Chỉ định thầu dự án BOT đều với lý do chỉ có một nhà đầu tư

VietTimes – Đó là kết luận của Thanh tra Chính phủ (TTCP) về việc chấp hành quy định của pháp luật trong việc thực hiện một số dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng- chuyển giao (BT), hợp đồng xây dựng- kinh doanh- chuyển giao (BOT) trong lĩnh vực giao thông, môi trường tại Bộ GTVT.
Tiền lẻ được các tài xế chuẩn bị để qua trạm quốc lộ 5 Ảnh Thanh Niên
Tiền lẻ được các tài xế chuẩn bị để qua trạm quốc lộ 5 Ảnh Thanh Niên

Theo TTCP, từ khi triển khai đầu tư theo hình thức hợp đồng BT, BOT trong lĩnh vực giao thông đến nay, đã có hơn 70 dự án đã được thực hiện mà không lựa chọn được nhà đầu tư nào theo hình thức đấu thầu. Đặc biệt, có tới 100% dự án là chỉ định thầu với lý do chỉ có một nhà đầu tư tham gia, trong đó có cả nhà đầu tư được lựa chọn chưa đảm bảo năng lực hoặc do tính cấp bách của dự án, nhưng lại không có quy trình, thủ tục đánh giá, xác định thế nào là dự án cấp bách

Điều này dẫn đến việc đàm phán ký kết nội dung hợp đồng, hình thức hợp đồng, giám sát quản lý thực hiện hợp đồng, quản lý vốn đầu tư hết sức phức tạp, nhiều bất cập sai sót, làm hạn chế hiệu quả thực hiện các dự án cũng như chủ trương đầu tư chung.

Bên cạnh đó, quyết định chủ trương đầu tư một số dự án còn bất hợp lý trong cân đối tổng thể và quy hoạch, việc phê duyệt một số nội dung đầu tư, tổng mức đầu tư chưa đúng quy định, còn một số khoản sai lệch.

Hiện, Bộ GTVT chưa có nghiên cứu đánh giá tổng thể, toàn diện thực trạng giao thông để từ đó cân đối, so sánh đầy đủ trên toàn hệ thống về sự cần thiết, về lộ trình đầu tư theo từng hình thức đầu tư trong đó có hình thức đầu tư theo hợp đồng BT, BOT.

Các dự án BT, BOT hầu hết thực hiện ở những khu vực giao thông trọng yếu, có mật độ người, phương tiện tham gia giao thông lớn, đặt một số trạm thu phí có khoảng cách gần nhau bất hợp lý, giá phí cao, tăng nhanh, gây khó khăn với người tham gia giao thông không có sự lựa chọn khác.

Trong khi đó, phần lớn các dự án BOT là cải tạo nâng cấp tuyến đường cũ nên càng tăng tình trạng dồn tích phương tiện giao thông ở những khu vực vốn đã đông đúc, không hướng đến việc mở rộng mạng lưới và phân làn giao thông hợp lý.

Việc định doanh thu theo phương án tài chính một số dự án còn thiếu chuẩn xác, doanh thu thực tế của một số dự án chênh lệch cao so với phương án tài chính, sẽ là gánh nặng cho người dân và doanh nghiệp tham gia giao thông vì thời gian thu phí kéo dài – TTCP kết luận.

Đặc biệt, TTCP khẳng định cơ chế thu phí hoàn vốn các dự án còn bất cập, giá thu phí cao, điều chỉnh không hợp lý. Có dự án thậm chí còn chưa hoàn thành nhưng giá thu phí tương đương dự án mới như dự án Pháp Vân - Cầu Giẽ.

Phương thức thu phí lạc hậu, gây ách tắc giao thông, đặc biệt là việc xác định vị trí đặt trạm thu phí không hợp lý , có một số trạm thu cả với người không tham gia giao thông trên tuyến đường đầu tư theo hình thức BOT.

“Những bất cập đó theo từng góc độ đều ảnh hưởng nhất định đến lợi ích nhà đầu tư, Nhà nước và đặc biệt là tạo áp lực về giá phí cao đối với người dân tham gia giao thông và chi phí hoạt động vận tải. Thực tế đã xảy ra một số vụ việc người dân bức xúc và tụ tập đông người phản đối đến nay chưa có hướng giải quyết dứt điểm” – TTCP kết luận.