Chỉ còn hơn 40 ngày nữa là đến thời điểm tắt sóng mềm truyền hình analog ở 4 thành phố. Tuy nhiên việc triển khai số hóa truyền hình đang vấp phải những rào cản, khiến cho việc chuyển đổi sang dùng truyền hình số của người dân gặp không ít trở ngại.
Đầu thu số DVB-T2 sẽ tăng giá chóng mặt vì bị áp thuế nhập khẩu 35%
Tại thời điểm này, Sở TT&TT nhiều tỉnh trong khu vực bị ảnh hưởng bởi số hóa truyền hình đã tích cực triển khai tuyên truyền tới các cấp chính quyền, người dân về số hóa truyền hình. Đồng thời các tỉnh phải xác định lộ trình tắt sóng cụ thể đối với từng khu vực trong tỉnh, tích cực phối hợp với Ban Chỉ đạo trong quá trình hỗ trợ đầu thu truyền hình số cho các hộ nghèo, cận nghèo.
Điều mà nhiều người lo ngại nhất là nếu các địa phương chưa làm tốt công tác tuyên truyền về số hóa truyền hình, thị trường đầu thu sẽ lại nóng tại thời điểm cắt sóng do người dân chưa có sự chuẩn bị trước, vào ngày tắt sóng truyền hình analog mới đổ xô đi mua sắm, dẫn đến "cháy" hàng như đã xảy ra ở Đà Nẵng.
Khi Đà Nẵng tắt sóng “mềm” truyền hình analog vào ngày 1/7/2015, tại thị trường Đà Nẵng và Bắc Quảng Nam đã bị “cháy” mặt hàng đầu thu truyền hình số mặt đất DVB-T2. Rút kinh nghiệm từ Đà Nẵng, để chuẩn bị cho đợt tắt sóng “mềm” tại 4 thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh, Cần Thơ và Hải Phòng vào ngày 15/6/2016 tới đây, ngay từ đầu tháng 4, một số doanh nghiệp cung cấp đầu thu số DVB-T2 đã bắt đầu có kế hoạch đặt hàng từ đối tác sản xuất Trung Quốc, hoặc chuẩn bị sẵn một lượng linh kiện lớn để sẵn sàng cung ứng đầu thu ra thị trường, tránh tình trạng khan hiếm hàng xảy ra như ở Đà Nẵng.
Theo dự báo của một số doanh nghiệp đầu thu, nhu cầu về đầu thu số DVB-T2 cho đợt tắt sóng ngày 15/6/2016 được dự báo sẽ tăng đột biến, dự kiến nhu cầu thị trường tháng đầu tiên sau khi cắt sóng có thể lên đến 1 triệu bộ đầu thu.
Tuy thị trường đầu thu được dự báo là sẽ rất sôi động trong khoảng 1 tháng nữa. Tuy nhiên, ngay từ những ngày đầu tháng 4 này, một tin không vui đã đến với các doanh nghiệp nhập khẩu đầu thu số DVB-T2. Vào ngày 7/4/2016 Tổng cục Hải quan đã chính thức có văn bản áp mã thuế đối với những loại đầu thu truyền hình không có tính năng kết nối Internet và tương tác với người dùng như đầu thu số DVB-T2, truyền hình cáp và truyền hình vệ tinh sẽ bị áp mã HS có mức thuế nhập khẩu lên tới 35%.
Theo công văn số 2852/TCHQ-TXNK ngày 7/4/2016 của Tổng cục Hải quan, mặt hàng đầu thu truyền hình được phân làm hai nhóm. Chỉ có những loại đầu thu truyền hình kết nối qua Internet và có tính năng tương tác với người dùng như đầu thu truyền hình IPTV, đầu thu Android TV Box mới được miễn thuế. Còn lại các sản phẩm đầu thu khác như: đầu thu DVB-T2, truyền hình cáp, truyền vệ tinh đều thuộc nhóm phải đóng thuế nhập khẩu lên tới 35%.
Thông tư Quy định về danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu mới nhất của Hải quan có hiệu lực từ ngày 15/8/2015. Do đó, ngay sau khi Tổng cục Hải quan quyết định thu thuế cao đối với sản phẩm đầu thu, một số doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình cho biết họ đang rất lo lắng về việc không chỉ phải bị tính thuế cao cho những lô hàng mới nhập khẩu mà còn có khả năng bị truy thu thuế cho những lô hàng đã nhập về trước đây và đã tiêu thụ hết.
Việc áp thuế cao tới 35% cho đầu thu số DVB-T2 được nhiều người dự báo là giá đầu thu sẽ tăng lên từ 30-35%, do các loại đầu thu nhập khẩu chiếm tới hơn 70% loại đầu thu được đăng ký hồ sơ công bố hợp quy tại Cục Viễn thông. Do đó, việc người dân phải chi thêm một khoản tiền từ 100.000 – 200.000 đồng cho một bộ thu truyền hình số là điều xảy ra trước mắt.
Quảng cáo anten sai sự thật để trục lợi
Lợi dụng nhu cầu chuyển đổi sang số hóa truyền hình của người dân, ngoài việc thị trường vẫn tràn lan bán đầu thu số DVB-T2 lậu, hàng giả, hàng nhái nhãn hiệu vẫn còn tồn tại. Mới đây lại xuất hiện tình trạng một số kẻ cơ hội đã quảng cáo sai sự thật để lừa bán anten thu truyền hình số với giá cắt cổ. Trong thời gian khoảng 3 tuần trở lại đây, trên Facebook xuất hiện một trang có tên "Ăngten HD - Bắt sóng truyền hình vệ tinh” đã đăng quảng cáo bán một loại anten HD, được quảng cáo sáng chế đạt giải USA Technology 2015. Anten có khả năng bắt sóng mọi kênh truyền hình vệ tinh, bao gồm cả xem miễn phí cả các kênh K+. Loại anten này được công bố giá niêm yết là 699.000 đồng, giá sau khuyến mãi là gần 495.000 đồng.
Theo phản ánh của nhiều thành viên Diễn đàn DVB-T2, không ít người cả tin vào lời quảng cáo "nổ" đã mua loại anten này nhưng khi mang về sử dụng thì không thể thu nổi 1 kênh truyền hình vệ tinh, chưa nói đến là có thể thu hàng trăm kênh truyền hình vệ tinh như quảng cáo!? Thực chất đây chỉ là loại anten trong nhà để thu truyền hình mặt đất, nếu gắn với tivi có tích hợp tính năng thu truyền hình số DVB-T2 thì có thể thu được các kênh truyền hình số quảng bá, còn nếu tivi chưa tích hợp DVB-T2 thì không có tác dụng gì.
Một số người am hiểu về truyền hình số cho biết, loại anten được quảng cáo trên trời kia nếu so sánh chất lượng với những sản phẩm anten trên thị trường thì giá bán chỉ xấp xỉ 50.000 đồng.
Anh Lê Việt, admin của Diễn đàn DVB-T2 khẳng định, đây là một loại anten thu sóng mặt đất thông thường, những lời quảng cáo của trang bán hàng kia thực chất là chiêu lừa đảo bán hàng trắng trợn nhằm lừa gạt người tiêu dùng để bán với giá cao gấp nhiều lần so với giá thực của sản phẩm.
Trên Diễn đàn DVB-T2 phản ánh, không ít đại lý chuyên bán anten và thiết bị thu truyền hình đã mua loại anten này để thử nghiệm tính năng và đều tỏ ra hết sức thất vọng về công dụng của nó, bởi chả có tính năng gì đặc biệt mà chỉ là một chiếc anten thu truyền hình số thông thường.
Sau khi ICTnews đăng bài phản ánh về hành vi lừa đảo này, các trang Facebook lừa đảo kia đã bị đóng lại. Tuy nhiên, bọn chúng có khả năng sẽ dùng hình thức khác để lừa đảo người dân.
Sóng truyền hình số vẫn chập chờn
Ở khâu phát sóng, người dân ở một số vùng thuộc cả hai khu vực miền Bắc và miền Nam đều có phản ánh hiện tượng sóng truyền hình số chưa ổn định, tín hiệu yếu và nhiều nơi sóng chập chờn, lúc được lúc mất. Điển hình nhất là mới đây sau khi Công ty Truyền hình kỹ thuật số miền Nam (SDTV) phát sóng kênh 33 ở trạm Long An, một số người dân ở Long An, Tiền Giang đã phản ánh trên Diễn đàn DVB-T2 về tình trạng tín hiệu sóng truyền hình số yếu, không thu được ở một số nơi. Tình trạng sóng truyền hình chập chờn này mới xảy ra kể từ khi SDTV phát sóng K33 tại trạm Long An từ ngày 15/3/2016.
Đại diện công ty SDTV sau khi kiểm tra phản ánh của người dân cho biết, hiện tượng mất tín hiệu truyền hình số tại một số điểm ở Long An là do phát sinh các điểm “mù” trong vùng phủ sóng khi thiết lập nhiều trạm phát sóng mới. Để khắc phục, người dùng cần điều chỉnh lại anten để tìm được hướng thu tốt nhất.
Ở miền Bắc, sóng truyền hình số của VTC cũng bị kêu ca khá nhiều, đặc biệt là những khu vực ngoài phạm vi Hà Nội rất khó thu sóng của VTC.
Theo ICT News