Cảnh báo: 7 loại đầu thu số DVB-T2 “lậu” nhan nhản trên thị trường

Một số mẫu đầu thu số DVB-T2 lậu đang được bán trên thị trường như: KTS, Apolo, i-Sky K300, JPK, Dunals, Jpark, Pentasat đều chưa thực hiện công bố hợp quy, chưa dán nhãn hàng hóa, chưa có logo số hóa truyền hình, thuộc mặt hàng không được phép lưu thông trên thị trường.
Cảnh báo: 7 loại đầu thu số DVB-T2 “lậu” nhan nhản trên thị trường

Chỉ còn 40 ngày nữa là đến ngày tắt sóng mềm truyền hình analog ở 4 thành phố lớn, hiện tại thị trường đầu thu truyền hình số đã rất sôi động với nhiều loại và mẫu mã khác nhau. Mặc dù số lượng đầu thu thực hiện thủ tục công bố hợp quy ở Cục Viễn thông đã có khoảng gần 70 loại, nhưng trên thực tế trên thị trường chỉ có khoảng hơn 20 loại được bán ra. Đây là những loại đầu thu số DVB-T2 đã thực hiện công bố hợp quy, dán nhãn hàng hóa, dán logo số hóa truyền hình theo đúng quy định của Bộ TT&TT.

Ăn theo Đề án số hóa truyền hình, dự báo nhu cầu mua sắm đầu thu số DVB-T2 đang tăng đột biến tại 23 tỉnh, thành phố sắp bị ảnh hưởng khi 4 thành phố lớn tắt sóng truyền hình analog vào ngày 15/6/2016 tới đây, trên thị trường đầu thu còn xuất hiện một số mặt hàng đầu thu số DVB-T2 chưa thực hiện công bố hợp quy, chưa được dán nhãn hàng hóa và gắn logo số hóa truyền hình (đầu thu lậu – PV).

Theo một số doanh nghiệp cung cấp đầu thu, ở các đại lý điện tử ngoại thành Hà Nội và các tỉnh, thành đều có bán cả hai mặt hàng đầu thu số chính hãng và đầu thu số lậu. Mặc dù đầu thu số chính hãng đa dạng cả về mẫu mã và số lượng đủ để cung cấp cho nhu cầu của người dân nhưng đầu thu lậu vẫn có chỗ đứng do giá thành rẻ hơn. Đầu thu lậu không thực hiện các thủ tục về gán nhãn hàng hóa, kiểm định kỹ thuật, đồng thời nhập khẩu chủ yếu qua đường tiểu ngạch nên có thể trốn được thuế nhập khẩu, thuế VAT.

Đầu thu số chủ yếu bán được nhiều ở các khu vực ngoại thành, cho những người có thu nhập trung bình hoặc thấp, cho nên giá đầu thu lậu chỉ cần rẻ hơn từ 50.000 – 100.000 đồng/bộ là đã có đủ sức thu hút người dân.

Tại khu vực miền Bắc xuất hiện nhiều nhất là hai loại đầu thu lậu nhãn hiệu Apolo và KTS, còn khu vực miền Nam chủ yếu là đầu thu Pentasat. Các loại đầu thu lậu này có giá bán khá hấp dẫn, chỉ từ 350.000 đồng – 450.000 đồng/bộ, có chế độ bảo hành từ 6 – 12 tháng.

Giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh đầu thu số DVB-T2 chính hãng chia sẻ với ICTnews rằng, khi nhân viên kinh doanh của công ty này đi giao hàng hoặc vận chuyển hàng thường phải mang theo đầy đủ các loại giấy tờ chứng minh nguồn gốc hàng hóa hợp lệ, vì thường xuyên được các lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều đại lý điện tử vẫn bày bán công khai các loại đầu thu số lậu.

Các doanh nghiệp kinh doanh đầu thu số DVB-T2 rất nóng lòng chờ cơ quan chức năng vào cuộc để ngăn chặn hàng lậu, hàng giả, hàng nhái nhằm bảo vệ thị trường đầu thu số DVB-T2 khi lộ trình triển khai Đề án số hóa truyền hình đang vào giai đoạn nước rút.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc áp thuế nhập khẩu tới 35% cho một mặt hàng bình dân, phần lớn được cung cấp cho những hộ gia đình nghèo, những nơi xa trung tâm tỉnh, thành phố sẽ dẫn tới nguy cơ hàng lậu, hàng trốn thuế sẽ tràn vào thị trường, dẫn tới việc khó kiểm soát được chất lượng hàng hóa, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

Đây là một số loại đầu thu số DVB-T2 lậu đang có mặt trên thị trường:

  

Theo ICT News