Cảnh sát biển và Hải quân Nhật diễn tập sử dụng vũ khí ngăn chặn tàu Trung Quốc tiếp cận đảo Senkaku

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Giữa lúc quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc căng thẳng, Cảnh sát biển và Hải quân Nhật Bản hôm 22/12 đã tổ chức một cuộc tập trận hiếm thấy nhằm ngăn cản tàu chiến Trung Quốc tiếp cận Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Tàu tuần tra của Cảnh sát biển Nhật (giữa) hôm 22/12 tập trận chung với tàu hộ vệ của Hải quân ngăn cản tàu Trung Quốc đến gần Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư (Ảnh: QQ).
Tàu tuần tra của Cảnh sát biển Nhật (giữa) hôm 22/12 tập trận chung với tàu hộ vệ của Hải quân ngăn cản tàu Trung Quốc đến gần Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư (Ảnh: QQ).

Theo thông tin từ Kyodo News ngày 23/12, Lực lượng Phòng vệ trên biển (Hải quân) Nhật Bản phát đi thông báo cho biết Lực lượng Phòng vệ bờ biển (Cảnh sát biển) và Lực lượng Phòng vệ trên biển hôm 22/12 đã tiến hành huấn luyện chung tại vùng biển phía đông đảo Izuoshima. Lực lượng Cảnh sát biển đã huy động tàu tuần tra đặc biệt chịu trách nhiệm về quần đảo Senkaku, cuộc huấn luyện được tiến hành với tình huống giả định tàu Trung Quốc tiếp cận quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư).

Báo Nhật Bản Yomiuri Shimbun ngày 23/12 đưa tin về vụ diễn tập.

Báo Nhật Bản Yomiuri Shimbun ngày 23/12 đưa tin về vụ diễn tập.

Theo một số nguồn tin từ các quan chức chính phủ Nhật Bản, trong cuộc tập trận, một hòn đảo thuộc quần đảo Izuoshima được giả định là "quần đảo Senkaku". Các tàu tuần tra của Cảnh sát biển sau khi yêu cầu các “tàu chiến Trung Quốc” áp sát “Quần đảo Senkaku” không thành, mệnh lệnh “Hành động đảm bảo an ninh trên biển” được phát ra, các tàu hộ vệ của Hải quân đã tiến hành “ngăn chặn tàu chiến Trung Quốc" tiếp cận hòn đảo.

Báo Nhật Bản Yomiuri Shimbun ngày 23/12 đặc biệt đề cập rằng Cảnh sát biển và Hải quân Nhật Bản đã tổ chức một cuộc tập trận chung để mô phỏng tình hình thực hiện “Hành động đảm bảo an ninh trên biển”. Theo “Hành động đảm bảo an ninh trên biển”, Hải quân Nhật Bản có thể sử dụng vũ khí theo các tiêu chuẩn nhất định. Việc các lực lượng Cảnh sát biển và Hải quân Nhật Bản tập trận chung chống lại tàu chiến Trung Quốc là điều hiếm thấy.

Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hiện đang là điểm nóng trong quan hệ Nhật - Trung (Ảnh: Kyodo).

Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hiện đang là điểm nóng trong quan hệ Nhật - Trung (Ảnh: Kyodo).

Được biết “Hành động đảm bảo an ninh trên biển” của Nhật Bản là chỉ tình huống khi Lực lượng Phòng vệ bờ biển (Cảnh sát biển) không thể ứng phó, được sự chấp thuận của Thủ tướng Nhật Bản, Bộ Quốc phòng ra lệnh điều động Lực lượng Phòng vệ trên biển (Hải quân). Lực lượng Phòng vệ trên biển được phép sử dụng vũ khí theo các tiêu chuẩn nhất định.

Trong vấn đề quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang là một điểm nóng trong quan hệ Nhật - Trung, Nhật hiện đang kiểm soát và tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo này. Trong khi đó, phía Trung Quốc cũng đã nhiều lần tuyên bố “quần đảo Điếu Ngư và các đảo trực thuộc là lãnh thổ cố hữu của Trung Quốc từ xa xưa và Trung Quốc có đầy đủ cơ sở pháp lý và lịch sử về chủ quyền của mình đối với quần đảo Điếu Ngư”. Trung Quốc cũng thường xuyên đưa tàu Hải Cảnh và tàu cá đến hoạt động trong vùng biển gần Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, gây nên căng thẳng trong quan hệ hai nước.

Đụng độ giữa tàu công vụ hai nước Nhật - Trung trên vùng biển Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư năm 2015 (Ảnh: KBS).

Đụng độ giữa tàu công vụ hai nước Nhật - Trung trên vùng biển Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư năm 2015 (Ảnh: KBS).

Nhật Bản luôn bác bỏ quan điểm của Trung Quốc, nói chủ trương của Trung Quốc là không thể chấp nhận được và khẳng định “quần đảo Senkaku không tồn tại vấn đề về chủ quyền lãnh thổ cần được giải quyết, Nhật Bản khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Senkaku”.

Đầu năm nay Trung Quốc ban hành Luật Hải Cảnh mới bắt đầu thực thi từ ngày 1/2/2021 trong đó quy định: “nếu chủ quyền của Trung Quốc bị chính phủ hoặc cá nhân nước ngoài xâm phạm, Hải cảnh Trung Quốc có thể sử dụng vũ khí”. Cục trưởng Cảnh sát biển Nhật Bản, ông Takahiro Okujima đã tuyên bố: “Do việc Trung Quốc thực thi Luật Hải Cảnh, cho phép cơ quan chức năng của Trung Quốc được phép sử dụng vũ khí trong việc thực thi pháp luật; Nhật Bản không loại trừ việc sử dụng vũ khí chống lại các tàu xâm phạm quần đảo Senkaku và các vùng biển lân cận trong phạm vi luật pháp quốc tế cho phép”.

Tàu Cảnh sát biển Nhật Bản xua đuổi tàu Hải Cảnh Trung Quốc trên vùng biển Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hồi tháng 6/2020 (Ảnh: Kyodo).

Tàu Cảnh sát biển Nhật Bản xua đuổi tàu Hải Cảnh Trung Quốc trên vùng biển Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hồi tháng 6/2020 (Ảnh: Kyodo).

Tướng Koji Yamazaki, Tổng Tham mưu trưởng Nhật Bản, đã có cuộc họp trực tuyến với Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley ngày 17/2/2021. Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa các nhà lãnh đạo cao nhất của quân đội Nhật Bản và Mỹ kể từ chính quyền của Tổng thống Biden lên nắm quyền. Hai bên đã trao đổi quan điểm về Luật Hải Cảnh của Trung Quốc, khẳng định lập trường “phản đối các nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng ở Biển Hoa Đông và Biển Đông bằng vũ lực", và đồng ý rằng việc triển khai quân đội Mỹ trong các khu vực liên quan của Ấn Độ - Thái Bình Dương là vô cùng quan trọng và cần thiết phải tăng cường hơn nữa quan hệ Nhật - Mỹ.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và các quan chức Mỹ khác cũng đã tuyên bố quần đảo Senkaku thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp ước An ninh Mỹ - Nhật. Tổng thống Joe Biden và Ngoại trưởng Antony Blinken cũng tái khẳng định cam kết vững chắc của Mỹ đối với quốc phòng của Nhật Bản theo Điều 5 của Hiệp ước An ninh Mỹ - Nhật trong các cuộc điện đàm với nhà lãnh đạo Nhật Bản ngay sau khi nhậm chức.

Điều 5 của Hiệp ước An ninh được Mỹ và Nhật Bản ký năm 1960 quy định rằng nếu lãnh thổ dưới sự quản lý của Nhật Bản bị một quốc gia khác tấn công, Mỹ sẽ cùng hành động với Nhật Bản để “ứng phó với mối nguy hiểm chung”.