Thông tin trên được đưa ra trong cuộc họp trực tuyến của UBND TP. Hà Nội với các quận, huyện, thị xã để triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 diễn ra vào chiều nay, ngày 23/2.
Không thiếu giường bệnh, hạn chế chuyển tầng điều trị
Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chử Xuân Dũng nêu rõ: Tình hình dịch COVID-19 hiện nay diễn biến phức tạp, số ca mắc mới tăng nhanh, trung bình những ngày gần đây là 5.128 F0/ ngày. Việc cho phép mở cửa các dịch vụ, du lịch, hàng không, thời tiết lạnh khiến thành phố đối mặt với nhiều thách thức.
Đáng chú ý, sau khi giải trình tự gene các ca bệnh, thành phố đã phát hiện 4 trường hợp ở Bệnh viện Bạch Mai nhiễm biến chủng Omicron. Điều này được thành phố dự báo từ trước và đã triển khai các kế hoạch ứng phó cụ thể.
Nhận định về dịch COVID-19 hiện nay, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội phân tích: “97% F0 mắc bệnh nhẹ, không triệu chứng. Thành phố đã chủ động chuẩn bị 8.500 giường (thêm 1.655 giường cho nhi khoa và trẻ em). Các bệnh viện Trung ương vẫn còn nhiều giường bệnh cho bệnh nhân COVID-19. Thành phố có thể kích hoạt bệnh viện chuyên điều trị ngoại vi ngay khi cần thiết. Bệnh viện Đa khoa Đức Giang có thể tập trung chuyên điều trị cho bệnh nhân tầng 3”.
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chử Xuân Dũng (Ảnh - Phú Khánh) |
Lãnh đạo thành phố yêu cầu các đơn vị phải có thái độ bình tĩnh và tư tưởng thích ứng an toàn nhưng không chủ quan; kiên trì việc phân cấp đến các quận, huyện, thị xã và “4 tại chỗ”; tiếp tục nâng cao năng lực cho tuyến y tế cơ sở (tập trung quản lý F0 tại nhà; không để tình trạng F0 không có thông tin; đảm bảo các túi thuốc A, B, C; tăng cường tập huấn hướng dẫn chủ động và nhuần nhuyễn; điều phối các lực lượng hiệu quả cao nhất.
“Phải hạn chế tối đa bệnh nhân chuyển tầng nặng, tử vong. Đây là mục tiêu cao nhất, phải làm bằng được” – ông Dũng nhấn mạnh và yêu cầu các đơn vị cần chú trọng triển khai tập trung, hiệu quả kế hoạch của UBND TP. Hà Nội về quản lý, bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ mắc COVID-19 trên địa bàn.
Trước sự việc phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai quá tải xét nghiệm (hơn 90.000 dân mà chỉ có 10 nhân viên y tế), Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội yêu cầu các đơn vị phải chủ động có phương án tăng cường lực lượng cho các địa bàn "nóng".
Trực 24/24, sẵn sàng tiếp nhận người bệnh
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, tuần qua, số ca mắc COVID-19 tăng cao, có ngày ghi nhận 6.860 ca và dự báo tiếp tục tăng trong các tuần tiếp theo.
Tuy nhiên, Sở Y tế Hà Nội khẳng định: Dịch vẫn được kiểm soát bằng các biện pháp cụ thể như: tiêm chủng, quản lý và điều trị bệnh nhân; ứng dụng nền tảng công nghệ vào quản lý, theo dõi, chăm sóc điều trị bệnh nhân COVID-19 từ sớm.
Bác sĩ khám cho bệnh nhân COVID-19 nặng (Ảnh - Minh Thuý) |
Thành phố cũng tăng cường công tác điều trị, thực hiện trực 4 cấp với thời gian 24/24h tại các bệnh viện để sẵn sàng thu nhận người bệnh khi chuyển tầng; tăng cường kết nối thông tin hỗ trợ và cấp phát thuốc kịp thời cho người dân. Việc tiêm vét theo chỉ đạo của Thủ tướng được thực hiện hiệu quả, cơ bản hoàn thành,… Kết quả đã khống chế tỷ lệ chuyển tầng ở mức 0,36%, tỉ lệ tử vong là 0,19%.
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung, số ca tăng cao cơ bản nằm trong dự báo của thành phố. Lãnh đạo thành phố đã có những chỉ đạo cụ thể với từng nhiệm vụ rõ ràng. Mỗi quận, huyện cần có thêm các giải pháp phù hợp với tình hình thực tế ở địa bàn.
Nguy hiểm từ tâm lý "ai rồi cũng là F0"
Theo phân tích của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chủng Omicron có khả năng lây lan nhanh hơn nhiều so với chủng Delta. Do đó, việc Hà Nội đã xuất hiện các ca bệnh COVID-19 chủng Omicron là dấu hiệu cho thấy số ca nhiễm cộng đồng có thể nhiều hơn và lây lan nhanh hơn.
Vì vậy số ca mắc COVID-19 ở Hà Nội sẽ có thể tiếp tục tăng. Mỗi người dân cần bỏ ngay tâm lý “rồi ai cũng là F0”, chủ quan kể cả khi đã tiêm 3 mũi bởi di chứng của COVID-19 có thể có với bất kỳ ai khi bị nhiễm và khỏi bệnh.