Đầu năm 2017, Bộ Thông tin và Truyền thông phát hiện tình trạng quảng cáo sản phẩm, dịch vụ của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước, kể cả một số thương hiệu toàn cầu được gắn trong các video có nội dung xấu độc, phản động vi phạm pháp luật Việt Nam phát trên mạng xã hội YouTube thông qua dịch vụ quảng cáo của Google.
Đặc biệt, dòng tiền quảng cáo này lại được Goolge chia sẻ cho các đối tượng sản xuất clip xấu độc, phản động, vô hình chung gián tiếp tiếp tay cho các hoạt động chống phá Nhà nước Việt Nam.
Đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật về quảng cáo; là nguy cơ đáng lo ngại, gây ảnh hưởng đến sự an toàn, uy tín của các thương hiệu, doanh nghiệp.
Trước tình hình đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đã gửi công văn cảnh báo hành vi tới tất cả các nhóm hàng, đồng thời làm việc với các đại lý quảng cáo, đại diện Google yêu cầu khắc phục triệt để các hiện tượng nêu trên.
Vì vậy, sau tháng 3/2017, tình trạng này đã cơ bản được khắc phục. Tuy nhiên, gần đây qua rà soát, Bộ Thông tin và Truyền thông phát hiện thấy đã xuất hiện trở lại tình trạng này, đặc biệt là mức độ và phạm vi ngày càng được mở rộng.
Chiều 25/6, tại Hà Nội, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã chủ trì cuộc họp với các doanh nghiệp, các đại lý quảng cáo... nhằm chấn chỉnh hoạt động quảng cáo trên các nền tảng xuyên biên giới ở Việt Nam nói chung và trên nền tảng YouTube, Google nói riêng.
Video clip xấu độc còn nhiều và có chiều hướng gia tăng
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết, trong hai năm qua, Google đã hợp tác tích cực với Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc ngăn chặn, gỡ bỏ những video clip xấu độc trên YouTube theo yêu cầu của Bộ. Tuy nhiên, tình trạng các clip xấu độc được đăng tải trên nền tảng này vẫn còn rất nhiều và có chiều hướng gia tăng.
Qua rà soát của Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện, trên YouTube có khoảng 55 nghìn video clip có nội dung xấu độc vi phạm pháp luật. Dù thời gian qua Google đã ngăn chặn, gỡ bỏ gần 8.000 video clip xấu độc trên YouTube theo yêu cầu của Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử nhưng do cơ chế quản lý nội dung trên YouTube còn rất nhiều bất cập nên việc ngăn chặn gỡ bỏ này như "cóc bỏ đĩa."
Đến 25/6/2019, Cục phát hiện có khoảng 100 nhãn hàng trong nước vi phạm quảng cáo trong các clip thông tin xấu độc.Nguyên nhân tình trạng này là do bộ lọc của YouTube hoạt động chưa hiệu quả, vẫn còn kẽ hở để người sử dụng đăng tải nội dung vi phạm núp dưới những tiêu đề, chuyên mục không vi phạm.
Cơ chế kiểm duyệt của YouTube phụ thuộc vào hậu kiểm dẫn đến người dùng dễ dàng đăng tải các clip vi phạm, trong khi quy trình thẩm định và gỡ bỏ clip vi phạm mất nhiều thời gian.
YouTube không có biện pháp ngăn chặn người dùng đăng lại những clip vi phạm đã bị bóc gỡ theo yêu cầu của cơ quan quản lý; vẫn cho phép bật tính năng suggest cho những kênh, clip xấu độc, khiến các nội dung xấu độc chiếm tỷ lệ rất nhỏ trên YouTube (0.1%) nhưng lại bị phát tán, lan truyền rất mạnh mẽ; không kiểm soát được hoạt động đăng phát quảng cáo trên các clip YouTube và mạng lưới quảng cáo Google Adsense...
Việc tái diễn tình trạng quảng cáo sản phẩm, dịch vụ của nhiều doanh nghiệp được gắn trong các video có nội dung xấu độc, phản động vi phạm pháp luật Việt Nam phát trên mạng xã hội YouTube thông qua dịch vụ quảng cáo của Google... thời gian gần đây cho thấy các biện pháp khắc phục của Google không giải quyết được triệt để những vi phạm này, gây rủi ro các thương hiệu khi quảng cáo trên YouTube.
Các đại lý quảng cáo của Google tại Việt Nam không chủ động kiểm soát việc đăng phát quảng cáo của các đối tác (nhãn hàng, thương hiệu) trên nền tảng YouTube khiến tình trạng quảng cáo bị gắn vào các clip xấu độc tái diễn trở lại; không báo cáo cho cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động thực hiện dịch vụ quảng cáo liên quan đến các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam, vi phạm quy định tại Điểm c, Khoản 2 Điều 15, Nghị định 181/2013/NĐ-CP của Chính phủ.
Báo cáo của YouTube gửi Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy hiện có nhiều nội dung vi phạm đến từ Việt Nam, chủ yếu do các nhà sáng tạo nội dung của Việt Nam làm ra.
Các sai phạm chủ yếu là: nội dung gợi dục, kích động bạo lực, giang hồ mạng; nội dung cổ vũ cờ bạc, chơi ma túy; nội dung gây hại cho trẻ em; nội dung sử dụng nhạc, hình ảnh vi phạm bản quyền.
Qua rà soát của Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử, YouTube đang trực tiếp quản lý 130 nghìn kênh tiếng Việt. Cục nhận thấy sai phạm trên YouTube chủ yếu đến từ 130 nghìn kênh tiếng Việt do YouTube trực tiếp quản lý...
Chung tay "quét rác" trên môi trường mạng
Tại cuộc họp, đại diện các doanh nghiệp có sản phẩm quảng cáo, các đại lý quảng cáo đã nêu ý kiến, xác định rõ trách nhiệm của các bên (Công ty có sản phẩm quảng cáo, đại lý quảng cáo và Google) trong việc để xảy ra tình trạng nêu trên; thể hiện cam kết tuân thủ các quy định của pháp luật khi thực hiện quảng cáo với tinh thần sẵn sàng hợp tác với Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc yêu cầu Google và YouTube ngăn chặn tình trạng đã nêu.
Đại diện các bộ, ngành liên quan cũng khẳng định việc phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông nhằm ngăn chặn các dòng tiền thanh toán cho nội dung vi phạm; lập danh sách các kênh YouTube Việt Nam được Google chia sẻ tiền quảng cáo nhưng chưa thực hiện nghĩa vụ thuế để chấn chỉnh hoạt động này; xử lý nghiêm các trường hợp đã được cảnh báo mà vẫn vi phạm trên YouTube và Facebook...
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định doanh nghiệp muốn đến làm ăn lâu dài cần song hành với sự thịnh vượng của xã hội và nước sở tại. Không thể có doanh nghiệp phát triển thịnh vượng nhưng đất nước lụn bại đi. Bất cứ doanh nghiệp trong hay ngoài nước đều phải tuân thủ luật pháp của nước sở tại. Doanh nghiệp đến nơi nào kinh doanh cũng phải có trách nhiệm làm cho đất nước đó phát triển thịnh vượng và hòa bình.
Quan điểm của Bộ Thông tin và Truyền thông là: "Kiên quyết yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới khi hoạt động tại Việt Nam phải tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam; bất cứ nền tảng xuyên biên giới nào vào Việt Nam hoạt động không tuân thủ pháp luật Việt Nam sẽ không được đất nước này chào đón."
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng kêu gọi các doanh nghiệp, các đại lý quảng cáo, các nền tảng công nghệ Việt Nam, các cơ quan báo chí và người sử dụng mạng xã hội chung tay cùng Bộ Thông tin và Truyền thông "quét rác" trên môi trường mạng, bảo vệ sự an toàn cho các thương hiệu, xây dựng môi trường Internet lành mạnh, an toàn tại Việt Nam; ủng hộ, ưu tiên quảng cáo trên các nền tảng truyền thông số Việt Nam nói riêng và các nền tảng tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam nói chung.
Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp với Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước, Tổng cục Thuế triển khai các biện pháp ngăn chặn dòng tiền thanh toán cho hoạt động vi phạm pháp luật trên các nền tảng này; xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm, trong đó bao gồm cả các hoạt động đăng tải nội dung thông tin, hoạt động quảng cáo và việc thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Theo đó, các doanh nghiệp Việt Nam có hoạt động hợp tác với các nền tảng xuyên biên giới phải tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam, đồng thời hợp tác chặt chẽ, chịu sự giám sát của các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc quản lý nội dung, quản lý hoạt động quảng cáo và thuế.
Các nền tảng nội dung số trong nước cần hợp tác chặt chẽ, chung tay xây dựng hệ sinh thái số Việt Nam vững mạnh, an toàn. Bộ Thông tin và Truyền thông sẵn sàng hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp để phát huy tối đa tiềm lực doanh nghiệp Việt Nam.
Để triển khai hiệu quả các biện pháp quản lý, Bộ trưởng yêu cầu Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện.../.