng như những kinh nghiệm thực chiến qua mùa dịch của các thương hiệu lớn tại Việt Nam.

Báo cáo “Thị trường quảng cáo số Việt Nam 2021" đưa ra con số: 90% người mua hàng Việt Nam tin tưởng vào các đánh giá của Influencer, trong khi đó chỉ có 33% tin tưởng vào quảng cáo từ các nhãn hàng. Trên thực tế, COVID-19 đã tạo ra ảnh hưởng lớn tới cộng đồng Influencer, bởi phần đông người dùng đến với họ do yêu thích những trải nghiệm phong phú và mới lạ.

Nhờ sự đa dạng về lĩnh vực và khả năng truyền tải nội dung tài tình, Influencer Marketing đã trở thành "con cưng" của rất nhiều ngành hàng, điển hình là hàng tiêu dùng nhanh, công nghệ, làm đẹp, thương mại điện tử,...

"Bên cạnh đó, sự đa dạng về mức chi phí cũng khiến Influencer trở thành lựa chọn phù hợp với rất nhiều mục đích và quy mô doanh nghiệp. Chi phí cho các Influencer ở Việt Nam dao động từ 500.000 - 1.500.000 đồng đối với Nano Influencer và lên đến 45 - 100 triệu đồng đối với Mega Influencer" - Báo cáo nêu rõ.

Cũng theo Adsota, các Mega Influencer thường là các diễn viên, nghệ sĩ, những người nổi tiếng với lượt theo dõi khủng trên mạng xã hội. Đây là những Influencer có lượng reach cao nhất trong số 3 nhóm Influencer bởi họ đã tạo dựng được thương hiệu riêng, có những sản phẩm riêng khiến cộng đồng nhớ đến họ.

Các Mega Influencer có khả năng tạo độ nhận diện cho nhãn hàng. Với số lượng người theo dõi lớn, họ sẽ góp phần đưa hình ảnh thương hiệu đến với nhiều người hơn, đôi khi còn có thể giúp nhãn hàng khai phá ra thêm nhiều khách hàng tiềm năng bên ngoài tập khách hàng mục tiêu của mình.

Hành vi mua sắm thay đổi

Trước ảnh hưởng rõ rệt của đại dịch COVID-19, hành vi mua hàng của người tiêu dùng Việt Nam đã có những sự thay đổi nhất định. Các hoạt động mua sắm bên ngoài như siêu thị, cửa hàng hay chợ truyền thống được người tiêu dùng giảm thiểu tối đa. Thay vào đó, họ có xu hướng tăng cường và tập trung hơn cho những chi tiêu có thể thực hiện tại nhà.

Những mặt hàng có mức chi tiêu tăng trưởng mạnh trong mùa dịch là các mặt hàng thiết yếu (đặc biệt là thực phẩm), dịch vụ Internet, nhà ở & tiện ích và chăm sóc sức khỏe. Trái ngược với xu hướng gia tăng này, việc chi tiêu cho các sản phẩm, dịch vụ làm đẹp và giải trí giảm mạnh do những biện pháp ngăn cách xã hội nghiêm ngặt từ chính phủ để hạn chế khả năng lan rộng của dịch bệnh.

Bên cạnh đó, ảnh hưởng của dịch bệnh khiến độ nhạy cảm về giá của người tiêu dùng không còn là yếu tố hàng đầu trong việc ra quyết định mua sắm. Thời điểm này, người tiêu dùng có xu hướng tiết kiệm hơn, nhưng thay vì lựa chọn những mặt hàng giá rẻ họ lại quan tâm tới những sản phẩm có chất lượng tốt và có lợi cho sức khỏe.

Sự thay đổi của các kế hoạch chi tiêu hàng tháng trong gia đình dưới tác động của COVID-19

Sự thay đổi của các kế hoạch chi tiêu hàng tháng trong gia đình dưới tác động của COVID-19

Ví dụ, đối với mặt hàng thực phẩm, số liệu khảo sát cho thấy hơn 60% hộ gia đình Việt Nam sử dụng đồ uống không đường hoặc ít đường. Các sản phẩm thay thế sữa hoặc không có sữa cũng đang dần phổ biến ví dụ như “sữa hạt” - đồ uống làm từ các loại hạt được cho là bổ dưỡng hơn đối với sức khỏe tim mạch so với sữa thông thường. Cùng với đó, giá cả vẫn là yếu tố quan trọng đối với các mặt hàng điện tử. Tuy nhiên 2 tiêu chí khiến khách hàng “xuống tiền” cho mặt hàng này lại là chất lượng cao và thương hiệu uy tín lâu đời.

70% dân số dành thời hơn 7 giờ mỗi ngày để truy cập Internet

Việt Nam luôn được đánh giá là quốc gia có tỷ lệ thâm nhập Internet lớn trên thế giới. Với dân số khoảng 98 triệu người, độ tuổi trẻ, lượng người truy cập Internet tại nước ta lên tới 70% dân số với 155 triệu thuê bao di động, đứng thứ 5 toàn cầu về tỷ lệ thuê bao trên dân số cả nước. Nhờ chi phí Internet thấp nhưng tốc độ kết nối lại cao, thời gian người dân dành thời gian lên mạng rất nhiều và diễn ra thường xuyên.

Báo cáo chỉ ra, trong năm 2019, trung bình mỗi người Việt dành khoảng 6.5 tiếng một ngày để truy cập Internet. COVID-19 diễn ra, các hình thức giải trí ngoài trời bị hạn chế càng khiến cho lượng thời gian này tăng lên tới 7 tiếng mỗi ngày.

Cùng với đó, thị trường thiết bị di động tại nước ta đã phát triển vô cùng ấn tượng với 97% lượng người sử dụng Internet tại Việt Nam truy cập bằng các thiết bị di động theo báo cáo từ We are Social. Đại dịch COVID-19 kéo dài đi kèm những đợt giãn cách xã hội bất ngờ đã khiến nhu cầu sở hữu và sử dụng thiết bị truy cập Internet để làm việc, học tập, giải trí tại nhà tăng cao.

Nhờ những điều kiện trên, Internet dễ dàng trở thành một thứ “quốc dân” tại Việt Nam. Người dân có khả năng truy cập các nền tảng kỹ thuật số mọi lúc mọi nơi. Trong bối cảnh đó, lời giải cho bài toán tiếp cận khách hàng phù hợp và hiệu quả hơn để đón đầu và bứt phá trong kinh doanh của doanh nghiệp Việt phải là tiếp thị số.

Theo báo cáo từ Adsota, trong bối cảnh COVID-19, các nền tảng TMĐT tại Việt Nam chi nhận tăng trưởng người dùng mới lên tới 41%. Ngạc nhiên hơn, có tới 91% trong số đó quyết định sẽ tiếp tục sử dụng các nền tảng TMĐT này kể cả khi thế giới đã vượt qua đại dịch.

Tỷ lệ khách hàng Digital mới được ghi nhận tại các quốc gia.

Tỷ lệ khách hàng Digital mới được ghi nhận tại các quốc gia.

Trong bối cảnh đó, thói quen và hành vi người tiêu dùng cũng đã thay đổi để kịp thời thích nghi với việc mua bán trao đổi hàng hóa theo kiểu mới. Vì vậy, để làm quen, tiếp cận và đưa sản phẩm tới cho họ đòi hỏi doanh nghiệp phải nhanh chóng thấu hiểu và tìm cách cá nhân hóa trải nghiệm người tiêu dùng trong sự “bình thường mới” này.