Mỹ vẫn tranh cãi và mập mờ trong việc bảo vệ Đài Loan nếu bị Trung Quốc tấn công

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Nam
VietTimes – Mặc dù giới lập pháp và chính phủ Mỹ hiện nay đều đã có nhận thức chung về Trung Quốc, nhất là trong vấn đề Đài Loan nhưng vẫn không thoát khỏi sự mập mờ về chính sách, nhất là trong việc bảo vệ Đài Loan.
PLA liên tục tiến hành các cuộc diễn tập đổ bộ đe dọa Đài Loan (Ảnh: Dwnews).
PLA liên tục tiến hành các cuộc diễn tập đổ bộ đe dọa Đài Loan (Ảnh: Dwnews).

Trang tin Đa Chiều có lượng người đọc lớn trong cộng đồng Hoa ngữ hôm 26/5 đăng bài viết nhan đề: “Dự đoán thời gian biểu Trung Quốc sử dụng vũ lực, Mỹ vẫn chưa làm rõ được sự lựa chọn về Đài Loan”. Bài báo cho rằng, các nhà lập pháp và hoạch định chính sách của Mỹ đã đạt được sự đồng thuận về vấn đề Trung Quốc. Họ thống nhất nhận ra rằng Trung Quốc ngày nay không phải là Trung Quốc của mười hay hai mươi năm trước; cần phải sử dụng sức mạnh toàn bộ chính phủ để kiềm chế họ một cách toàn diện. Theo từ ngữ của Nhà Trắng, đó là triển khai "cạnh tranh khắc nghiệt", đối đầu trong mọi lĩnh vực cần đối đầu. Đây đã là sự đồng thuận mới của Washington. Trong sự đồng thuận cứng rắn đối với Trung Quốc mang tính xuyên đảng phái này, Đài Loan chiếm tuyệt đại đa số, trong khi các vấn đề như Tân Cương, Hồng Kông và Huawei thực sự chỉ chiếm một phần nhỏ.

Tuy nhiên, vẫn còn một số tranh cãi và chưa chắc chắn về cách tăng cường khả năng răn đe của Mỹ ở eo biển Đài Loan, cách xác định vai trò của các đồng minh trong việc chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc ở eo biển Đài Loan và liệu Mỹ có hay không giúp đỡ bảo vệ Đài Loan hoặc bảo vệ Đài Loan như thế nào.

Bà Thái Anh Văn thị sát một đơn vị quân đội tiến hành diễn tập (Ảnh: CNA).

Bà Thái Anh Văn thị sát một đơn vị quân đội tiến hành diễn tập (Ảnh: CNA).

Bài báo viết, vào cuối tháng 5, cựu chuyên gia phân tích quân sự Mỹ Daniel Ellsberg đã tiết lộ cho tờ The New York Times của Mỹ một tài liệu mật, đề cập rằng khi quân đội Trung Quốc pháo kích Kim Môn vào năm 1958, giới chỉ huy cấp cao quân đội Mỹ đã xem xét sử dụng Vũ khí hạt nhân chống lại Trung Quốc đại lục để "bảo vệ Đài Loan".

Ngay từ cuối thế kỷ trước, các tài liệu mật liên quan đến việc Mỹ xem xét sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại Trung Quốc đại lục đã dần được công khai. Ví dụ, trong Chiến tranh Triều Tiên và cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan lần thứ nhất năm 1955, chính phủ của Tổng thống Dwight David Eisenhower lúc bấy giờ đã cân nhắc sử dụng một "cuộc tấn công hạt nhân" vào đại lục. Trong cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan lần thứ hai năm 1958, các quan chức quân sự cấp cao trong chính quyền Eisenhower vẫn giữ quan điểm này.

Có thể nói, chính phủ Eisenhower chưa bao giờ loại trừ hoàn toàn lựa chọn sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại Trung Quốc đại lục. Do đó, tiết lộ mới đây này không có gì mới.

Dưới thời Joe Biden, tàu chiến Mỹ vẫn thường xuyên thực hiện tự do hàng hải xuyên qua eo biển Đài Loan (Ảnh: HĐ7).

Dưới thời Joe Biden, tàu chiến Mỹ vẫn thường xuyên thực hiện tự do hàng hải xuyên qua eo biển Đài Loan (Ảnh: HĐ7).

Tuy nhiên, Đa Chiều cho rằng, việc xuất hiện tin tức này hoàn toàn không phải là một sự kiện độc lập, nó rất phù hợp với không khí dư luận hiện nay ở Mỹ và càng phù hợp hơn với môi trường quốc tế cạnh tranh toàn diện giữa Trung Quốc và Mỹ hiện nay.

Vào đầu tháng 5, trên các cơ quan truyền thông Mỹ có một cuộc tranh luận về hai quan điểm bỏ rơi Đài Loan và ủng hộ Đài Loan. Ví dụ, vào ngày 3/5, Blake Herzinger, một nhà phân tích tại Trung tâm An ninh Hàng hải Quốc tế (CIMSEC), sĩ quan Dự bị Hải quân Mỹ, đã viết một bài báo trên tạp chí Foreign Policy, bác bỏ bài báo chủ trương từ bỏ Đài Loan của học giả người Mỹ Charles Glaser trên tạp chí Foreign Affairs hồi cuối tháng 4; chỉ ra rằng việc Mỹ bỏ rơi Đài Loan, một đồng minh dân chủ, là bị chấm điểm 0 cả về mặt đạo đức và chiến lược.

Một bài báo đăng ngày 28/4 của Michael E. O'Hanlon, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Brookings, cũng cho rằng Mỹ cam kết bảo vệ Đài Loan không có nghĩa là Mỹ sẽ thực hiện lời hứa của mình. Chiến lược khả thi nhất của Mỹ là chú trọng một cuộc chiến tranh kinh tế toàn diện chống lại Trung Quốc, tức là Mỹ liên kết với các đồng minh cắt đứt mọi quan hệ thương mại với Trung Quốc ngay từ khi bắt đầu bùng nổ chiến tranh.

Sĩ quan Mỹ tham gia tập trận chung với quân đội Đài Loan (Ảnh: 163.com).

Sĩ quan Mỹ tham gia tập trận chung với quân đội Đài Loan (Ảnh: 163.com).

Logic của ông O'Hanlon là trừ khi Trung Quốc tiếp tục dựa vào xuất khẩu như trước đây, cũng tức là nước này tiếp tục dựa vào thị trường và công nghệ phương Tây. Theo quan điểm của ông, Mỹ giúp bảo vệ Đài Loan bằng nhiều cách khác nhau, không nhất thiết phải trực tiếp bảo vệ Đài Loan.

Kiểu tranh luận này về việc làm thế nào hoặc có nên " protect Taiwan" (bảo vệ Đài Loan) hay không phần lớn bắt nguồn từ "Đạo luật Quan hệ Đài Loan" (Taiwan Relations Act, TRA).

Đạo luật này định nghĩa Đài Loan là "Nhà đương cục Đài Loan" (Governing Authority on Taiwan), bỏ không dùng tên gọi “Trung Hoa Dân quốc” (Republic of China) được chính phủ Mỹ sử dụng trước năm 1979, bao hàm cả đảo Đài Loan và quần đảo Bành Hồ. Khi chính phủ Jim Carter ký đạo luật này, nó cũng bãi bỏ Hiệp ước Tương trợ Trung - Mỹ được ký kết với "Trung Hoa Dân Quốc". Đạo luật đề cập rõ ràng rằng Mỹ cung cấp cho Đài Loan số lượng vật tư quốc phòng và dịch vụ công nghệ cần thiết để Đài Loan có thể duy trì đủ năng lực tự vệ (sufficient self-defense capacity). Trong số đó, chủng loại và số lượng vật tư và dịch vụ công nghệ quốc phòng do Tổng thống và Quốc hội quyết định.

Động từ "defend" (phòng thủ) không hề xuất hiện trong toàn bộ văn bản của TRA, cũng không có hàm ý "Mỹ phòng thủ", chỉ nhấn mạnh phòng vệ (defense) Đài Loan, đồng thời ủy quyền cấp phòng vệ cho Nhà Trắng và Quốc hội. Tổng thống Carter khi ký đạo luật vào thời điểm đó cũng đề cập rằng đạo luật này chỉ đơn thuần cung cấp cho tổng thống "một sự lựa chọn", tức là tham gia vào cuộc chiến bảo vệ Đài Loan. Điều này cuối cùng được hiểu là sự mơ hồ (mập mờ) về chiến lược.

Do đó, TRA không xác định quân đội Mỹ phải bảo vệ Đài Loan. Tuy nhiên, các đảng chính trị và chính trị gia khác nhau ở Mỹ sẽ giải thích căn cứ dự luật này để đưa ra giải thích khác nhau.

Lính thủy đánh bộ Trung Quốc diễn tập đánh chiếm đảo (Ảnh: Dwnews).

Lính thủy đánh bộ Trung Quốc diễn tập đánh chiếm đảo (Ảnh: Dwnews).

Ví dụ, cương lĩnh năm 2020 của Đảng Dân chủ nhấn mạnh rằng đảng này nỗ lực thực hiện TRA và tiếp tục cam kết với an ninh của Đài Loan; Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ giải quyết hòa bình các vấn đề xuyên eo biển theo cách phù hợp với nguyện vọng và lợi ích tốt nhất của người dân Đài Loan. Sau khi ông Joe Biden lên nắm quyền, Hiệp hội Hoa Kỳ tại Đài Loan (AIT) cũng nhấn mạnh lập trường này.

Đảng Cộng hòa hơi khác một chút. Cương lĩnh của Đảng Cộng hòa năm 2016 đã đề cập đến cụm từ "bảo vệ Đài Loan" (defend Taiwan). Cương lĩnh của đảng nhấn mạnh việc tuân thủ TRA và Sáu điều bảo đảm của Mỹ đối với Đài Loan, ủng hộ việc giải quyết hòa bình cho tương lai của Đài Loan thông qua đối thoại hòa bình và phải được người dân Đài Loan chấp nhận. Sau đó, nó nhấn mạnh: Nếu Trung Quốc (đại lục) vi phạm các nguyên tắc này, Hoa Kỳ sẽ giúp bảo vệ Đài Loan theo TRA (If China were to violate those principles, the United States, in accord with the Taiwan Relations Act, will help Taiwan defend itself).

"Help Taiwan defend itself " có nghĩa là giúp phòng vệ Đài Loan, cả quân đội Mỹ và Đài Loan đều tham gia, quân đội Mỹ cũng có thể không tham gia. Điều này hơi khác với "help Taiwan to defend itself".

Trò chơi chữ kiểu này vẫn là phản ánh sự “mơ hồ” trong chính sách của Mỹ đối với Đài Loan. Những tranh cãi xung quanh sự mập mờ này thực ra phản ánh sự lo ngại trong nước về việc quân đội Mỹ rốt cuộc nên phản ứng như thế nào đối với cuộc xung đột tiềm tàng ở eo biển Đài Loan.

Một tháng trước đây, sau khi chính quyền Joe Biden điều tàu chiến xuyên qua eo biển Đài Loan hai lần, Trung Quốc đã phá kỷ lục đưa 25 máy bay quân sự, bao gồm máy bay ném bom có khả năng tấn công hạt nhân và máy bay chiến đấu bay vào không phận Đài Loan. Vào ngày 11/5, quân đội Trung Quốc lại thông báo về các cuộc tập trận đổ bộ của PLA nhằm vào Đài Loan. Nguy cơ va chạm và xung đột giữa Trung Quốc và Mỹ ở eo biển Đài Loan đã tăng lên rõ rệt.

Điều đáng lo ngại là đã không có cuộc tranh luận nghiêm túc trong nội bộ Washington về cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc ở eo biển Đài Loan, dẫn đến leo thang xung đột và phát triển thành chiến tranh. Hầu hết những lời nói và việc làm ủng hộ Đài Loan của các chính khách quốc hội đều là những hành động tùy tiện dựa trên lợi ích bầu cử. Xét từ các bài phát biểu gần đây của một số sĩ quan quân đội và các tướng lĩnh Mỹ đã nghỉ hưu, họ đã bắt đầu thảo luận về thời gian biểu cho việc Trung Quốc sử dụng vũ lực chống lại Đài Loan, vì cảm thấy rằng có thể có rắc rối ở eo biển Đài Loan, Mỹ buộc phải chuẩn bị một phương án để đối phó với trường hợp khẩn cấp ở eo biển Đài Loan.

Sau khi ông Joe Biden lên nắm quyền, Mỹ tiếp tục bán các vũ khí tiến công cho Đài Loan (Ảnh: Đông Phương).

Sau khi ông Joe Biden lên nắm quyền, Mỹ tiếp tục bán các vũ khí tiến công cho Đài Loan (Ảnh: Đông Phương).

Qua xem xét 100 ngày cầm quyền của ông Biden, chính phủ Mỹ mới đã tiếp tục chính sách cánh hữu và tiếp tục tăng cường liên hệ với Đài Loan, bao gồm cả các tương tác cấp cao và chuẩn bị bán vũ khí cho Đài Loan. Trong khi xem xét lại chiến lược châu Á và chiến lược Trung Quốc, chính quyền Joe Biden cũng dự kiến ​​sẽ chuyển nhiều nguồn lực quân sự hơn đến châu Á - Thái Bình Dương hoặc Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Về cơ bản, dựa trên cơ sở chiến lược tái cân bằng trong thời kỳ sau của chính quyền Obama, chính quyền Biden sẽ tiếp tục tầm nhìn Ấn Độ - Thái Bình Dương dưới thời Donald Trump, nâng cấp việc chuyển giao và triển khai các nguồn lực quân sự trên khắp các khu vực xung quanh Trung Quốc.

Đa Chiều kết luận, về cách bảo vệ Đài Loan như thế nào, ông Biden vẫn đang dao động giữa mập mờ và rõ ràng về chiến lược. Phân tích gần đây của ông Richard Bush, cựu chủ tịch Hiệp hội Mỹ tại Đài Loan (AIT), là phù hợp và thực tế nhất, ông cho rằng chính phủ Biden nên tăng cường quan hệ kinh tế với Đài Loan một cách nhẹ nhàng và kín kẽ. Nhưng Richard Bush cũng cảnh báo giới truyền thông Đài Loan rằng trong khi Joe Biden gây áp lực buộc Bắc Kinh phải kiềm chế trong vấn đề Đài Loan, ông cũng không thể "bật đèn xanh" cho Đài Loan. Nếu hành động của Đài Loan dẫn đến xung đột và chiến tranh, Mỹ sẽ không trả giá bằng cách hy sinh mình để bảo vệ Đài Loan.