Chỉ huy quân đội Mỹ khẳng định có thể dùng quân lực ngăn cản Trung Quốc đánh chiếm Đài Loan

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Tại cuộc điều trần về dự toán ngân sách quốc phòng năm tài chính 2022 mới đây, các chỉ huy quân đội Mỹ đã khẳng định: Mỹ có đủ năng lực ngăn cản Trung Quốc đánh chiếm Đài Loan.
Tướng Mark Milley. Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ khẳng định: nếu Đài Loan không đủ sức tự bảo vệ, Mỹ sẽ dùng quân sự giúp ngăn chặn PLA (Ảnh: AP).
Tướng Mark Milley. Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ khẳng định: nếu Đài Loan không đủ sức tự bảo vệ, Mỹ sẽ dùng quân sự giúp ngăn chặn PLA (Ảnh: AP).

Theo trang Chinatimes ngày 12/6 dẫn nguồn Đài CNN, tại phiên điều trần về ngân sách quốc phòng của Mỹ cho tài khóa 2022 được tổ chức tại Quốc hội vào ngày 10/6, Trung Quốc đã trở thành tâm điểm của các cuộc thảo luận giữa các giới chính trị, các nhà hoạch định chính sách và giới chỉ huy quân đội. Trong đó, khi Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Josh Hawley bang Missouri nêu câu hỏi: nếu quân đội Trung Quốc tiến công chiếm Đài Loan bằng vũ lực, liệu quân đội Mỹ có thể bảo vệ Đài Loan hay không; tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ đã tuyên bố: Mỹ hoàn toàn có khả năng ngăn chặn việc Trung Quốc đại lục đánh chiếm Đài Loan.

Bản tin của CNN cho biết, Trung Quốc đã trở thành tâm điểm chú ý trong ngân sách quốc phòng của Lầu Năm Góc. Khi Thượng nghị sĩ Dan Sullivan của bang Arkansas hỏi, "Trọng điểm quan tâm của Bộ Quốc phòng là Trung Quốc hay chủ đề biến đổi khí hậu?", Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin nhấn mạnh "Chúng tôi lo ngại nhất là các mối đe dọa quân sự. Ngài có thể thấy tôi đề cập đến cái tên Trung Quốc cả 100 lần rồi đó".

Tại buổi điều trần, các tướng lĩnh quân đội Mỹ khẳng định Trung Quốc đang xây dựng một quân đội ngày càng có tính xâm lược, gia tăng ảnh hưởng trong khu vực, đồng thời nỗ lực hoạt động để thay thế quyền lực quân sự của Mỹ ở châu Á.

Việc máy bay vận tải chiến lược C-17 của quân đội Mỹ lần đầu tiên chở các Thượng nghị sỹ Mỹ hạ cánh xuống sân bay Đài Bắc được cho là gửi đi tín hiệu mạnh mẽ tới Bắc Kinh (Ảnh: AP).

Việc máy bay vận tải chiến lược C-17 của quân đội Mỹ lần đầu tiên chở các Thượng nghị sỹ Mỹ hạ cánh xuống sân bay Đài Bắc được cho là gửi đi tín hiệu mạnh mẽ tới Bắc Kinh (Ảnh: AP).

Điều này đã khiến Biển Đông trở thành điểm tiềm ẩn xung đột trong khu vực. Bắc Kinh tiếp tục xây dựng các đảo nhân tạo ở Biển Đông, rải lực lượng dân quân biển khổng lồ và thậm chí mưu đồ khống chế Đài Loan. Trong năm qua, Trung Quốc đã thông qua các hoạt động cho máy bay quân sự gây rối Đài Loan để cố gắng đưa Đài Loan vào dưới cánh máy bay của họ.

Do đó, nếu nói cuộc điều trần này xoay quanh mối đe dọa của Trung Quốc, thì Đài Loan đã trở thành trọng điểm của trọng điểm. Josh Hawley nêu câu hỏi liệu Mỹ có thể bảo vệ Đài Loan nếu Trung Quốc đánh chiếm Đài Loan bằng vũ lực hay không. Về vấn đề này, tướng Mark Milley nói: "Tôi có thể đảm bảo với Ngài rằng nếu chính phủ đưa ra các quyết định chính trị phù hợp với Đạo luật Quan hệ Đài Loan, chúng ta hoàn toàn có đủ khả năng ngăn chặn Bắc Kinh xâm phạm Đài Loan”.

Ông nhấn mạnh rằng quân đội Trung Quốc có khó khăn khi đánh chiếm Đài Loan thông qua tấn công quân sự, đặc biệt là phải vượt qua eo biển và đánh chiếm một hòn đảo lớn như Đài Loan, trên đó có một quân đội khá quy mô và dân số đáng kể. Một hành động quân sự như vậy rất phức tạp và khó khăn.

Mỹ tập trung số lượng lứn máy bay ném bom chiến lược, máy bay chiến đấu, UAV quân sự ở căn cứ Anderson, Guam là nhằm răn đe Trung Quốc (Ảnh: CNN).

Mỹ tập trung số lượng lứn máy bay ném bom chiến lược, máy bay chiến đấu, UAV quân sự ở căn cứ Anderson, Guam là nhằm răn đe Trung Quốc (Ảnh: CNN).

Khi Thượng nghị sỹ Josh Hawley hỏi thêm rằng: “Nếu Đài Loan không thể một mình chống lại sự xâm lược của Trung Quốc đại lục, liệu Mỹ có thể dùng quân sự ngăn chặn hành động xâm lược của Đại lục hay không?”, Mark Milley đã trả lời ngay: "Có!".

Một ngày trước hôm diễn ra phiên điều trần, vào ngày 9/6, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã ban hành một chỉ thị nội bộ, yêu cầu quân đội Mỹ tập trung vào những thách thức do Trung Quốc mang lại và tập trung toàn lực để chủ động ứng phó. Bản tin CNN nói, Tổng thống Joe Biden đã thành lập một "Nhóm công tác Trung Quốc" vào tháng 2 năm 2021 để nghiên cứu các mối đe dọa mà Bắc Kinh gây ra cho Mỹ; hiện nhóm này đã hoàn thành báo cáo và đệ trình cho ông Austin, và Bộ trưởng Quốc phòng đã ban hành chỉ thị nội bộ sau khi đọc báo cáo này.

Ông Lloyd Austin nêu rõ trong tuyên bố rằng Lầu Năm Góc sẽ tập trung vào việc tăng cường khả năng hợp tác của quân đội Mỹ với các đối tác, nâng cao khả năng răn đe, đẩy nhanh việc đưa ra các khái niệm tác chiến mới, sử dụng các công nghệ mới, nâng cao thế trận lực lượng trong tương lai và hiện đại hóa việc giáo dục quân sự và dân sự.

Mặc dù chỉ thị này của ông Austin có các vấn đề về bảo mật; nhưng trong phiên điều trần của Ủy ban Quân lực Thượng viện, ông vẫn đề cập rằng ngân sách quốc phòng 715 tỷ USD là do quân đội Mỹ thấy rõ những thách thức mà Trung Quốc đặt ra. Ngân sách này sẽ chi cho Pacific Deterrence Initiative (Sáng kiến ​​Răn đe Thái Bình Dương) tổng số tiền hơn 5 tỷ USD.

Sáng kiến ​​Răn đe Thái Bình Dương có thời hạn 5 năm và 5 tỷ USD sẽ được sử dụng để nâng cấp thiết bị quân sự của Mỹ trong khu vực, bao gồm hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis ở Guam, hệ thống phòng thủ radar mới ở Hawaii, nâng cấp thiết bị trinh sát và tình báo, mua thêm đạn dược, và giúp khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương có thêm lực lượng hải quân, không quân và lính thủy đánh bộ cũng như gia tăng các cuộc tập trận huấn luyện thêm sự phối hợp giữa Mỹ với các đồng minh và đối tác.

Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin ngày 9/6 đã ban hành một chỉ thị nội bộ, yêu cầu quân đội Mỹ tập trung toàn lực đối phó những thách thức do Trung Quốc mang lại (Ảnh: Reuters).

Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin ngày 9/6 đã ban hành một chỉ thị nội bộ, yêu cầu quân đội Mỹ tập trung toàn lực đối phó những thách thức do Trung Quốc mang lại (Ảnh: Reuters).

Trên thực tế, tổ chức tư vấn RAND ở Washington trong tuần này đã đưa ra một báo cáo cảnh báo Mỹ về sự cần thiết phải chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh ở châu Á và thậm chí trên toàn thế giới theo một cách rộng rãi hơn. "Với việc gia tăng cạnh tranh, các nhà hoạch định quân sự của Mỹ phải mở rộng các địa điểm Trung Quốc có thể gây ra các trường hợp khẩn cấp ra ngoài các điểm nóng gây tranh cãi truyền thống như Đài Loan".

Báo cáo nhấn mạnh, Washington phải duy trì ảnh hưởng ở Trung Đông, châu Phi và châu Mỹ Latinh; nếu không, Bắc Kinh sẽ sớm vươn ra thọc tay vào những nơi đó. "Thành công của Bắc Kinh trong việc trở thành trọng tài trong các vấn đề Trung Đông, một quốc gia viện trợ lớn cho sự phát triển kinh tế châu Phi và một đối tác ở Mỹ Latinh sẽ làm suy yếu vị thế chiến lược của Mỹ với tư cách là nhà lãnh đạo toàn cầu và cũng ảnh hưởng đến vị thế của Washington ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương".

Tuy nhiên, báo cáo cũng nhận định rằng Mỹ vẫn được hưởng những lợi thế và nên thúc đẩy hỗ trợ các đồng minh và đối tác. Báo cáo cũng nhấn mạnh rằng đối với nhiều quốc gia, đặc biệt là các quốc gia châu Á, quân đội Trung Quốc vẫn là một đối tác kém hấp dẫn. Điều này hạn chế khả năng duy trì nguồn lực công cộng như an ninh của quốc gia này và đây là chìa khóa thành công trong vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ.

Điều này trùng khớp với nhận xét của ông Lloyd Austin về báo cáo của Nhóm công tác Trung Quốc. Trong một thông cáo báo chí của Bộ Quốc phòng gửi nhóm công tác, Lầu Năm Góc nhấn mạnh: “Đối với quân nhân, việc tăng cường mối quan hệ với các đồng minh và đối tác là điều đáng quan tâm nhất. Tăng cường mối quan hệ giữa các quân đội là một phần của loại kết nối này, quân đội Mỹ sẽ tiến hành thêm nhiều cuộc tập trận hơn với các đồng minh và đối tác".