Bệnh nhân là Phạm Thị X. (Sn 1966) và chồng là Trương Công N. (SN 1958), cùng trú tại Kiên Giang, được chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng teo cơ, hạn chế vận động hai tay, nói khó và liệt 2 chân.
Qua khai thác bệnh tiền sử bệnh, bà X cho biết, từ tháng 9-11/2021, bà X. cùng chồng được người quen cho hạt đậu muồng để trồng và ăn. Theo truyền miệng, bà X được biết hạt đậu muồng có thể chữa bệnh tiểu đường. Tỷ lệ đường trong máu của vợ chồng bà X có nhỉnh hơn 1 chút so với chỉ số bình thường nhưng không đến ngưỡng mắc bệnh tiểu đường nên ăn hạt muồng để ngừa bệnh.
Ban đầu mỗi ngày bà X. chỉ ăn khoảng 2 hạt, sau đó có ăn nhiều hơn và ăn hàng ngày. Sau khi ăn được khoảng 3 tháng, bà X. và chồng thấy người mệt mỏi, suy nhược, chân tay yếu và cân nặng sụt giảm nên đi khám bệnh viện tại Kiên Giang. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán bà bị thiếu canxi nên kê đơn để bà bổ sung canxi.
Uống hết đơn nhưng triệu chứng không cải thiện, thậm chí còn nặng hơn, nên bà X. cùng chồng tiếp tục lên TP HCM để điều trị. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán vợ chồng bà bị viêm đa dây thần kinh, phải châm cứu và bấm huyệt. Hết liệu trình điều trị, bệnh không thuyên giảm mà nặng hơn, không chỉ còn là yếu chân tay mà chuyển sang bị liệt cả 2 chân và phải di chuyển bằng xe lăn. Các bác sĩ ở bệnh viện gửi mẫu máu của vợ chồng bà sang Singapore để xét nghiệm và kết quả cho thấy: Vợ chồng bà X. nghi bị nhiễm độc kim loại nặng và được giới thiệu ra Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai để điều trị.
Ngày 12/4/2022, vợ chồng bà X. được chuyển đến Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng teo cơ, hạn chế vận động hai tay, nói khó và liệt 2 chân. Sau hơn một tháng điều trị tích cực với 8 lần lọc máu và thay huyết tương, sức khỏe của vợ chồng bà X đã dần cải thiện. Ông N đã có thể cầm được bát cơm, tự đứng lên được và bước quanh giường. Bà X đã nói rõ, nuốt bình thường, tự nâng được bát cơm và tự đứng dậy trên đôi chân của mình.
TS.BS. Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai - cho biết: Cả hai bệnh nhân khi nhập viện bị liệt rễ và dây thần kinh toàn thân, teo cơ nặng, người vợ bắt đầu liệt hầu họng nguy cơ ảnh hưởng chức năng sống còn.
TS.BS. Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc đang đánh giá vận động cho vợ chồng bệnh nhân X. bị ngộ độc hạt muồng |
“Trung tâm đã tiến hành rất nhiều kiểm tra, xét nghiệm, hội chẩn nhiều chuyên khoa. Các thăm dò và kiểm tra đã loại trừ các nguyên nhân có các bệnh khác, kể cả ngộ độc các kim loại nặng cũng không phải. Hai bệnh nhân cũng đã được sinh thiết cơ cho thấy có dấu hiệu cơ bị xơ, teo và thoái hóa. Mẫu cây của hai bệnh nhân đem tới đã được gửi đi nhận dạng bởi các chuyên gia cho thấy đây là cây muồng tây, hay muồng lá khế, tên khoa học là Senna occidentalis (hay còn gọi là Cassia occidentalis). Bệnh nhân bị ngộ độc trong một thời gian khá dài khiến teo hết cơ dẫn đến yếu liệt tất cả các chi. Trung tâm Chống độc đã nỗ lực điều trị bằng những giải pháp tối ưu nhất. Sức khỏe bệnh nhân đã được cải thiện một phần nhưng về lâu dài thì nguy cơ vẫn có để lại di chứng”- TS.BS. Nguyễn Trung Nguyên cho hay.
Với kinh nghiệm điều trị trong lĩnh vực độc chất, TS.BS. Nguyên khuyên mọi người bệnh không nên nghe theo lời truyền miệng để chữa bệnh mà nên đến gặp bác sĩ hoặc các lương y đã được cấp phép hành nghề để thăm khám và điều trị.
Bàn về cây muồng dẫn đến tình trạng ngộ độc của bệnh nhân, BS. Nguyên cho biết, trường hợp của vợ chồng bà X. là trường hợp đầu tiên của Việt Nam được phát hiện. Ngoài Việt Nam, trên y văn thế giới mới chỉ công bố một số ít ca ngộ độc ở trẻ em Ấn Độ (phần lớn các trẻ đó đã tử vong). Tình trạng ngộ độc loại cây này xảy ra nhiều ở các gia súc, gia cầm ở các nước. Độc tố trong cây muồng tây này là anthraquinone, độc tố có ở toàn bộ cây nhưng tập trung ở hạt, đã được ghi nhận gây độc với cơ, thần kinh, đặc biệt gây hoại tử cơ, thoái hóa cơ, tổn thương gan, não và tử vong trên người và động vật.
“Điều đáng cảnh báo là loại cây này được khuyên dùng như 1 bài thuốc để chữa bệnh nhưng thực chất đây là loại cây độc, đã trực tiếp gây tử vong trên người và động vật”- TS Nguyên cho biết thêm.
Vọng Giang Nam còn gọi là hạt muồng, cốt khí muồng, dương giác đậu, giang nam đầu, thảo quyết minh, sơn lục đậu, dã biển đậu, muồng hòe, muống lá khế… là một cây nhỏ cao 0.6-1m, thân phía dưới hóa gỗ. Toàn thân nhẵn, không có lông, lá mọc so le, kép lông chim chẵn, lá chét 4-9cm, mọc đối, hình trứng thuôn, không cuống, phiến lá lệch ở phía cuống, toàn lá dài 20cm. Hoa ở kẽ lá hay đầu cành, màu vàng nhạt, mọc thành chùm. Quả giáp, dài 6-10cm, rộng tới 7mm, hơi hình cung, giữa các hạt hẹp lại làm cho quả trông có dáng gồm rất nhiều đốt nối nhau. Hạt dẹt hình trứng dài 4mm, rộng 3mm, xếp chồng lên nhau theo chiều dọc. Vỏ cứng nhẵn bóng.